Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt

NN (TH),
Chia sẻ

Giây phút tìm lại được đấng sinh thành khiến những người con thất lạc tận phương trời xa xôi vỡ òa trong hạnh phúc. Những cuộc hội ngộ ấy có thể nói chính là điều kỳ diệu của cuộc sống.

Chàng trai người Đức tìm được cha Việt nhờ Facebook

15 năm trời, chàng trai người Đức tên Michel Weiland tìm cha nhưng vô vọng. Sau khi thông tin được đăng tải trên Facebook hơn hai tiếng, chàng trai người Đức đã có manh mối và tìm được cha người Việt sau gần 30 năm mất liên lạc.

Năm 1980, Lê Đại Phong (quê Thanh Hóa) được cử sang Đức học nghề tại Dresden. Chỉ vài tháng làm việc trong nhà máy gặt đập liên hoàn, chàng trai người Việt yêu cô gái ở cùng cư xá tên Anke Weiland, đến từ thị trấn Anklam. Đôi trẻ đã làm lễ đính hôn trong nhà thờ.

Kết thúc khóa học, Phong được lệnh về nước làm việc. Dù biết người yêu đã mang giọt máu của mình nhưng cuối năm 1983, Phong đành rời nước Đức. Đầu năm 1984, Anke sinh con trai, lấy họ mẹ, tên là Michel Weiland.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 1
Bức ảnh Michel hiện nay (bên trái) và hình ảnh ông Lê Đại Phong thời trẻ (bên phải) cùng thông tin anh tìm cha được đăng tải. Ảnh: Facebook

Lớn lên, Michel bắt đầu hỏi mẹ về người cha chưa bao giờ gặp mặt và khao khát tìm ra nguồn cội của mình. Năm 1998, Michel khi ấy 14 tuổi bắt đầu công cuộc đi tìm cha qua bức ảnh ông thời trẻ. Thông tin duy nhất anh có được từ mẹ là "Bố tên Lê Đại Phong. Trước năm 1980 làm việc tại Bệnh viện chống lao Thanh Hóa. Năm 1980-1982 sang Đức học nghề tại Dresden".

Bà Ngọc Điệp, Việt kiều sống ở Halle vì xúc động trước tấm lòng Michel đã quyết tâm giúp chàng trai đoàn tụ với gia đình. Cuộc tìm kiếm của bà Điệp tưởng chừng rơi vào ngõ cụt nếu không có cô con gái nuôi ở Việt Nam giúp đăng tin lên Fanpage Thanh Hóa. Hơn 2 tiếng sau, bà nhận được thông tin cho biết ông Phong đang sống ở quê nhà và được giúp liên hệ với ông.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 2
Mỗi ngày, ông Lê Đại Phong đều mang ảnh Michel lúc 8 tháng tuổi ra ngắm nghía và đếm từng ngày được gặp lại con.

Sau khi được bạn cho xem ảnh Michel, ông Lê Đại Phong sững sờ đến bật khóc. Ở tuổi 53, ông Phong bảo niềm vui tìm được con đến bất ngờ tựa như mơ vì gia đình ông bao năm qua luôn trăn trở một nỗi niềm bằng mọi giá phải tìm được đứa con ngoại quốc. Ở nước Đức xa xôi, Michel không hề biết người cha cũng đang âm thầm tìm kiếm mình.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 3
Bà Ngọc Điệp trao cho Michel Weiland món quà là những chiếc dreamcatcher của các em gái gửi từ Việt Nam sang. Ảnh: NVCC.

Ngay chiều hôm đó, nhờ bà Ngọc Điệp kết nối liên lạc, ông được nói chuyện với Michel. Hai cha con tâm sự rất lâu bằng tiếng Đức. Cuộc trò chuyện xúc động rưng rưng và cả hai đều không muốn cúp máy. Kết thúc cuộc trò chuyện ông bật khóc: "Cha nhớ con lắm, con trai của cha ạ".

Michel hẹn ngày 17/4 sẽ sang Việt Nam hội ngộ với người cha sau hơn 30 năm xa cách.

Cha tìm được con gái sau 38 năm thất lạc

Người cha đó tên là Phan Minh Triết, 64 tuổi, hiện sống tại quận 4, TP HCM. Suốt 38 năm trời, người cha này đi tìm con chỉ với một tờ tường trình và bức họa vẽ người vợ mất tích.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 4
Ông Phan Minh Triết đang viết thư gửi cho con gái bên Mỹ.

