Ý nghĩa Tết Thanh minh trong phong tục của người Việt và những lưu ý, kiêng kỵ khi đi tảo mộ
Tết Thanh minh là dịp con cháu được nhắc nhở về công ơn của những người thân đi trước, là dịp gắn kết tình cảm gia đình, dòng họ. Và vì là một phong tục truyền thống, việc tảo mộ cũng có những lưu ý, kiêng kỵ nhất định mà ai cũng cần biết.
Ngày Thanh minh, được đặc trưng bởi không khí trong (thanh) và sáng (minh), diễn ra sau tiết Xuân phân nửa tháng. Là khi mà "người ta đang ở giữa mùa xuân lúc cỏ mềm và mạ non trải rộng khắp nơi màu xanh muôn nghìn sắc độ", như lời cụ Nguyễn Văn Huyên. Là dịp mà người ta tất bật sửa soạn, sắp lễ đi tảo mộ - một tập tục truyền thống đáng quý thể hiện lòng thảo kính ông bà, tổ tiên.
Ấy là "Tết Thanh minh".
Tết Thanh minh - "Cuộc thăm mộ quy mô lớn nhất" tưởng nhớ người đã khuất
Một năm có 24 tiết khí, tiết Thanh minh là tiết khí thứ 5. Tiết Thanh minh năm 2023 bắt đầu vào thứ Tư ngày 5 tháng 4 sau tiết Xuân phân và kết thúc vào ngày 20 tháng 4. Ngày 21 tháng 4 đã bắt đầu tiết Cốc vũ.
Ngày đầu tiên trong tiết Thanh minh được gọi là ngày Tết Thanh minh. Đại thi hào Nguyễn Du đã có những câu tuyệt cú nói về ngày lễ được nhiều người quan tâm này:
"Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay..."
Một đoạn thơ ngắn nhưng đã thể hiện được rõ nét những hoạt động trong ngày xuân "yến anh" này. Lễ tảo mộ bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tế xuân từ xa xưa. Ngày Thanh minh, con cháu các nhà chen chúc giữa các bờ ruộng hẹp, các gò đống và mồ mả, nhổ cỏ, lau dọn và thực hiện các nghi lễ cần thiết.
Ngày Thanh minh, là thời điểm miền Bắc đã hết mưa phùn, miền Nam nắng ráo. Tiết Thanh minh không chỉ là tiết khí tự nhiên mà còn là thời điểm thực hiện tục truyền thống của người dân. Đối với người Trung Quốc, ngày tảo mộ này được gọi là Tết Thanh minh, còn dân ta thường gọi là Ngày Thanh minh, tại sao lại gọi như vậy?
Quét dọn... để tìm kiếm điềm lành
Lễ tảo mộ, phong tục chính là quét dọn, sửa sang phần mộ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính. Người ta lau chùi, nhổ cỏ, bày lễ vật rồi thắp nhang và vái lạy.
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên có nói:
"Người ta tin rằng thiên nhiên nhiễm đầy khí, trong đó có khí lành và khí độc. Khí lành được tiêu biểu bởi Rồng xanh (Thanh long) và khí dữ bởi Hổ trắng (Bạch hổ). Bất cứ nơi nào có Rồng đều có Hổ. Bởi vậy, nơi đặt mộ cũng như nơi làm nhà thuận lợi phải ở càng gần mình Rồng càng tốt. [...] Tuy nhiên, riêng sự có mặt của Rồng và Hổ chưa đủ để quyết định sự giàu sang và tuổi thọ. Khí lành tích tụ gần các cơ quan chủ yếu, còn phải được duy trì một cách thuận lợi bằng gò đồi chắn ngang, những khúc sông uốn lượn đẹp mắt, và địa điểm phải phù hợp với những sự hài hoà may mắn trong thế giới các vì sao".
Cùng với đó là các thế đất mang lại may mắn cho từng thành viên sống trong gia đình. Bởi vậy mà ở đất nước ta, con cháu nhà nào cũng đều tìm cách bảo vệ cẩn thận mồ mả tổ tiên của gia đình mình. Ai cũng chăm sóc, gìn giữ mồ mả theo thứ bậc và khả năng của mình một cách chu đáo nhất.
