Xót xa câu chuyện những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng ở Nhật: "Cuộc đời sau này mới quan trọng"
Miyatsu Koichi là một trong những đứa trẻ bị bỏ lại trong "baby hatch" (nơi cưu mang những trẻ em sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi) duy nhất ở Nhật.
Trong chiếc balo dành cho em bé của Miyatsu Koichi là vài chiếc áo nỉ in hình hoạt hình được gấp gọn gàng, một đôi giày thể thao trắng. Đó là tất cả "tài sản" của anh khi anh bị bỏ lại trong "baby hatch" duy nhất ở Nhật Bản.
Khi được đặt vào trong chiếc lồng ở một bệnh viện tỉnh Kumamoto phía Nam Nhật Bản, anh mới chỉ là một cậu bé chập chững. Những "baby hatch" là nơi mà các gia đình tuyệt vọng có thể đem con đến để lại và rời đi một cách ẩn danh.
"Vẫn còn vài món quần áo tôi mặc khi tôi bị bỏ lại" - Miyatsu, giờ 18 tuổi, kể với AFP. "Chúng là ký ức xa nhất về thời ấu thơ mà tôi có... nên tôi luôn trân trọng chúng kể từ lúc ấy".
Năm nay, Miyatsu trở thành người đầu tiên lên tiếng ở Nhật về việc bị bỏ lại trong các lồng cưu mang, vốn được mở từ năm 2007 phỏng theo một chương trình tại Đức.
Phát biểu của anh đã khuấy động lại làn sóng tranh cãi về một hệ thống ra đời chưa lâu nhưng đã gây chia rẽ quan điểm trong xã hội Nhật. Phe ủng hộ cho rằng đây là giải pháp cuối cùng cho những phụ nữ yếu thế trong xã hội. Ở phía ngược lại, phe phản đối nói rằng nó chỉ càng thúc đẩy việc bỏ rơi trẻ em.
Nhưng với Miyatsu, chẳng có câu hỏi nào quan trọng.
"Ngày mà tôi bị bỏ lại đó là ngày mà một chương mới trong cuộc đời tôi lật mở" - cậu sinh viên trung học năm nhất giãi bày.
"Tôi nợ baby hatch vì con người tôi hôm nay".
Hồi đó, bệnh viện Công giáo Jikei ở Kumamoto khởi động một chương trình hỗ trợ để cung cấp giải pháp cho những người không thể làm cha mẹ, nhưng cũng không sẵn lòng cho các thủ tục chính thức khác như đưa con mình cho người ngoài nhận nuôi.
Nói thêm, việc nhận nuôi ở Nhật gần như rất hiếm và thường xảy ra giữa các thành viên thân tộc thay vì người ngoài.
Bệnh viện Jikei lập luận rằng họ có thể ngăn chặn sớm việc bạo hành và thậm chí tử vong ở trẻ em. Trong 15 năm, đã có 161 em được đến với trung tâm.
"Con từng ở đó"
Không lâu sau khi bị bỏ lại, ngẩn ngơ trong lồng, Koichi được nhận nuôi bởi vợ chồng Miyatsu Yoshimitsu và Midori ở vùng nông thôn Kumamoto.
Mặc dù đã là cha mẹ của 5 đứa con ruột, nhà Miyatsu cũng nhận nuôi thêm hơn 30 đứa trẻ khác và không ngần ngại đón Koichi.
Nói về sự xuất hiện của con trai, ông Yoshimitsu 65 tuổi giãi bày: "Tôi cứ nghĩ một thiên thần đã được gửi đến cho chúng tôi".
Cặp đôi đã có nhiều năm hỗ trợ chương trình của Jikei, cũng đã chứng kiến hoàn cảnh ngặt nghèo của nhiều em được cưu mang khác - như gia đình tan vỡ, sự phạm pháp, vô gia cư, hay thậm chí là mang thai ngoài ý muốn.
"Từng là một cô gái mang nặng đẻ đau với gần như không xu dính túi phải đi xin trợ giúp vào một ngày tháng 12 lạnh thấu xương... chúng tôi hiểu có những đứa trẻ ngoài kia cần một nơi như thế này" - bà Midori 63 tuổi chia sẻ.
Miyatsu là một trong những đứa trẻ đầu tiên bị bỏ lại trong baby hatch, và chẳng có gì để xác định danh tính, tên tuổi hay quê quán.
"Tôi không có hồi ức nào về khoảnh khắc bị bỏ lại... nhưng hình ảnh cái cửa của chiếc lồng đã in sâu vào một góc tâm trí tôi" - anh chia sẻ.
Khoảng 1 năm sau khi bị bỏ lại và đã được gia đình Miyatsu nhận nuôi, Koichi bắt gặp hình ảnh một chiếc lồng trên báo. "Thằng bé nói, 'Con từng ở đó đấy'. Và thế là chúng tôi biết nó vẫn nhớ" - bà Midori kể lại.
Những xúc cảm phức tạp
Cậu bé được đặt tên bởi một quan chức địa phương, và xác định tuổi bằng kiểm tra DNA. Những ngày đầu chăm sóc Miyatsu vô cùng vất vả, với những cơn ác mộng triền miên và thói quen liên tục mút ngón tay.
Nhưng cặp cha mẹ chưa bao giờ giấu đi câu chuyện về xuất thân của cậu và qua thời gian, vết thương lòng cũng mờ dần.
Nhiều năm sau, Koichi biết thêm thông tin về xuất thân của mình, trong đó có chi tiết mẹ ruột anh đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, 5 tháng sau khi anh chào đời.
Anh vẫn giữ một bức ảnh của mẹ, với mái tóc xoăn rất giống mình. Koichi cho rằng mẹ vẫn "dõi theo anh từ thiên đường".
"(Nếu có thể), tôi sẽ nói với mẹ rằng tôi đã trưởng thành ở tuổi 18, và tôi muốn sống thay cuộc đời đã chấm dứt quá sớm với mẹ".
Hàng tháng, Miyatsu đều mang những bữa ăn miễn phí đến cho các trẻ em cơ nhỡ tại nhà thờ địa phương. Sau này, anh muốn làm việc với trẻ em và thậm chí trở thành một người nhận nuôi trẻ.
Anh hy vọng việc nói ra sẽ "dọn đường cho những đứa trẻ (bị bỏ lại trong lồng) khác tiến lên và lan tỏa thông điệp của mình". Anh cũng mô tả trải nghiệm của mình là "vượt qua những xúc cảm phức tạp về bản thân".
"Nhưng kể cả khi có thiếu đi vài mảnh ghép, về cơ bản nó không thay đổi con người tôi hôm nay. Tôi không nghĩ nhân dạng của mình lại bị quyết định chỉ bởi vài năm đầu đời" - Miyatsu nói.
"Cuộc đời sau lồng ấp trẻ quan trọng hơn nhiều".
Nguồn: Yahoo