Xoay vần giữa thời dịch: Chủ doanh nghiệp chật vật muôn nẻo, hướng dẫn viên du lịch, thợ cắt tóc chuyển kinh doanh online

HH,
Chia sẻ

Bị mất việc làm, công việc kinh doanh gián đoạn, có nguy cơ đổ bể là tình cảnh của nhiều người lao động ở thành thị hiện nay khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Dù vài tháng trước, họ còn “xông xênh” với mức thu nhập tốt, doanh thu cao.

Chủ doanh nghiệp vừa xoay sở tiền mặt bằng, vừa lo giữ nhân viên

Nhiều tuần nay, ông Hong Won Seop - chủ một trung tâm ngoại ngữ có trụ sở tại Keangnam và Royal City (Hà Nội) - suy nghĩ tới lui về chuyện quay về Hàn Quốc. Cơ sở kinh doanh ở Keangnam đã đóng cửa từ tháng 3, còn cơ sở ở Royal City tạm thời dừng hoạt động vì không có học sinh.

Bình thường, tháng 3 là mùa nhập học của các trường tại Hàn Quốc, do đó, những gia đình có ý định chuyển tới Việt Nam sinh sống sẽ đi tìm hiểu các khóa học cho con cái họ vào tháng 1-2. Chính vì vậy, thời điểm 3 tháng đầu năm là dịp làm ăn thuận lợi nhất của ông Hong. Tuy nhiên, bức tranh đổi màu khi đại dịch Covid-19 bùng lên tại Hàn Quốc và sau đó tác động tới Việt Nam.

Xoay vần giữa thời dịch: Chủ doanh nghiệp chật vật muôn nẻo, hướng dẫn viên du lịch, thợ cắt tóc chuyển kinh doanh online - Ảnh 1.

Hàng loạt các biện pháp nỗ lực chống dịch, từ các chuyến bay bị hoãn vô thời hạn, lệnh cấm nhập cảnh, rồi việc hạn chế đi lại trong thành phố, từng nấc từng nấc ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh của ông chủ người Hàn. Nhiều gia đình Hàn Quốc về quê nhà nghỉ lễ buộc phải thay đổi kế hoạch, chưa thể quay lại Việt Nam. Số khác đang sống ở Việt Nam thì chọn hồi hương vì công việc bị ngừng trệ.

“Nhiều căn hộ ở khu Keangnam bỏ trống. Các học sinh còn ở Việt Nam thì không thể tới học do yêu cầu giãn cách xã hội. Việc tuyển sinh lẫn giảng dạy không thể thực hiện được. Từ tháng 1, doanh thu của trung tâm đã giảm sút rất mạnh, trong khi tiền thuê mặt bằng, thuê nhà ở, phí quản lý rất cao”, ông Hong cho hay.

Từ tháng 2, ong Hong đã xin chủ nhà giảm giá cho thuê mặt bằng song không được đồng ý. Tới tháng 4, chủ nhà đồng ý hỗ trợ giảm 30%. Tuy nhiên, tháng 5 có giảm tiếp hay không thì ông Hong chưa được biết.

Ông Hong cũng chia sẻ, ông vẫn cố gắng trả lương đầy đủ cho giáo viên, nhân viên trong tháng 1 và tháng 2, nhưng từ tháng 3 đã phải giảm 30% lương. Tới tháng 4, ông Hong cho họ nghỉ tại nhà và đang cân nhắc chỉ trả lương cơ bản do trung tâm không có doanh thu mà vẫn phải gánh khoản chi phí cơ sở vật chất lớn.

"Nếu tình trạng kéo dài quá tháng 4, tôi buộc phải cho nhân viên nghỉ không lương", ông Hong bày tỏ.

Xoay vần giữa thời dịch: Chủ doanh nghiệp chật vật muôn nẻo, hướng dẫn viên du lịch, thợ cắt tóc chuyển kinh doanh online - Ảnh 2.

Ông Hong ước tính thiệt hại của mình hiện tại vào khoảng 30 ngàn đô. Ông đã phải vay tiền từ Hàn Quốc để giải quyết các khó khăn tài chính. Đó là lý do mà gia đình ông chuẩn bị sẵn một kế hoạch quay trở lại Hàn Quốc nếu dịch kéo dài. 

Mong muốn của ông Hong lúc này là có những chính sách từ nhà nước hỗ trợ các cơ sở kinh doanh tiền thuế, tiền thuê mặt bằng cũng như chính sách visa thuận tiện hơn để có thể tiếp tục duy trì công việc tại Việt Nam.