Điều đầu tiên được thể hiện ở việc dưới chân mộ đều có tấm bia khắc chữ tên của người mất, chức tước hoặc mức độ thân thuộc và ngày sinh ngày mất. Người không dư dả cũng cố rào quanh nấm mộ bằng hàng xương rồng, xây bằng gạch vữa. Nhà khấm khá thì tôn tạo, tu bổ, lát đá hoa cương đẹp đẽ. Người giàu có thường có cả khu đất xây quanh để đặt mộ của dòng họ, trang trí những cây hoa đẹp. Thậm chí còn đặt những tượng ngựa, voi hoặc tấm bình phong bảo vệ.
Tảo mộ có những lưu ý, kiêng kỵ gì?
Đi tảo mộ là tục lệ truyền thống, bởi vậy cũng có những lưu ý, kiêng kỵ nhất định theo quan niệm dân gian. Chẳng hạn, đi viếng mộ nên đi lúc sáng sớm, sau 5 giờ sáng đến trước 3 giờ chiều, khi đó dương khí vượng, còn lại là khoảng thời gian ánh sáng yếu đi, năng lượng âm dần tăng lên dễ làm cơ thể nhiễm khí hàn.
Lễ vật dâng cúng, có thể chuẩn bị những thứ người thân trước khi mất thích ăn. Hoa cúc trắng là loài hoa thích hợp khi đi tảo mộ hoặc những loại hoa không có gai. Không để mộ phai màu, bong tróc hoặc nứt vỡ, để nhiều cỏ dại mọc tràn lan. Không để các vật cũ, vỡ nát hoặc phế thải trên mộ hoặc phía sau mộ.
Sau khi đi tảo mộ, nên đi dạo ở nơi đông người để tiêu tan khí lạnh, sau đó mới trở về nhà. Trong dân gian, nhiều người có thói quen hơ qua người bằng bồ kết, lá ngải, vỏ bưởi. Cũng có người rửa mặt, rửa tay bằng nước ngâm hoa, lá bưởi, lá lựu để trừ bỏ những “âm hàn khí lạnh” ở ngoài nghĩa địa.
Nói về tập tục giữ gìn mồ mả của người Việt Nam, trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cũng nhắc tới sự khác biệt về tục tảo mộ của người Việt với Trung Quốc.
"Trong khoảng tháng ba, có một tiết hậu gọi là Thanh minh. Thanh minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Tục tàu hôm ấy giai nhân, tài tử, đua nhau đi tảo mộ, gọi là Hội Đạp Thanh. Ta không ăn Tết ấy, những cũng nhiều người nhân dịp ấy mà đi tảo mộ. Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm lễ cúng gia tiên".
Vào ngày Thanh minh, sinh khí bừng bừng, âm khí suy giảm, vạn vật bỏ cũ sinh mới, mùa xuân tươi sáng thích hợp cho các cuộc du xuân. Khí hậu Trung Quốc có phần khác biệt với nước ta. Trung Quốc - nơi mùa đông dài và khắc nghiệt ở nhiều khu vực, bởi vậy các tuần sau tiết Xuân phân là lúc đẹp nhất.
Vừa mới đó, tuyết rơi nặng hạt, mầm xanh còn đang ủ nhựa, vùi trong cái giá lạnh của mùa đông, mà đến tiết Thanh minh, trăm hoa đã đua nở, trời trong lành, sạch sẽ. Lúc ấy thích hợp đi tảo mộ, giẫm lên cỏ non, thăm mộ tổ tiên, tỏ lòng thảo kính với người đã khuất. Đây cũng là cách mà người còn sống tìm kiếm điềm lành.
Ngày tảo mộ diễn ra vào mùa xuân ấm áp, muôn hoa đua nở, ngoài để tưởng nhớ cố nhân, người dân còn có tục “xuất thảo”, “đạp thanh”. Vào thời gian này, mọi người đến những nơi không khí trong lành, trời quang đãng, sạch sẽ để thưởng hoa, thả diều, tận hưởng tiết trời đẹp đẽ của mùa xuân.
Tảo mộ cúng tế tổ tiên không chỉ là đề cao lòng hiếu thảo, gắn kết tình cảm gia đình mà còn đánh thức ký ức chung của các thành viên trong gia đình. Tục này tượng trưng cho sự hài hòa giữa thiên lý và phong tục nhân văn, là sự kết hợp hài hòa giữa thiên, địa, nhân... Và hơn hết, Tết Thanh minh là dịp con cháu được nhắc nhở về công ơn của những người thân đi trước, là dịp gắn kết tình cảm gia đình, dòng họ. Bởi thế mà càng trân quý biết bao.