Chuyện phong bao lì xì và ý nghĩa thực sự của việc mừng tuổi đầu năm mới

Vũ. ,
Chia sẻ

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc mừng tuổi đầu năm ít nhiều bị biến tướng.

Lì xì (mừng tuổi) đầu năm là một tục lệ đẹp được giữ gìn trong văn hóa Tết cổ truyền của người Việt. Lì xì là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, được hiểu là mang may mắn, được tiền được của. Chẳng tự nhiên trẻ con lại háo hức được cầm những phong bao lì xì bên trong cất những tờ tiền mới tinh như vậy. 

Chuyện phong bao lì xì và ý nghĩa thực sự của việc mừng tuổi đầu năm mới - Ảnh 1.

Tết đến xuân về, những lời chúc tốt lành và phong bao lì xì đỏ được treo đầy trên cây đào, cây mai.

Tại sao lại có tục lì xì?

Trong ngày Tết Nguyên đán, ngay khi cả nhà cùng đón Giao thừa xong, chúc tụng nhau những lời đẹp đẽ. Trẻ con sẽ được người lớn lì xì để năm mới thêm may mắn, học hành tấn tới, hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Bố mẹ cũng sẽ mừng tuổi ông bà để chúc thêm tuổi thọ và an khang.

Cũng chẳng biết tục lì xì đầu năm có từ bao giờ, nhưng qua nhiều câu chuyện xưa kể lại thì nguyên do người ta bỏ tiền vào những cái túi màu đỏ để tặng cho trẻ con để gặp nhiều may mắn hoặc bỏ ở đầu giường để xua đuổi tà ma.  

Chuyện phong bao lì xì và ý nghĩa thực sự của việc mừng tuổi đầu năm mới - Ảnh 2.

Lì xì là phong tục đẹp nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn.

Trong Nếp cũ - Tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Toan Ánh cũng nhắc đến tục mừng tuổi hoặc lì xì. Tết đến xuân về, ai cũng được thêm một tuổi. Nhiều người gọi đây là ngày sinh nhật toàn dân. Được thêm một tuổi là thêm thọ và đó là điều vui mừng. 

Bởi vậy, trong ngày Tết người ta có tục mừng tuổi. Tiền mừng tuổi được đặt trong những phong bao màu đỏ, thường là tiền lẻ, vì người xưa cho rằng tiền lẻ sẽ sinh sôi, nảy nở, dôi dư thêm nhiều và đem lại may mắn cho con cháu. 

Trẻ em, những mầm non của đất nước - là hy vọng của mọi thế hệ nên sẽ được mừng tuổi nhiều nhất. Sau đó là bố mẹ, ông bà, mừng tuổi thêm thọ. Tiền mừng tuổi cũng được gọi là "mở hàng" cho nhau lấy may mắn, bởi vậy không cứ trẻ em hay người già, bạn bè gặp nhau cũng thường mừng tuổi cho nhau để lấy may đầu năm, cầu chúc cho nhau sự thành công và phát đạt.

Chuyện phong bao lì xì và ý nghĩa thực sự của việc mừng tuổi đầu năm mới - Ảnh 3.

Ở ngoài Bắc, mọi người gọi là tiền mừng tuổi, ở phía Nam, mừng tuổi cho con trẻ gọi là lì xì.

Tiền mừng tuổi thường được cất đi để giữ lại cái may mắn. Nếu như con trẻ đã đi ngủ thì bố mẹ sẽ đặt cả lì xì dưới gối. Tuy vậy, nhiều người vẫn thích trao tận tay và chúc con những điều tốt lành nhất. 

Tại sao phong bao lì xì lại màu đỏ?

Những phong bao lì xì trước nay đều chủ yếu là màu đỏ. Trong quan niệm dân gian của người Á Đông, màu đỏ là màu hỷ khí, đại diện cho sức sống và dương khí nên được chọn làm màu của phong bao. Trước là thu hút may mắn, sau là xua đuổi những dòng năng lượng tiêu cực. 

Mặc dù, hiện nay phong bao lì xì được thiết kế nhiều màu sắc lẫn hoa văn, kiểu dáng nhưng người ta vẫn chuộng nhất phong bao lì xì màu đỏ để lấy hên cả năm.

Việc mừng tuổi cho ông bà, bố mẹ và người lớn tuổi trong tâm thức người Việt là thể hiện lòng hiếu kính, quan tâm tới những người sinh thành ra mình. Không chỉ với người thân trong gia đình, những chiếc phong bao cũng được trao cho họ hàng lớn tuổi để chúc những điều may mắn, thể hiện văn hóa yêu thương.

Chuyện phong bao lì xì và ý nghĩa thực sự của việc mừng tuổi đầu năm mới - Ảnh 4.

Màu đỏ trong quan niệm dân gian là màu mang lại sinh khí, may mắn và có thể xua đuổi tà khí.

Với việc mừng tuổi cho trẻ nhỏ, ý nghĩa nguyên bản là mong con gặp những điều lành và bình an trong năm mới. Bởi vậy, cách bố mẹ dạy con về ý nghĩa về việc nhận phong bao lì xì rất quan trọng, qua đó định hướng được quan điểm và nhận thức của con cái về vấn đề tiền bạc.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc mừng tuổi đầu năm ít nhiều bị biến tướng. Bản chất của tiền mừng tuổi là những tờ tiền lẻ, không nhiều, cốt là để lấy may và thể hiện tấm lòng thơm thảo của người lì xì. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ đã biến tướng vào ý khác như lì xì tờ tiền mệnh giá cao mới thích, thậm chí có nhiều trẻ tỏ ý chê bai và không nhận tiền lì xì vì chúng quá ít. Những điều này không hiếm. 

Chuyện phong bao lì xì và ý nghĩa thực sự của việc mừng tuổi đầu năm mới - Ảnh 5.

Tục lì xì đầu năm không chỉ là lấy may mà còn là dịp giúp bố mẹ dạy con cách sử dụng tiền bạc ngay từ bé.

Gần đây nhất người ta cũng tranh cãi nhau việc mang con trẻ tếu táo với nhau là "trụ cột kiếm tiền của gia đình" ngày Tết. Mặc dù chỉ nói vui nhưng cũng phần nào khiến ý nghĩa việc lì xì bị hiểu sai. 

Cho nên, nhận tiền mừng tuổi đầu năm cũng là dịp bố mẹ có thể dạy con trẻ về vấn đề tiền bạc và cách cư xử lịch thiệp. Chẳng hạn như người mừng tuổi cho mình là người mong những điều tốt đẹp đến với mình, bởi vậy phải lịch sự, lễ phép nhận hai tay, phải biết nói cảm ơn, không được tùy tiện bóc lì xì trước mặt người lớn và bình luận. Con trẻ nên cất vào túi hoặc nhờ bố mẹ cất giữ, sau đó sẽ trò chuyện với bố mẹ về cách sử dụng tiền lì xì như thế nào cho hợp lý. 

Phong tục mừng tuổi đầu năm mới có ý nghĩa văn minh và đẹp đẽ dù trong Tết xưa hay Tết nay. Những phong bao đỏ nhỏ xinh ấy đại diện cho sinh khí, may mắn và những điều mới mẻ. Bởi vậy, chúng ta vẫn nên giữ gìn một phong tục đẹp như vậy để cất giữ giá trị văn hóa cổ truyền cũng như nuôi dưỡng sự may mắn từ lời cầu chúc tốt lành mà phong bao lì xì mang lại.

Chia sẻ