Xôn xao thông tin mè trắng nhuộm than pin thành mè đen
Giữa tháng 3.2016, sau khoảng 6 tháng thực dưỡng bằng gạo lứt với muối mè (vừng) đen, một người đàn ông gần 60 tuổi, ở phường 9, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đã… phát thêm bệnh. Nghe một số người nói là “có loại mè trắng nhuộm than ruột pin để thành… mè đen”, ông đem ngâm 1kg mè còn lại thì thấy nước trở nên đen kịt, lộ ra nhiều hạt mè màu trắng…
Mè đen ngâm nước thành… mè trắng?
Đó là câu chuyện của ông H.L.Đ (Ông kiên quyết xin giấu tên vì: “Khi tôi có thư gởi Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, một số cán bộ chức năng ở tỉnh đã nói tôi… vẽ chuyện. Chưa kể, khi báo chí vào cuộc, một số người buôn bán lại tỏ ra… khó chịu với tôi. Thực tâm, tôi chỉ muốn cảnh báo với mọi người, phải lựa chọn kỹ loại mè tốt để ăn, khỏi rước thêm bệnh vào thân. Vậy mà gặp lắm rầy rà…”.).
Trong thư trên, ông H.L.Đ viết: “Cách đây khoảng 6 tháng, tôi bắt đầu sử dụng muối mè đen trong bữa ăn hằng ngày. Ngoài việc ăn với cơm gạo lứt, tôi rang gạo lức và đậu đỏ trộn lẫn với nhau, đem giã dập “không giã nát thành bột”, hãm với nước sôi trong phích làm nước uống, còn xác cho vào nồi áp suất nấu nhuyễn được khoảng 1 tô cháo lớn dùng ăn sáng với muối mè đen”.
“Thế nhưng sau khi thực dưỡng khoảng vài tháng, tôi bắt đầu bị rối loạn tiêu hóa, mặc dù trước đó không hề bị. Rồi toàn thân bắt đầu nổi vảy nến. Đến khi phát hiện mình dùng mè bị nhuộm đen, tôi dừng ăn và đi chữa trị. Đường ruột đã tạm ổn nhưng vảy nến hiện vẫn còn. Khổ, rước họa vào thân!” - ông H.L.Đ bức xúc.
Nói rồi, ông H.L.Đ cho PV Dân Việt xem chiếc thau ngâm mè còn đọng váng đen kịt như màu nhớt thải. Bên cạnh đó, là mâm đựng mè (đã ngâm rửa nhiều lần, phơi khô) thấy lộ nhiều hạt mè trắng lẫn mè đen.
Thau nước ngâm mè ra nước đen kịt tại nhà ông H.L.Đ.
Thau ngâm mè tại nhà ông H.L.Đ, lúc đã khô nước.
Dù mè đã rửa nhiều nước, tay ông H.L.Đ vẫn còn đen khi xoa vào mè.
Đã đem mẫu đi kiểm nghiệm
PV có mặt tại chợ trung tâm Tuy Hòa (TP Tuy Hòa, Phú Yên) sáng 30.3, nhiều tiểu thương cho biết: hiện có 2 loại mè được bán tại khu chợ này gồm mè trong nước và mè nước ngoài (trong đó có mè Trung Quốc).
Bà T. (tiểu thương chợ Tuy Hòa) cho biết: “Đặc điểm nhận dạng mè Trung Quốc thì hạt mè to hơn nhưng giá chỉ chừng 37.000 đồng/kg (chủ yếu dùng để tráng bánh). Còn riêng mè đen Phú Yên thì giá bán đắt hơn, khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg (tùy chất lượng) và người dân mua để rang ăn. Tui bán lẻ nên chỉ bán mè núi Phú Yên, còn mè Trung Quốc thì chỉ có ở mấy chỗ đầu mối bán sỉ…”.
Các loại mè đậu bán tại Chợ trung tâm Tuy Hòa.
Tiểu thương Võ Thị Thu Tuyền (54 tuổi, trú TP.Tuy Hòa) xác nhận: “Gần đây, người dân có nghe thông tin mè bị nhuộm đen bởi hóa chất và cơ quan chức năng cũng đã đến tại chợ trung tâm Tuy Hòa để lấy mẫu kiểm tra, xác minh thực hư vụ việc. Ở đây, tôi bán hàng sạch, mè đen được mua từ nông dân La Hai (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) chứ không có nhuộm gì cả. Nếu mè tốt thì tôi bán với giá 40.000 đồng/kg, còn xấu thì hơn 30.000 đồng/kg”.
Trong khi đó, tiểu thương Đặng Thị Sang (chợ Tuy Hòa), cho biết: “Mè đen tôi mua từ vùng nông thôn Phú Yên về bán tại chợ. Mấy hôm mang về ăn, đổ vào nước rửa có ra màu đen nhưng gia đình tôi vẫn ăn bình thường”.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đặng Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NNPTNT Phú Yên) cho biết: “Chúng tôi sẽ làm đến cùng để xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm; để cảnh báo, bảo vệ người tiêu dùng và nông dân chân chính”.
“Tuy nhiên, mè đen chỉ từ 35.000 - 45.000 đồng/kg, còn mè trắng thì từ 50.000 – 60.000 đồng/kg; giá thấp hơn, không hiểu họ nhuộm đen để nhằm mục đích gì?” – ông Phúc nói.
Còn ông Dương Phi Sơn – Trưởng phòng Thanh Tra (Sở Công thương Phú Yên) cho hay: “Chúng tôi đã vào cuộc cùng với đoàn liên ngành đi lấy mẫu. Hiện đang gởi Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm, đang chờ kết quả”.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin kết quả kiểm nghiệm sớm nhất đến bạn đọc.
“Tuy nhiên, mè đen chỉ từ 35.000 - 45.000 đồng/kg, còn mè trắng thì từ 50.000 – 60.000 đồng/kg; giá thấp hơn, không hiểu họ nhuộm đen để nhằm mục đích gì?” Ông Đặng Phúc |