Chị Trần Thị Quyên, quản lý một trường mầm non tư thục (nhóm trẻ độc lập) tại Khu đô thị Tổng cục 5 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trường của chị mới đi vào hoạt động từ tháng 11/2019 với số vốn đầu tư 320 triệu đồng. Chưa đầy ba tháng, trường phải đóng cửa chống dịch.

“Trước Tết chúng tôi đã có gần 30 học sinh theo học. Nhiều phụ huynh cũng đã nộp đơn đăng ký xin học cho con, dự định ăn Tết xong là nhập học. Tết ra, học được hai buổi thì Phòng Giáo dục gửi thông báo yêu cầu đóng cửa, nghỉ luôn từ đó tới giờ”, chị Quyên tâm sự.

Trường của chị Quyên có tất cả 5 giáo viên, nhân viên. Sau khi tham khảo trong nhóm các trường mầm non tư thục, chị Quyên hiện vẫn đang cố gắng hỗ trợ các cô giáo với mức nhất định. Chị cho biết: "Dù bản thân tôi không còn thu nhập nhưng vẫn phải hỗ trợ để giữ chân các cô. Nếu không, khi trường hoạt động trở lại sẽ không có giáo viên".

Xoay vần giữa thời dịch: Chủ doanh nghiệp chật vật muôn nẻo, hướng dẫn viên du lịch, thợ cắt tóc chuyển kinh doanh online - Ảnh 3.


Mới đây, chị Quyên nhận được thông báo từ Phòng Giáo dục, đề nghị kê khai các giáo viên nằm trong diện được hỗ trợ. Tuy nhiên, gói kinh phí từ Công đoàn ngành Giáo dục này lại chỉ dành cho các giáo viên trong diện bảo hiểm xã hội. Mà thực trạng chung của phần đa các nhóm trẻ tư thục là giáo viên không có bảo hiểm do nhiều nguyên nhân khách quan.

Hiện tại, chị Quyên vẫn chưa có ý định trả lại mặt bằng dù tình hình dịch vẫn chưa thể dự báo được. Bởi trường mầm non tư thục rất đặc thù, không dễ tìm được địa điểm phù hợp và không phải lúc nào cũng có thể tuyển sinh.

“Tôi cũng may mắn có cô chú chủ nhà rất tốt, giúp đỡ rất nhiều chi phí thuê nhà, do vậy vẫn cố gắng xoay sở để duy trì. Bao nhiêu thiết bị, cơ sở vật chất đã đầu tư, giờ cũng không thể dỡ bỏ ra chuyển đi nơi khác. Chưa kể chuyển đi là mất học sinh ban đầu.”, chị Quyên bày tỏ.

Ông Hong Won Seop hay chị Trần Thị Quyên không phải là những cá nhân hiếm hoi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song một số người may mắn hơn nhờ có thêm nghề tay trái phòng thân.

Chuyển "tay trái" thành "tay phải"

Anh Nguyễn Tuấn - một hướng dẫn viên du lịch tự do tại Hà Nội với kinh nghiệm 10 năm trong nghề - vẫn đang có những ngày thảnh thơi dù đại dịch đang gây thiệt đơn thiệt kép lên các đồng nghiệp của anh. 

Theo anh Tuấn, giới hướng dẫn viên nói chung phần đa đã dừng công việc từ sau Tết Âm lịch, tức đã hai tháng rưỡi nay. Thiệt hại nhất là các hướng dẫn viên mới ra trường, hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế thị trường Trung Quốc.

“Tầm này anh em tự xác định với nhau, sau dịch thì vẫn còn thất nghiệp dài nữa, vì du lịch là sản phẩm không thiết yếu. Kinh tế khó khăn, người ta sẽ có xu hướng tiết kiệm, thắt chặt hầu bao chứ ít ai bỏ tiền ra đi chơi”, anh Tuấn chia sẻ.

Riêng anh Tuấn mới dừng tour từ ngày 18/3. Là hướng dẫn viên outbound chuyên thị trường Trung Đông, anh Tuấn cho hay bản thân không bị ảnh hưởng nhiều. Thời điểm trước 18/3, dịch chưa bùng phát ở châu Âu và Trung Đông nên các chuyến bay diễn ra bình thường. Nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình du lịch cũng không phải là yếu tố làm anh bận tâm nhiều.

