“Hôn lễ tháng Ba” – cho những người phụ nữ ta yêu…

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Mùa cưới tháng 3 đã bắt đầu. Những câu chuyện nhỏ trong cuốn sách "Hôn lễ tháng 3" đem đến cho ta thêm nhiều yêu thương, hạnh phúc.

Tên sách: Hôn lễ tháng Ba

Tác giả: Tào Đình

Dịch giả: Nguyễn Thành Phước

NXB Văn Học

Giá bìa: 35.000

Tháng Ba về không ồn ào, khi không gian đã bắt đầu nhạt dần những náo nhiệt của mùa lễ hội. Tháng Ba, ta mở đầu ngày mới bằng một ly cà phê nóng, bằng giọng của phát thanh viên rè rè trên chiếc radio cũ, bằng bước chân thật êm của giầy đế mềm, bằng cái cọ đầu nũng nịu của chú mèo con ngái ngủ, và bằng một cuốn sách thơm mùi mưa phùn và những mầm cây mới nhú: “Hôn lễ tháng Ba”.
 

Cuốn sách như một ngọn lửa nhỏ đốt cháy những cảm xúc ngủ quên trong ta vào một buổi sáng đầy sương mù. Những cảm xúc, dù đa phần không phải thứ hạnh phúc khiến trái tim muốn nhảy múa, reo vui nhưng lại nhen lên trong ta thêm tình yêu và một nỗi niềm đồng cảm.

Tình yêu dành cho một nửa thế giới, đồng cảm dành cho một nửa thế giới. Dường như luôn là như thế, những nhân vật nữ trong truyện của Tào Đình bao giờ cũng chứa đựng một sức sống và nỗi ám ảnh khôn cưỡng – thứ ám ảnh làm kiệt sức trái tim người đọc. Ấy thế nhưng ta không thể không yêu, không thể thôi xót xa, thương cảm hay tiếc nuối cho những phận người, phận đời ấy.
 

Đó là số phận chua xót của một cô gái bị bệnh down bẩm sinh (Tiểu Khả, kiếp sau anh sẽ cưới em), một cô gái “chỉ hơi ngốc thôi, chứ không đần”, một người phụ nữ sinh ra không phải để yêu thương và được ai đó yêu thương. Thế nhưng cô ấy đã yêu, tự trong vô thức để rồi phải gánh chịu khổ đau vì dám đi ngược lại định mệnh.

Câu chuyện về một cô gái khác vì sự kiêu ngạo của bản thân mà đánh mất tình yêu của mình (Liên Tử); về một cô gái sống hết mình cho người yêu, một lòng một dạ dâng hiến cho người yêu để rồi phát hiện ra sự thật đau khổ: người yêu mình là người chuyển giới! (Quá khứ hạnh phúc).
 

Những câu chuyện đi sâu vào hôn nhân và số phận những người phụ nữ trong hôn nhân. Chuyện về một người phụ nữ với khuôn mặt bị biến dạng do tai nạn, luôn mặc cảm mình xấu xí và nghi ngờ chồng có mối quan hệ khác. Trong phút tức giận, cô ấy đã hủy hoại gương mặt của người chồng, rồi sau đó mới nhận ra từ trong thâm tâm, người chồng chưa bao giờ phản bội mình (Khi nhan sắc bị thu hồi)

Chuyện một người đàn bà chạy trốn khỏi chồng mình để đuổi theo những ảo tưởng về một mối tình không bao giờ có thực, và rồi cay đắng nhận ra tình yêu thực sự chính là sự hy sinh và thứ tha vô bờ bến của người chồng (Vô tình và hữu tình)

Chuyện về một cô giúp việc được thuê “đẻ mướn” cho ông chủ, đến khi chính thức về làm vợ của chủ nhưng vẫn không thể thoát khỏi số phận của một người giúp việc. Cô ấy đã chờ đợi suốt 15 năm mà đến tận khi chết vẫn không được nghe đứa con mình dứt ruột đẻ ra gọi một tiếng “mẹ” (Người giúp việc)…
 

Nhưng trên tất cả, sau những trái ngang, đổ vỡ và éo le của kiếp người, điều mà nhà văn nữ 24 tuổi muốn hướng người đọc đến chính là ánh sáng của tình yêu và niềm tin trong cuộc sống gia đình. Nên cô ấy viết: “Giấy kết hôn màu đỏ, giấy ly hôn màu xanh, nhưng các loại giấy tờ xanh xanh đỏ đỏ này cũng không thể làm xấu đi tình yêu của người đời”.

Cũng bởi thế nên mới có “Hôn lễ tháng Ba”, khi người đàn ông đã tự vượt qua được những cám dỗ bên ngoài để trở về với người phụ nữ mình yêu, không cần cầu xin, không cần níu kéo, không cần thuyết phục, chỉ cần một câu “em tin anh!”, chỉ cần một ngọn đèn trong phòng ngủ lúc nào cũng sáng để chờ chồng mình trở về.

Có lẽ cuộc đời là những đẩy đưa của số mệnh, ai đó đã nói thế. Nhưng cũng có lẽ, không ai khác ngoài chính chúng ta hoàn toàn có quyền tạo ra số mệnh của riêng mình.

Bầu trời tháng Ba, sau lớp sương mù buổi sớm là bình minh ló rạng, những tia nắng đầu tiên của ngày mới reo vui. Ta lại nhớ, Tào Đình bảo “Vẫn thích mở đầu bài viết bằng câu hôm nay trời xanh, mây trắng…”.

Vậy thì, hôm nay, trời xanh, mây trắng, rất mong được gửi “Hôn lễ tháng Ba” đến tất cả những người phụ nữ mà ta yêu quý, những người phụ nữ luôn tự tin nắm giữ số mệnh của mình trong bàn tay…

Chia sẻ