Tại sao Việt Nam chưa dừng sử dụng hóa chất nghi gây teo não ở trẻ nhỏ?

Thế Long,
Chia sẻ

Thông tin loại hóa chất Pyriproxyfen là thủ phạm gây teo não ở trẻ nhỏ đang gây hoang mang dư luận, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng chưa có bằng chứng chính thức về nghi vấn này.

Ngày 16/2, Bộ Y tế đã có cuộc họp và xác nhận 9.500kg hóa chất Pyriproxyfen đã nhập về Việt Nam và đã sử dụng được khoảng 2.000 kg.

Theo đó, Pyriproxyfen là loại hóa chất mà một nghiên cứu ở Brazil mới đây cho rằng nó là thủ phạm gây teo não trẻ nhỏ chứ không phải là do virus Zika. 

zika
PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế

Trước những thông tin lo ngại nêu trên, trả lời PV về việc tại sao cơ quan chức năng không cho dừng ngay việc sử dụng hoá chất này tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng, thông tin trên thực tế xuất phát từ Brazil. Tuy nhiên, chính bộ Y tế nước này cũng chưa xác nhận và công bố chính thức mà nó chỉ dừng ở mức nghi ngờ.

“Thông tin nghi ngờ hóa chất Pyriproxyfen gây teo não ở trẻ đang được sử dụng phổ biến ở một số nước chứ không hẳn ở Brazil. Tuy nhiên, nước sở tại (Brazil) vẫn chưa chính thức công bố. Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang tiếp tục điều tra, nghiên cứu nên chưa thể khẳng định có phải chất này gây teo não hay không. Hơn nữa, hóa chất Pyriproxyfen vẫn chưa được sử dụng phổ biến, rộng rãi ở nước ta. Nếu công bố vội vàng sẽ khó giải thích sau này…”, ông Phu nói.

Về việc nhập khẩu khẩu loại hóa chất này, ông Phu cho biết, Việt Nam có duy nhất công ty Phát An là đơn vị được Cục Môi trường cấp phép nhập khẩu và phân phối. 

Theo ông Phu, công ty Phát An đăng ký nhập khẩu năm 2010, nhưng năm 2013 mới nhập khẩu vào Việt Nam và bán rải rác ở một số đơn vị với số lượng không lớn. 

Theo đó, năm 2013 bán ra 200kg, năm 2014 bán ra 1500kg và năm 2015 bán ra 810kg. Như vậy có thể thấy, số lượng bán ra rất ít.

zika
Bộ Y tế họp báo thông tin về loại hóa chất nghi gây teo não trẻ nhỏ

Trước đó, tại buổi họp, GS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, ở Việt Nam hóa chất này chỉ được cấp phép sử dụng cho nước thải và nước công trình xây dựng, chứ hoàn toàn không sử dụng trong nước sinh hoạt.

“Ở Việt Nam vẫn tiến hành cho nhập loại hóa chất này, tuy nhiên nhu cầu sử dụng không lớn và cũng không phải nằm trong khuyến cáo của chương trình phòng chống sốt xuất huyết. Đồng thời chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với WHO, nếu như có mối liên quan giữa chất này và Zika thì sẽ lập tức cho dừng ngay”, GS Long khẳng định.

GS Long cho biết: “Trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết có một vùng rất dễ có khả năng phát sinh loại muỗi này đó là những công trình xây dựng dở dang, và vô tình trở thành những hồ chứa nước hay nơi lắng đọng nước ở khu dân cư mà không phải nước sinh hoạt. Tại những nơi này Bộ Y tế đã có những hướng dẫn để sử dụng thí điểm loại hóa chất này”.

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.




Chia sẻ