Từ Mỹ, bé 11 tuổi về Việt Nam tìm mẹ ruột

Theo Dân Việt,
Chia sẻ

Cô bé Hoàng Thị Nhung (11 tuổi, người Mỹ gốc Việt có tên Jolie Nhung Thi Hoang LaBarge) đã lặn lội hành trình nửa vòng trái đất để về với “quê cha đất tổ” Việt Nam.

Về Việt Nam, em có một khát khao cháy bỏng là tìm lại người mẹ đã bỏ rơi em cách đây gần 11 năm ở Trung tâm Trẻ mồ côi TP.Đà Nẵng. Đó là hành trình đầy gian nan, thấm đẫm những giọt nước mắt ngày “hội ngộ”.

Từ Mỹ, bé 11 tuổi về Việt Nam tìm mẹ ruột 1
  Bà Nguyễn Thị Hiền (ở giữa) - chụp ảnh lưu niệm cùng với gia đình ông bà Sherman LaBarge và bà Carrie Welch , bé Nhung (bên phải) tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của Hội chữ Thập đỏ Đà Nẵng.

Cách đây 11, sau cánh cổng trung tâm nuôi dưỡng còn khép hờ, một hài nhi nhỏ đỏ hỏn mặc áo sơ sinh màu xanh, quấn khăn màu tím, đội mũ vàng, lót trong cái áo sơ mi màu trắng xanh với một mảnh giấy nhỏ được xếp lại ngay ngắn với dòng chữ “xin hãy nuôi dùm con tôi ”. Cô bé ngủ say hồn nhiên mặc cho cái đêm oi bức, bức bối giữa mùa hè trong không gian phố thị.

Hành trình nửa vòng trái đất

Cô bé được sống trong vòng tay yêu thương của các mẹ “đỡ đầu”, trong sự xum vầy với những người bạn cùng cảnh ngộ và dù khát sữa nhưng bé Nhung vẫn bụ bẫm đến lạ thường.

Cái tên Hoàng Thị Nhung rất Việt Nam - được các bà mẹ trung tâm lấy tên một người mẹ đã đã nghỉ hưu đặt cho cho cô bé, với ước nguyện mai sau mỗi lần gọi đến tên mình, cô bé sẽ nhớ về những người mẹ nơi trung tâm này.

Trong ba tháng, kết hợp với trung tâm nuôi dưỡng, sở tư pháp Đà Nẵng đã nhiều lần thông tin trên phương tiện báo, đài để người mẹ kia tìm lại nhận con nhưng không thấy sự hồi âm.

Trong sự tình cờ mà nên duyên, ngày 22.11.2002, vợ chồng ông Sherman LaBarge và bà Carrie Welch người Mỹ hiếm muộn đã đến trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng với nguyện vọng xin đứa con nuôi. “Chúng tôi thấy đất nước, văn hóa và con người Việt Nam thật gần gũi” - Đó cũng là lý do duy nhất mà hai vợ chồng đã chọn con nuôi là người Việt Nam.

Trong những ánh mắt ngây thơ của những đứa bé bất hạnh, cô bé Nhung lọt vào mắt của hai vợ chồng người Mỹ. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục pháp lý, Hoàng Thị Nhung được vợ chồng ông Sherman LaBarge và bà Carrie Welch đưa về Mỹ. Buổi chia ly tràn đầy nước mắt và yêu thương của những người mẹ tại trung tâm nuôi dưỡng này.

Cuộc đời Nhung sang trang mới. Bước ngoặt thay đổi cuộc đời cho cô bé bất hạnh. Nhung được đưa về Mỹ khi chưa đầy 3 tháng tuổi. “Lần đầu nuôi con nhỏ cực kỳ khó, nhưng nuôi em bé là người Việt Nam lại càng khó gấp bội” - ông Sherman Labarge tâm sự.

Hai vợ chồng Vợ ông Sherman LaBarge và bà Carrie Welch thay nhau đi học trung tâm dạy “làm bố, làm mẹ, tìm hiểu văn hóa và tâm sinh lý của những đứa trẻ Việt Nam trên mạng internet. Ông bà Sherman LaBarge mới vỡ lẽ ra, những đứa trẻ Việt Nam lớn lên trong “bầu sữa ngọt ngào của mẹ và tiếng hát ầu ơ của bà”. Điều mà bé Nhung cũng cần có như bao đứa trẻ khác.

Có thêm thành viên mới, bữa cơm gia đình của ông bà Sherman LaBarge thêm ấm áp. “Ngôi nhà có tiếng khóc trẻ em hạnh phúc biết nhường nào” - bà Carrie Welch tâm sự. Nhung thích ăn những món ăn Việt Nam, ông bà Sherman LaBarge phải nhờ những người bạn Việt Nam chế biến hay học hỏi qua sự tìm hiểu trên mạng internet. Món Nhung thích nhất là “phở”.

Những cuốn băng, đĩa hát dân ca được hai vợ chồng ông Sherman LaBarge sưu tầm từ khu phố người Việt ở Mỹ, đem về mở cho Nhung nghe mỗi tối đi ngủ.

Tuổi tới trường, vợ chồng ông Sherman LaBarge và bà Carrie Welch đã chọn cho Nhung vào trường có nhiều học sinh người Việt đang theo học. Những giờ ngoại khóa, tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam khiến Nhung rất thích thú. Nhung thích bận áo dài truyền thống mỗi lần dạo phố.

