Chợ hoa Hàng Lược - Điểm hẹn văn hoá mang "vị Tết" xưa của người Hà thành
Hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay, chợ hoa Hàng Lược là một trong những chợ hoa cổ nhất Hà Nội, nơi lưu giữ nhiều vị Tết cổ truyền, chỉ được mở mỗi năm một lần những ngày cuối tháng Chạp.
Nửa cuối tháng Chạp, những ngày cận Tết, người dân Hà Nội lại xốn xang đi chợ hoa Tết, chọn cho mình những bông hoa tươi thắm nhất, những cành đào đầy nụ và những chậu quất xen lộc xanh non về bày trong nhà. Hà Nội nhiều chợ hoa là vậy, nhưng người dân vẫn giữ thói quen đi chợ hoa Hàng Lược, đôi khi chẳng mua gì, chỉ đến hưởng không khí chợ hoa Tết xưa mà nay vẫn còn giữ, mở mỗi năm một lần vào những ngày cuối năm.
Kể từ phiên họp chợ đầu tiên, trừ Tết Đinh Hợi năm 1947 không họp chợ, còn hơn trăm năm qua, chợ hoa Hàng Lược vẫn luôn là điểm hẹn vị Tết xưa của người Hà thành.
Chợ hoa Hàng Lược xưa - nét đặc sắc của Hà Nội khi ngày xuân tới
Chợ hoa Hàng Lược họp trên phố Hàng Lược và các phố bên cạnh từ rất lâu về trước, từ những năm đầu của thế kỷ XX. Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi còn từng nhắc tới, chợ cầu Đông đã họp chợ bán hoa từ những năm thế kỷ XVII. Đây được coi là chợ hoa lâu đời nhất của đất Hà thành. Hà Nội nay nhiều chợ hoa to và phong phú các loài hoa hơn nhưng chợ hoa Hàng Lược vẫn là chốn xưa cất giấu nhiều nỗi nhớ của người Hà Nội mỗi dịp xuân về.
Phố Hàng Lược xưa kia gọi là phố Sông Tô Lịch vì nằm dọc phía Bắc sông Tô Lịch cũ. Từ cầu sắt xe lửa rẽ xuống đầu ngã năm Hàng Mã, Chả Cá, Hàng Đồng, Thuốc Bắc và phía Bắc giáp Hàng Cót, phố Hàng Lược vẫn giữ được nét đặc trưng riêng.
Ảnh tư liệu: Nhắc tới phố Hàng Lược, người ta nghĩ ngay đến chợ hoa Tết.
Có thời, phố này được gọi là phố Cống Chéo Hàng Lược, nên vẫn có người gọi là chợ hoa Cống Chéo. Nguyên là do sông Tô Lịch xưa chạy đến phố Hàng Cá thì ngoặt lên hướng Tây Bắc đến sát tường thành Hà Nội tạo thành một con hào nhỏ bảo vệ thành. Vị trí ngoặt đó ngang số nhà 14 Hàng Lược, những năm xưa cũ, khi người ta đi từ phố Hàng Đồng sang chợ vẫn phải đi qua cầu trem, rồi cầu được thay bằng một cái cống lớn, Sau này lòng sông cạn tựa như con lạch nhỏ thoát nước, nên người dân khi ấy gọi là phố Cống Chéo Hàng Lược.
Chợ hoa Hàng Lược xưa là khu vực được thừa hưởng cái cảnh trên bến dưới thuyền khi còn con sông Tô Lịch. Có lẽ vì thế mà nơi đây nhộn nhịp mua bán hoa xuân mỗi dịp Tết về. Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà khảo cứu Nguyễn Văn Uẩn cho biết, chợ hoa Tết trước kia vẫn họp ở sân và ngoài tam quan chùa Huyền Thiên cạnh chợ Đồng Xuân. "Sau được di đến Hàng Lược, chợ họp từ cầu sắt đến ngã tư Hàng Mã. Hằng năm từ 20 tháng Chạp âm lịch trở đi, dân trồng hoa ngoại thành, nhất là vùng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, bày kín hai bên mặt phố nào đào, quất, nào cúc, hải đường, lay ơn, thược dược; người đi sắm Tết, người đi ngắm cảnh chen chúc đông vui, đó là một nét đặc sắc của Hà Nội khi ngày đầu xuân đã tới".
