“Yêu nữ quầy bar” – Một cánh bướm đêm đi tìm hạnh phúc
Làm “điếm” (theo ngôn ngữ tác giả) cũng là một nghề, dù nhơ nhuốc, bẩn thỉu hay đáng khinh. Hãy dành chút cảm thông cho những cô gái ấy, bởi có thể họ không có sự lựa chọn nào khác...
Yêu nữ quầy bar
Tác giả: Mỹ Nữ Biển Đại Thụ Dịch giả: Lê Đỗ Nga Linh NXB Văn Học Giá bìa: 59.000 |
Tôi đọc “Yêu nữ quầy bar” chương 1, 2 vì tò mò, chương 3, 4 vì thích thú, và từ chương 5 trở đi vì say mê. Có thể đây là một tác phẩm không nhiều đặc sắc về bút pháp hay những dụng ý văn chương, nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó đã rất thành công trong việc đánh động vào tâm lý, tình cảm của độc giả, để từ đó ngân lên những rung động sâu sắc và nhân bản.
“Yêu nữ quầy bar” trong nguyên tác là “Cho em xin một điếu thuốc”, của một nữ tác giả lấy bút danh rất lạ: Mỹ Nữ Biển Đại Thụ (cô gái xinh đẹp biến thành cây cổ thụ lớn). Ban đầu là những trang “viết thử”, sau đó, hàng ngày, câu chuyện của nữ tác giả được cập nhật đều đặn trên mạng internet và thực sự tạo ra một làn sóng trong giới trẻ Trung Quốc.
“Yêu nữ quầy bar” kể về câu chuyện tình yêu nhiều trắc trở của Lý Hải Đào và Diệp Tử. Một bên là chàng trai thuộc giới tri thức, con nhà gia giáo và một bên là cô gái điếm thuộc “hàng cao cấp” của quán bar Đá Quý Trần Gian. Không quan tâm đến thân thế hay quá khứ nhơ nhuốc của Diệp Tử, Hải Đào đã yêu cô ngay từ lần đầu tiên gặp mặt. Lần đầu tiên, trong cái quán bar sặc mùi rượu và khói thuốc, trong cái mờ ảo của những ngọn đèn màu, trong sự ngột ngạt đến lợm mùi của da thịt lẫn với mồ hôi và nước hoa rẻ tiền... cô gái có thân hình tuyệt mỹ và gương mặt đẹp như thiên thần ấy đã chiếm được trái tim của anh bằng một câu nói bâng quơ: “Cho em xin một điếu thuốc!”.
Hải Đào đã yêu, yêu đến cuồng nhiệt, đến điên dại, đến quay cuồng trời đất. Tưởng chừng như anh không thể sống thiếu cô trong suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng cuộc sống chẳng lúc nào bình lặng như trong một chậu nước. Cuộc sống là biển cả, với rất nhiều con sóng dữ, thậm chí là cả những cơn bão tố cuốn phăng tất cả. Lần đầu tiên, họ chia tay nhau vì Diệp Tử ghen với cô gái khác. Lần thứ hai, họ lại chia tay nhau vì Hải Đào ghen với người đàn ông khác.
Rốt cuộc tất cả bất hạnh xảy ra lại chỉ vì họ quá yêu nhau. Tình yêu lớn đến nỗi dường như trái tim không đủ sức dung chứa, nó buộc phải chuyển hóa thành nghi ngờ, hờn giận, thành cả lòng ích kỷ và thói cố chấp. Kết quả của sự chuyển hóa đó lại tiếp tục đưa đến hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Yêu vì một câu nói, không yêu vì một câu nói, và rồi tái ngộ cũng bằng một câu nói. “Cho em xin một điếu thuốc!” – cái mệnh đề cầu khiến ấy có gì đặc biệt đâu mà suốt đời Lý Hải Đào chẳng thể nào quên được. Câu nói phát ra từ cái miệng nhỏ xinh của một người đàn bà đẹp. Nhưng sắc đẹp lại thường luôn đi liền với tai ương. Đọc “Yêu nữ quầy bar”, tôi cứ hay nghĩ về câu nói “Cuộc đời không cho không ai cái gì mà cũng không lấy đi hết của ai cái gì”. Diệp Tử được trời phú cho sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhưng sắc đẹp cũng khiến cô phải đánh đổi bằng bao nhiêu khổ đau và bất hạnh. Bao nhiêu nước mắt lẫn dập vùi.
Vì đẹp mà cô luôn tỏ ra nghi ngờ tất cả những người đàn ông đến trong cuộc đời mình. Với cô, họ chỉ là những kẻ bị mê muội bởi vẻ bề ngoài, những kẻ sẵn sàng móc hầu bao để đổi lấy một vòng tay người đẹp, nhưng cũng sẵn sàng đá cô đi như một miếng giẻ rách tầm thường nếu cô làm phương hại đến gia đình, sự nghiệp, tương lai của họ. Cô gái ấy thậm chí không dám yêu một người đàn ông đến trọn vẹn trái tim mình, bởi cô biết, mình chỉ là người đàn bà làm cái nghề bị cả xã hội coi khinh, và sắc đẹp cùng tuổi thanh xuân nào có tồn tại mãi.
Đọc “Yêu nữ quầy bar”, ngoài câu chuyện tình yêu của Diệp Tử và Lý Hải Đào, chắc ai trong chúng ta cũng đều ít nhất một lần xót xa khi nghĩ về thân phận của những cô gái ấy, của những Diệp Tử, Tiểu Ngọc, Ức Đình, Thanh Thanh, Tiểu Vân... Đều là đàn bà mà sao mỗi người một số phận, đều là đàn bà mà sao người này được cả xã hội yêu chiều, ngưỡng vọng, mà người kia bị ném ra đường để cả thiên hạ coi khinh. Đều là đàn bà mà sao người này được lấy chồng, sinh con, sống trong hạnh phúc, người kia chỉ ước ao một lần được làm mẹ thôi, chẳng cần tiền bạc, chẳng cần của cải, cũng không được...
Thân phận của những người đàn bà trong“Yêu nữ quầy bar” cứ khiến tôi liên tưởng đến những cánh bướm đêm đi tìm hạnh phúc. Những đôi cánh mỏng manh, yếu đuối, chới với trong giông bão cuộc đời, những cánh bướm xinh đẹp đã thấm đẫm bụi trần, bay đi trong nỗi sợ hãi bị cự tuyệt, trong cơn nhục nhã vì bị những bàn tay tham lam làm cho tan nát. Có những cánh bướm cam tâm, buông mình theo số phận, để mặc cho dòng đời giày xéo, có những cánh bướm giận dữ lao mình vào lửa để trả thù đời, nhưng cũng có những cánh bướm nhọc nhằn bay lên, tìm về nơi có ánh sáng và khí trời, dù một chút thôi cũng hy vọng, dù đến hơi thở cuối cùng cũng vẫn giang rộng đôi cánh. Thương và quý biết bao những loài bướm đêm như thế.
“Yêu nữ quầy bar” càng nhân văn hơn, bởi nó mở ra cho cả thế giới thấy rằng: Làm “điếm” (theo ngôn ngữ tác giả) cũng là một nghề, cho dù nhơ nhuốc, bẩn thỉu hay đáng khinh. Hãy dành một chút cảm thông cho những cô gái ấy, bởi có thể họ không có sự lựa chọn nào khác. Và hãy mở ra cho các cô ấy có một cơ hội, nếu các cô ấy muốn quay đầu lại. Bởi dù có là ai thì cũng không ra khỏi hai chữ “Con Người”. Ai cũng cần sống và yêu...
Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!! |