Xoay vần giữa thời dịch: Chủ doanh nghiệp chật vật muôn nẻo, hướng dẫn viên du lịch, thợ cắt tóc chuyển kinh doanh online - Ảnh 4.

Ngành du lịch và nghề hướng dẫn viên chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

“Cá nhân tôi và những đồng nghiệp quen biết đều xác định nghề du lịch là nghề mạo hiểm. Chúng tôi cũng quen đối mặt với nguy hiểm, những rủi ro bất khả kháng như đi dẫn tour trong vùng xảy ra chiến sự, tai nạn tàu xe… Có hướng dẫn viên còn bị đánh bom ô tô ở Ai Cập… Nên dù có chuyện gì xảy ra thì cũng vẫn bình tĩnh được”, anh Tuấn tâm sự.

Đã ba tuần “thất nghiệp”, anh Tuấn tận dụng quãng thời gian này để nghỉ ngơi bên gia đình. Khoản thu nhập đều đặn từ 30 triệu đồng/tháng trở lên không còn, song anh Tuấn không lo lắng vì vẫn còn nghề tay trái là kinh doanh rượu và xì gà. Đây là công việc kiếm thêm song giờ mang lại thu nhập ổn định và khá tốt. 

Anh Tuấn tiết lộ, việc kinh doanh thêm này thậm chí có thể thay thế nghề tay phải của anh là hướng dẫn viên du lịch nếu dịch diễn biến kéo dài. Nhưng không phải ai cũng có nghề tay trái như anh Tuấn và như anh khẳng định: “Đa số anh em hướng dẫn viên sẽ không trụ được lâu”.

Cũng có sẵn một đường lùi để đi vòng qua đại dịch là Been Heep - một thợ cắt tóc tự do trẻ tuổi. Không mở salon, Been chọn công việc của một freelancer, cộng tác với các salon có tiếng tại Hà Nội với nguồn khách quen sẵn có. Tuy nhiên, từ đầu tháng ba, Been và khách “lạc mất nhau”. 

Been đùa: “Mọi người hạn chế tiếp xúc, đi lại. Tan sở là về thẳng nhà. Không còn tóc để cắt, tôi đang định mang kéo ra cắt cỏ với tỉa cây đây.”

Xoay vần giữa thời dịch: Chủ doanh nghiệp chật vật muôn nẻo, hướng dẫn viên du lịch, thợ cắt tóc chuyển kinh doanh online - Ảnh 5.

Ảnh: NVCC

Mức thu nhập trung bình từ 24-30 triệu/tháng cung cấp cho cuộc sống độc thân của Been chất lượng tốt. Song, người trẻ ít tích trữ, thêm việc ở nhà vẫn tiêu nhiều tiền nên Been thừa nhận “có chút chới với”. Tuy nhiên, anh cho biết bản thân không khó khăn như các chủ salon hay thợ cắt tóc nhận lương.

“Thương nhất là các em mới vào nghề, không có thu nhập, kiến thức cũng bị ảnh hưởng vì không được thực hành trong thời gian dài. Các chủ salon, cửa hàng cũng thiệt hại vì ngoài tiền thuê mặt bằng còn là nỗi lo nhân viên nghỉ việc về quê sẽ nghỉ hẳn, chuyển nghề hoặc tìm chỗ làm mới trong thời gian thất nghiệp. Khi mở cửa kinh doanh trở lại, công việc sẽ khó vào guồng do thiếu nhân viên.”

Ngoài cắt tóc, Been làm nhiều công việc freelancer khác như tư vấn thương hiệu, marketing. Anh dự tính sẽ mở rộng sang kinh doanh online với những nguồn hàng có sẵn. Bản thân Been không quá quan ngại về tương lai bởi nghề cắt tóc của anh thuộc lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, dễ lấy lại cân bằng.

Đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ và sâu sắc lên mọi lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội, gây ra những khó khăn, những mối lo lắng rất thực. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để mỗi cá nhân thể hiện khả năng vượt khó, ý chí mạnh mẽ, sự sáng tạo linh hoạt và giá trị thực mà họ đã tích lũy trong thời gian dài bằng mồ hôi và chất xám của mình. Có được những yếu tố này, không có khó khăn thách thức nào mà họ không thể vượt qua, đặc biệt là khi cả xã hội cùng chung tay góp sức và tương trợ lẫn nhau.

Chia sẻ