Những dịp lễ tết cổ truyền của người Việt, trong căn nhà  vợ chồng ông Sherman LaBarge và bà Carrie Welch lại đầy những bánh chưng, mâm ngủ quả, cành mai, cành đào… được trưng bày đầy đủ. Những bài hát nhạc nhí của bé Xuân Mai như trống cơm, trăng sáng, ngày tết quê em… Nhung lại múa và hát theo cho dù tiếng Việt đang còn bập bẹ chưa rõ.

Gian nan ngày tìm về với “cội nguồn”…

Dòng máu Việt chảy trong cơ thể bé Nhung ngày một sôi sục. Nhung càng nhận thức rõ hơn về cội nguồn, khát khao muốn về Việt Nam tìm lại người mẹ đã sinh ra mình.

Nhung lớn nhanh, và bắt đầu tò mò về người gốc của mình. Hôm thấy người mẹ mang bầu, Nhung quay lại hỏi người mẹ nuôi: “ Ngày xưa mẹ sinh ra con ra từ bụng này ko?”. Bà Carrie Welch im lặng, xoa đầu và ôm Nhung vào lòng. “Không, mẹ nhận con từ Việt Nam về” - Nhung bật khóc.

Năm 2007, Nhung có thêm đứa em trai Minh LaBarge, quê ở Bến Tre. Ngôi nhà ông bà Sherman LaBarge lại thêm một niềm vui. Nhung có bạn để nô đùa. Trong những lần chơi với bạn người Việt, hay mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, Nhung và em trai vẫn không nguôi ước ao gặp được mẹ đẻ, nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Sau nhiều lần hứa hẹn, ngày ông bà Sherman LaBarge quyết định “chúng ta về Việt Nam”. Nhung nhảy cẫng lên trong niềm vui sướng. Trong một buổi chiều, đáp xuống sân bay Đà Nẵng, gia đình ông bà Sherman LaBarge và Carrie Welch cùng hai đứa con nuôi (Nhung và đứa em trai tên Minh được nhận nuôi từ 2007 tại Bến Tre) gặp được anh Hà – là giảng viên trường ĐH kiến trúc Đà Nẵng.

Khi biết câu chuyện thực hư của đứa trẻ 11 tuổi tha thiết muốn tìm lại mẹ đẻ, anh Hà đã đưa gia đình đến trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng.

Sự bất ngờ của gia đình ông bà Sherman LaBarge và Carrie Welch cùng hai đứa con nuôi đến thăm tâm trung nuôi dưỡng khiến nhiều bà mẹ ở trung tâm rơi nước mắt. Bà Nguyễn Thị Hiền – nguyên giám đốc trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của Hội chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng không nói nên lời khi ôm choàng lấy hai đứa trẻ bé nhỏ, rồi khóc. “Đây là lần đầu tiên, khi một đứa bé mà có thời mình nuôi dưỡng về thăm” và càng xúc động hơn “con về đây thăm các mẹ và muốn tìm lại mẹ đẻ của mình”.

Trong hai ngày ở tại trung tâm rồi qua sở tư pháp thành phố Đà Nẵng, mọi người đều được thưởng thức giọng hát của Nhung trong buổi gặp mặt sau 11 năm xa cách. Những bài hát về quê hương, tình cảm gia đình… mà những đứa trẻ Việt Nam thường hay nghe và hát: trống cơm, con cò bé bé, đưa cơm cho mẹ đi cày... được thể hiện qua giọng hát của Nhung, cho dù Nhung nói tiếng việt còn bập bẹ…

Trong cuộc hành trình về cội người còn nhiều gian nan và nước mắt, câu hỏi của nhà báo Công Khanh – báo công an Đà Nẵng khiến Vợ chồng ông Sherman LaBarge phải rùng mình “nếu may mắn gặp lại được mẹ đẻ của Nhung và nếu cô gái giấu mặt ngày xưa xin lại Nhung, thì ông bà sẽ tính sao?".

Ông Sherman LaBarge im lặng suy nghĩ trong giây lát rồi nói: "Thật khó để làm việc đó”. Và ông nói tiếp "Chúng tôi sẽ vui hơn khi con gái mình có 2 gia đình để đi về giữa Mỹ và Việt Nam. Như thế chẳng phải tốt hơn sao?". Đang ngồi trong vòng tay của người mẹ nuôi, Nhung nhanh nhảu trả lời "Con muốn Việt Nam và Mỹ đều là quê hương của mình".

Trong buổi chiều ở phi trường, tạm biệt chúng tôi. Gia đình ông bà Sherman LaBarge cùng hai đứa con nuôi tiếp tục hành trình vào TP.HCM rồi Bến Tre… tìm lại bố mẹ ruột cho hai đứa con nuôi của mình. Vợ chồng Sherman LaBarge cũng hy vọng qua phương tiện báo đài giúp đỡ, để điều ước của hai đứa con nuôi: Nhung và Minh sớm thành hiện thực.

Những bài hát về quê hương, tình cảm gia đình… mà những đứa trẻ Việt Nam thường hay nghe và hát: trống cơm, con cò bé bé, đưa cơm cho mẹ đi cày được thể hiện qua giọng hát của Nhung, Cho dù Nhung nói tiếng việt còn bập bẹ… nhưng cả khán phòng, ai nấy đều rơi nước mắt và tỏ lòng thán phục cô bé.

Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng là nơi tiếp nhận những số phận kém may mắn. Nhiều năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận và nuôi dưỡng nhiều trẻ em có mảnh đời bất hạnh trong cả nước. Trung tâm cũng đã làm tốt vai trò của một cầu nối để đem đến hạnh phúc cho những đôi vợ chồng trẻ không có may mắn được sinh con.


Chia sẻ