Đi chơi chợ hoa đã thành cái thú của người Hà Nội trước khi đón giao thừa năm mới. Không phải đi chợ để mua hoa, đơn giản những người yêu không khí đông vui, rạo rực của đất trời ngày giáp Tết họ chỉ muốn sự vui vẻ ấy, màu sắc cùng hương thơm của hoa Tết ấy quyện vào người.
Ảnh tư liệu: Chợ hoa Hàng Lược những năm 1956-1963/TTXVN
Ngắm nghía những cành đào còn phong nhuỵ, thấy màu vàng cam của quất hay những chậu lan càng cua rực màu bỗng nảy sinh muốn sắm chúng về nhà cũng không còn là điều gì quá lạ với nhiều người đi chợ hoa Hàng Lược.
Có lẽ với người Hà Nội, ký ức tuổi thơ theo mẹ đi chợ hoa Hàng Lược, ghé thăm những quầy hàng phong bao lì xì, mua đồ Tết, ngã giá một vài chậu hoa sẽ sống lại khi dạo bước trên chợ hoa Hàng Lược.
Chợ hoa Hàng Lược nay - không gian đẫm vị Tết hiện đại
Đào và quất nơi nào cũng có, chẳng cứ chợ Hàng Lược. Nhưng vị Tết đọng lại nơi đây, gieo mình trên những chậu quất nhỏ xinh, những cành đào be bé cắm vừa cái lọ trên bàn thờ. Và người Hà Nội còn yêu hải đường và chẳng thể thiếu được thú chơi hoa thuỷ tiên nữa.
Ngay từ đầu tháng Chạp, những người yêu hoa thuỷ tiên đã tìm mua củ giống, về nâng niu, chăm bẵm, tách rửa đặt vào trong bình tỉ mẩn đến giao thừa vừa kịp nở hoa. Ngoài chợ hoa Hàng Lược cũng có vài quầy bày hoa thuỷ tiên, nhưng đã không còn nhiều.
Năm nay, chợ hoa Hàng Lược vẫn bày bán nhiều các chậu quất nhỏ dáng đẹp phù hợp cho cả những không gian sống nhỏ như trên phố cổ.
Thay vào đó, chủ yếu vẫn là đào từ các vùng ngoại thành đổ về bày bán, các chậu quất nhỏ vừa với không gian sống của người dân phố cổ.
Đoạn giao với Hàng Mã cũng bày bán nhiều đồ trang trí dịp Tết, đặc biệt không thể thiếu được các hình dán linh vật mèo của năm Quý Mão 2023.
Dọc chợ hoa Hàng Lược đến các con phố phụ cận, dịp cuối năm người ta còn bày bán những quầy đồ cổ, từ bình hoa, tượng đồng đến các con vật theo mỗi năm. Linh vật 12 con giáp cho đến những đồng xu cổ cũng được bày bán. Và năm Quý Mão tất nhiên là không thể thiếu được những tượng mèo.
Ngay tại chợ hoa Hàng Lược, nhiều quầy hàng đồ cổ, từ các linh vật, chén đĩa, đồng xu cổ đều được bày bán.
Đào từ làng hoa phụ cận đổ về bày bán nhiều, các tiểu thương tại đây cho biết, cành đào nhỏ có giá khoảng 300.000 đồng, các cành đào to được ít người hỏi mua hơn.
Từ 24 tháng Chạp, những gánh mùi già cũng đã xuất hiện tại chợ hoa Hàng Lược và cũng được người dân mua nhiều.
Từ cầu sắt ngang sang phố bích họa Phùng Hưng, không gian đi bộ tại đây cũng được bày bán nhiều cây cảnh Tết, hoa Tết,...
Đi chợ hoa Tết là một trong những nét đẹp văn hoá cũng như tập quán của người dân được truyền qua nhiều thế hệ. Mua nem giò, bánh chưng hay biếu Tết linh đình thì người ta vẫn giữ thói quen đi chợ hoa Tết để ngắm sắc xuân ngập tràn. Khi ấy, người ta có thể hít căng lồng ngực khí trời rạo rực nhuộm màu trên những cánh hoa đào phất phới, trên những chậu quất bé xinh đang lúc lỉu hoa quả.
Không chỉ mua sắm, ngắm hoa, người ta còn tranh thủ dạo chơi, chụp ảnh kỉ niệm, lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ chờ xuân về. Dù xưa hay nay, chợ hoa Hàng Lược vẫn là điểm hẹn văn hóa, nơi cất giữ hương vị ngày Tết, mà mỗi người dân, dù sinh ra và lớn lên, hay chọn Hà Nội làm miền đất hứa đều muốn trải nghiệm.