Xu hướng chữa lành bùng nổ ở giới trẻ: Khi nào bạn mới thực sự cần “healing”?

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Chuyên gia lần đầu lên tiếng giải thích đúng về 2 chữ chữa lành.

Giới trẻ hiện nay cứ hở ra là đi chữa lành...

Chia sẻ trong "Ngày Hội An Lạc" được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23/11, TS Lê Nguyên Phương (chuyên gia giáo dục và tâm lý, làm việc tại TP.HCM) cho biết, thời gian qua, từ "chữa lành" trong tiếng Việt, dịch nghĩa từ chữ "healing" trong tiếng Anh được sử dụng rất nhiều.

Xu hướng chữa lành bùng nổ ở giới trẻ: Khi nào bạn mới thực sự cần “healing”?- Ảnh 1.

TS Lê Nguyên Phương.

Khái niệm đó đến từ vết thương thể chất hơn là vấn đề tinh thần. Khi sử dụng trong tâm lý học, người ta càng ý thức rằng, nếu chỉ là cảm giác bất ưng, khó chịu, buồn bã thoáng qua thì dường như ai bước trên đường đời cũng đều có trải nghiệm tương tự, hoàn toàn tự nhiên nên không có gì phải chữa lành.

"Tuy nhiên, khi bạn có những trạng thái, cảm xúc xuất phát từ chấn thương, gánh nặng nào đó nặng nề, tái hiện lặp đi lại, đặc biệt đi kèm triệu chứng thể chất (ví dụ ngửi thấy mùi hương khi nghe một âm thanh, bản nhạc, thấy kỷ niệm đau đớn từ thuở nhỏ ùa về đến nỗi khiến người như cứng đơ lại, thậm chí nhức đầu, đau mỏi vai gáy, mắc ói...). Chúng là những triệu chứng rất đặc thù của chấn thương tâm lý, hay gọi là sang chấn. Đó là lúc chúng ta cần chữa lành. Nếu không, nó sẽ cứ lặp đi lặp lại và bạn không thể thoát ra khỏi cảm xúc đó", TS Phương nói.

Không phải mọi liệu pháp tâm lý trên thế giới đều dùng vào việc chữa lành chấn thương tâm lý. Nó không đơn giản là việc đi du lịch, đi ăn uống chữa lành... như chúng ta vẫn thấy nhiều người nói với nhau trên mạng xã hội cũng như cuộc sống hàng ngày.

Xu hướng chữa lành bùng nổ ở giới trẻ: Khi nào bạn mới thực sự cần “healing”?- Ảnh 2.

TS Lê Nguyên Phương nói chữa lành vốn là từ rất phổ quát nhưng đang bị sử dụng không đúng.

"Hiện nay, chữa lành vốn là từ rất phổ quát nhưng đang bị sử dụng một cách lạm dụng, sai mục đích", chuyên gia cho hay.

Khi nào thì bạn thực sự cần chữa lành?

TS Lê Nguyên Phương cho biết, thông thường người tìm đến dịch vụ tâm lý là thường có cảm xúc bất ưng, khổ đau ám ảnh thường xuyên đẩy họ vào cơn giận, thậm chí là trầm cảm. Nói theo chuyên môn thì đó là stress, căng thẳng, trầm cảm. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, có thể là trong mối xung đột xung quanh cuộc sống như mối quan hệ cha mẹ - con cái, nhà trường - học sinh, tình cảm luyến ái, áp lực bản thân từ sự kỳ vọng của nhiều người xung quanh...

Khi không giải quyết được những cảm xúc ấy, cơn lo âu càng tăng lên. Khi cảm thấy bế tắc, họ dường như bị trầm cảm. Đáng buồn hơn nữa, đó còn là hành vi tự hại - hành vi cản trở sự thành công của bạn trong học tập, quan hệ và công việc. Thậm chí, nó phát triển thành hành vi tự hại như nghiện ngập, tự hại chính mình như cắt tay cắt chân. Đau buồn nhất là nhiều bạn cùng quẫn đến mức không tin rằng ngoài kia còn có những người quan tâm, thương mình để rồi có hành vi tự tử. Những tình trạng này không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Xu hướng chữa lành bùng nổ ở giới trẻ: Khi nào bạn mới thực sự cần “healing”?- Ảnh 3.

TS Lê Nguyên Phương cho biết, thông thường người tìm đến dịch vụ tâm lý là thường có cảm xúc bất ưng, khổ đau ám ảnh thường xuyên đẩy họ vào cơn giận, thậm chí là trầm cảm.

"Các nghiên cứu gần đây cho thấy, giới trẻ hay còn gọi là genZ có tỷ lệ rối loạn về cảm xúc còn tăng cao hơn nữa", TS Lê Nguyên Phương cảnh báo.

"Bạn nên đi điều trị tâm lý khi gặp một vấn đề dai dẳng, lặp đi lặp lại, cảm thấy mình không thoát ra được; khi vấn đề gây cản trở sinh hoạt bình thường từ công việc đến gia đình; khi vấn đề gây ảnh hưởng đến sinh lý, thể chất thì cần đi điều trị tâm lý", TS Phương nói.

Thực hiện "Ngày Hội An Lạc", TS Phương mong muốn có thể hỗ trợ, khuyến khích, trang bị thêm hành trang ban đầu cho nhiều người trên con đường tự chữa lành cho chính mình. Rộng hơn là việc chuyển hóa chính mình, chuyển hóa nhận thức, chuyển hóa hành vi, chuyển hóa cả những chấn thương, khổ đau... mà chính mình chưa ý thức được đó là gốc gác sâu xa của sự bất ưng, phiền não trong hiện tại. Để từ đó trở thành con người ở phiên bản tốt đẹp nhất của chính mình.

Chuyên gia cho biết thêm, hiện nay trên mạng xã hội đang tràn lan các dịch vụ chữa lành. Nhiều người thậm chí tự xưng là chuyên gia dù không được đào tạo bài bản. "Đối với tôi, có lẽ nên phân định rõ ràng hơn. Một người cần học tập, đào tạo lâu năm mới có thể tự xưng là chuyên gia chữa lành", TS Phương cho hay. Do đó, muốn chữa lành hãy tìm đến đúng chuyên gia để đảm bảo đúng hướng, tránh những hậu quả không mong muốn cũng như nguy cơ tái chấn thương rất cao.

Chia sẻ