Xót xa những vụ trẻ em gặp tai nạn từ nguyên nhân không ngờ đến

Trần Hằng,
Chia sẻ

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn ở trẻ em do kẹt chân vào thang cuốn, chó cắn khi đang chơi đùa, rơi từ tầng cao của chung cư, phỏng xăng,…Những vụ tai nạn này đã gióng thêm một hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh phải chú ý đến con nhỏ để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Trẻ gặp nạn từ những nguyên nhân ít ngờ

Vừa qua, trường hợp hai bé ở TP. HCM và một bé ở Tây Ninh phải nhập viện với gương mặt mang nhiều vết rách do chó cắn đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh phải giật mình. Cả ba bé được chuyển vào điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) trong tình trạng gương mặt đầy máu và những vết rách da rất lớn .

Theo gia đình nạn nhân cho biết, trước đó cả 3 bé đều bị chó tấn công khi đang chơi đùa trong nhà. Trong đó, một bé đang chơi vô tình đồ chơi rơi gần chỗ chó nằm, bé chạy lại lấy đồ chơi và bị chó bất ngờ cắn vào mặt. Hai bé còn lại cũng bị cắn bất ngờ khi đi đến gần chỗ chó được chính bố mẹ nuôi.

Hiện tình trạng sức khỏe của 3 bé ổn định, bác sĩ vệ sinh và khâu lại các vết rách sâu ở má, môi tuy nhiên khả năng để lại sẹo và di chứng thẩm mỹ của  các bé là rất cao. 

Các bé bị chó cắn khi đang chơi đùa trong nhà

Một trường hợp tai nạn thương tâm do nghịch xăng xảy ra với bé K Pây Y Dâu (12 tuổi, quê Đăk Lăk). Trước đó, bé trai đã cùng một bạn dùng giấy thấm vào bình xăng để sẵn trong nhà để đốt lửa lên chơi đùa nhưng do ngọn lửa quá nóng nên người bạn chơi cùng đã đá bình xăng đổ lên người Dâu và ngọn lửa bùng cháy.

Khi xảy ra tai nạn, chị Y Boy (mẹ bé) đang làm việc ở rẫy, về đến nhà thì thấy Y Dâu toàn thân bốc cháy dữ dội nên chị dùng một chiếc chăn dày thấm nước dập lửa và lập tức đưa con vào bệnh viện. Bé Dâu được chuyển lên bệnh viện tỉnh trong tình trạng toàn thân bị bỏng rất nặng, đặc biệt là vùng da từ đầu đến thắt lưng cháy đen, biến dạng. Do bỏng nặng nên gia đình chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây bé được chuẩn đoán phỏng 45%.

Sau thời gian nằm phòng cách li chưa trị hiện tại bé đã qua cơn nguy hiểm, sức khỏe dần ổn định, tình hình nhiễm trùng đã được kiểm soát, song vẫn phải băng kín phần thân trên để tránh nhiễm trùng. Bé sẽ được phẫu thuật ghép da đợt một vào cuối tháng 8.

Phụ huynh phải chú ý khi cho trẻ đi thang cuốn

5 giờ chiều ngày 11/8, tại tòa nhà NA4, bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai - Hà Nội) bé P. (SN 2008) trong lúc chơi đùa một mình bé đã bị ngã từ ban công tầng 10 của tòa nhà xuống mặt đất và bị thương nặng.

Được biết thời điểm xảy ra sự việc khoảng 1 tiếng đồng hồ, bố cháu bé ra ngoài và khóa cửa, để bé ở nhà một mình. Trong lúc chơi ở lan can, do không có hệ thống lưới bảo vệ, cháu P. bị rơi xuống. Cháu P. rơi trúng nóc quán lợp tôn tầng 1 tạo ra một vết thủng rồi tiếp tục rơi xuống bàn, ghế uống nước ở dưới. Cháu được mọi người nhanh chóng đưa vào bệnh viện. Hiện tại cháu bé đã qua cơn nguy kịch.

Ngày 9/8, tại tầng 3 tòa cao ốc nằm trên đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội một bé trai khoảng 3 tuổi đã bị kẹt chân vào thang cuốn khi đi dự tiệc cưới trong tòa nhà cao tầng cùng bố mẹ.

Trong lúc di chuyển bằng thang cuốn do bố mẹ không chú ý, cháu bé đã đi ra ngoài khu vực cầu thang cuốn để chơi. Sau nhiều lần bước lên, bước xuống thang cuốn, cháu bé đã bị kẹt 1 phần mũi giày chân vào thang. Rất may, tại thời điểm xảy ra tai nạn có rất nhiều người qua lại khu vực đó nên đã xúm lại cứu cháu bé thoát khỏi thang cuốn. Dù cháu bé chỉ bị thương nhẹ ở chân, song bố mẹ đã vô cùng sợ hãi khi phát hiện con trai mình bị kẹt chân vào thang cuốn. Nhiều người chứng kiến cũng sợ hãi vì đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam sau khi có cảnh báo về tại nạn thang cuốn xảy ra ở các nước khác.

Cha mẹ cần làm gì?

Những vụ tai nạn trên một lần nữa cảnh báo các bậc phụ huynh khi cho trẻ nhỏ đi thang cuốn, chơi đùa một mình ở gần trên tầng cao, dùng xăng để đốt chơi,.. các bậc phụ huynh phải hết sức cẩn trọng để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Các bậc phụ huynh nên chú ý để mắt đến con trẻ, tuyệt đối không cho trẻ chơi đùa với chó và chơi với những vật nguy hiểm dễ làm tổn thương đến trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hải, khoa Bỏng- Chỉnh hình bệnh viện Nhi Đồng 2, khuyến cáo phụ huynh nên cẩn trọng, không để trẻ có cơ hội tiếp xúc với các thiết bị phát lửa hoặc nhiên liệu dễ cháy như xăng, dầu, cồn... Trong trường hợp trẻ bị bỏng phải sơ cứu vết bỏng đúng cách trước khi nhập viện, nhiều trường hợp người lớn không biết cách sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách làm vết bỏng bị biến chứng, bị nhiễm trùng nặng hơn. Không tự ý dùng thuốc bôi hay các loại lá dân gian, đồng thời tránh làm bong tróc phần da bị bỏng để hạn chế nhiễm trùng.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM), để tránh tai nạn, các bác sĩ khuyên phụ huynh cần cho bé chơi ở khu vực an toàn xa nơi nhốt hoặc nơi chó thường lui tới. Khi bị chó cắn nên mang bé đến ngay bệnh viện để cấp cứu kịp thời và cần thiết phải tiêm ngừa dại hoặc uốn ván.

 

Chia sẻ