Năm 1973, bước ngoặt cuộc đời xảy đến khi ông Triết mới 23 tuổi phải lòng một cô gái quê 19 tuổi từ Trà Vinh lên thành phố mưu sinh. Cả hai yêu thương nhau, và Nguyễn Ngọc Như chính là kết quả tình yêu của họ.

Thời đó chiến tranh tàn khốc, chịu áp lực tổng động viên, chàng thư sinh phải rời bỏ nhà trường, xa người vợ đang mang thai để lánh đi làm ăn xa. Đến 30/4/1975, cuộc chiến chấm dứt, ông trở về nhà thì không thấy vợ con đâu cả.

Sau ông mới biết vợ sinh con trong cảnh khốn cùng, thiếu thốn tiền bạc nên không đủ khả năng nuôi nấng. Người thiếu phụ đã bế con cùng với giấy tờ khai sinh đến Hội Dục Anh ký tên cho bé, rồi biệt tăm từ đó. Ông tìm mọi cách lần theo manh mối nhưng không thể tìm được con gái.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 5
Con gái ông Triết là Nguyễn Ngọc Như (Tricia Houston), đanglàm giáo viên dạy cấp 1ở Mỹ.

Về sau tìm hiểu, ông Triết mới biết Ngọc Như đã được đưa sang Mỹ. Sau nhiều năm cố gắng tìm lại vợ con bất thành, ông Triết đã lập gia đình, song suốt 38 năm qua ông chưa bao giờ nguôi hy vọng tìm con.

Tháng 5/2011, ông tham gia chương trình lấy mẫu thử ADN tìm thân nhân thất lạc. Một năm rưỡi chờ đợi, đến cuối năm 2012 chương trình này mới có người về Việt Nam lấy mẫu ADN của ông Triết. Gần 7 tháng sau đó, niềm vui vỡ òa khi họ báo tin vui về kết quả đã tìm được cô gái Nguyễn Ngọc Như ngày nay mang tên Tricia Houston, người có mẫu ADN hoàn toàn trùng khớp với ông Triết.

Từ nửa vòng trái đất, chị Ngọc Như cho biết, do không còn nhớ tiếng Việt nên chị phải nhờ một người bạn thân dịch dùm lá thư gửi cha. Chị hiện là cô giáo dạy cấp 1, hứa sẽ về Việt Nam đoàn tụ với gia đình vào mùa hè năm 2014 hoặc 2015.

Đọc xong lá thư của con gái, người cha ở Việt Nam vô cùng xúc động. Ông thấy việc mình tìm được con là một "câu chuyện tuyệt vời đến kỳ bí và gần như hoang đường".

Tìm lại được cha sau 25 năm thất lạc

Năm 2013, Katerina Grollova, cô gái lai Việt Czech tìm được cha sau 25 năm thất lạc. Katerina sống ở thành phố Frankfurt, Đức. Cô bắt đầu cuộc tìm kiếm cha đẻ trước đó khoảng 5 năm. Gia đình cô chia ly từ năm 1987, khi cha cô là ông Nguyễn Thành Long rời Czech về Việt Nam. Mẹ cô sau đó kết hôn với một người đàn ông Đức rồi đưa Katerina sang nước láng giềng sinh sống. Kể từ đó, cô không còn liên lạc gì với cha mình nữa.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 6

Tất cả những gì cô có chỉ vỏn vẹn chút ít thông tin và một bức ảnh của cha. Cho đến cuối tháng 10/2013, cô được một Việt kiều đang sinh sống tại thành phố Frankfurt, giúp đăng tin tìm cha trên Facebook và ít ngày sau, điều kỳ diệu đã xảy ra.

Được gia đình ông Vũ Quốc Dũng, một Việt kiều đang sinh sống tại thành phố Frankfurt, gọi điện báo tin đã tìm thấy cha ruột của Katerina. Ngay khi có được số điện thoại của ông Nguyễn Thành Long, cô và mẹ đã gọi điện liên lạc.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 7
Những bức hình Karetina hồi nhỏ được ông Nguyễn Thanh Long lưu giữ. Trong ảnh nhỏ góc dưới bên trái là ông Long hiện nay.

"Mẹ thấy tôi hồi hộp quá nên xung phong nói trước: 'Pavel, anh đấy à?'". Sau đó hai người nói chuyện rất vui vẻ và khá lâu, ôn nhiều kỷ niệm xưa, cười to thành tiếng", cô kể. "Sau đó đến lượt tôi nói chuyện với cha, và ngay lập tức tôi cảm thấy rất thân mật, gần gũi, cứ như thể chúng tôi đã quen nhau từ rất lâu. Cha đúng như tôi vẫn tưởng tượng, cũng có thể do hay hỏi mẹ về ông nên tôi hình dung về ông khá rõ", Katerina kể lại.

Các bạn bè và đồng nghiệp người Đức đều chúc mừng Katerina khi cô tìm được cha, vì họ biết đó là mong ước từ lâu của cô.

Cha con Việt kiều tìm được nhau sau 34 năm bặt tin

Tháng 12/1977, ông Hao Truong cùng gia đình đang đi thuyền sang Thái Lan di cư thì bị cướp biển tấn công và cướp thuyền. Sau bốn ngày ở trong tay hải tặc , ông bị bọn chúng đẩy xuống biển và đã may mắn sống sót giữa biển khơi suốt 16 giờ trước khi được một thuyền đánh cá cứu giúp.

Nhiều tuần sau đó, ông Truong lánh tạm tại một trại tị nạn ở Thái Lan và hay tin vợ ông đã mất, thi thể bà trôi dạt vào bờ cùng một nạn nhận khác. Tuy nhiên, ông vẫn một mực tin rằng Kham, đứa con trai mới 7 tháng tuổi của hai vợ chồng ông có thể đã được một ai đó cứu sống và nuôi dưỡng.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 8
Hai cha con ông Hao Truong (trái) và Kham vui mừng gặp lại nhau ở sân bay Rochester.

Một năm sau, ông Truong sang Mỹ sống cùng một người chú ở Louisiana. Ông Truong lấy vợ khác, sinh thêm 4 đứa con. Ông làm công nhân kim khí để kiếm sống.

Tháng 6 năm 2011, Truong hay tin Kham vẫn còn sống và đang ở Thái Lan, ông đã tức tốc quay lại nước này và được một nhân viên xã hội giúp tìm nơi ở của con trai. Kham khi đó 34 tuổi, làm thợ mộc, đã có hai con và sống ở tỉnh Surat Thani, Thái Lan.

"Lúc này đây, tôi cảm thấy quá đỗi hạnh phúc và vui sướng", ông Truong nói khi đón con trai sang Mỹ chơi. Rất nhiều họ hàng, người thân và bạn bè của ông Truong cũng đến đón Kham và chia sẻ niềm vui với hai cha con.

Bà Hong Truong, chị gái ông Hao Truong kể rằng trong những ngày bị bọn cướp biển nhốt trên thuyền trước khi đẩy xuống biển, ông Truong nhận thấy bọn chúng dường như rất yêu mến cậu con trai kháu khỉnh của ông. "Đó là lý do tại sao ông ấy không bao giờ nghĩ rằng bọn chúng giết thằng bé", bà nói. Quả thực, Kham được hải tặc trao lại cho một cặp vợ chồng trẻ Thái Lan có con gái không may chết yểu.

Cô gái Đức và hành trình tìm cha Việt

Hành trình tìm cha Việt của cô gái người Đức khá nổi tiếng tên là Franziska Garcia – một kiện tướng trong đội tuyển bóng ném quốc gia ở Bayern từng khiến bao người xúc động rơi nước mắt. Năm 2011, cô đã gửi thư đến Thời báo Việt Đức với mong muốn tìm được cha ruột.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 9
Franziska Garcia.

Bức thư viết: “Tôi tên là Franziska Garcia Almendaris, 27 tuổi, xưa kia sống ở Guben, tiểu bang Brandenburg, sau này chuyển tới Leverkusen. Cha đẻ tôi là người Việt. Trước đây tôi không hề biết gì về cha, kể cả ảnh cũng như tin tức. Cứ mỗi lần hỏi, mẹ tôi lại trả lời đơn giản, cha phải trở về Việt Nam. Năm nay, tôi 27 tuổi và đang cố gắng làm cho mình một giấy khai sinh với tên tuổi đúng người cha Việt của tôi, bởi tôi rất mong mỏi gặp mặt cha của mình. Liệu toà soạn có thể giúp tôi được không?”.

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 10
Franziskia lúc nhỏ

Tờ báo phải thốt lên: “Có một cô gái Đức thiết tha tìm bố đẻ người Việt vốn chưa từng biết từ khi lọt lòng, thật cực kỳ hiếm!”

Xúc động hành trình tìm cha của những người con mang dòng máu Việt 11
Cuộc đoàn tụ của cô gái Đức với cha và ông.

Rất nhiều người đã chia sẻ thông tin và giúp đỡ cô gái 27 tuổi, họ viết thư nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và may thay, sau hơn 1 năm tìm kiếm, cô đã đoàn tụ cùng người cha chưa bao giờ gặp mặt trong niềm vui sướng vô bờ.

Chia sẻ