Mỗi người san sẻ một chút tự do để tự do trở lại với chúng ta sớm và bền vững

HH,
Chia sẻ

Phải ở yên trong nhà, đến ra công viên hít thở khí trời mỗi sớm mai cũng phải dừng lại quả là điều tù túng, bí bách. Nhưng muốn nhanh được tự do làm việc, vui chơi như trước, chúng ta cần tình nguyện tạm thời hạn chế tự do của mình lại.

Chấp nhận đánh đổi tự do vì tự do thực sự

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, làn sóng du học sinh và người lao động Việt Nam về nước tránh dịch lên đến hàng ngàn người. Kế tiếp là hàng ngàn người trở về Hàn Quốc. Hai tuần sau đó là làn sóng hồi hương từ Mỹ và châu Âu.

Những con người trên các chuyến bay trở về quê mẹ đều biết họ có thể sẽ phải đi cách ly ngay tại sân ga thay vì đoàn tụ với cha mẹ, vợ con, gia đình. Họ sẽ phải ở yên trong một khu vực nội bất xuất ngoại bất nhập với nhiều quy định thay vì tự do đi lại, sinh hoạt như ở nước ngoài. Nhưng họ tình nguyện, với sự chuẩn bị đầy đủ vật dụng, tư trang và tâm thế. Bởi họ hiểu sâu sắc rằng, 14 ngày là số thời gian mất tự do cần thiết để được tự do và an toàn hơn.

Hiện tại, câu chuyện giờ không còn của riêng những người hồi hương.

Hôm 30/3, chị Phan Lệ Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về quê Nam Định đón hai con nhỏ lên thành phố để bắt đầu 15 ngày tự cách ly cả gia đình. “Công ty của hai vợ chồng chuyển sang làm việc online, cả nhà tôi có thể cùng nhau đón Tết Cô Vy được rồi”, chị Hà nói vui. 

Ngày Cá Tháng Tư năm nay được cư dân mạng gọi là Mồng 1 Tết Cô Vy, ngày mà Chính phủ thực hiện chính sách giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tới ngày mồng 4 “Tết Cô Vy”, Hà Nội quy định mọi người dân không được ra khỏi nhà nếu không có mục đích thiết yếu. Mọi cuộc gặp gỡ nơi cộng công vượt quá 2 người đều không được phép. 

Mỗi người san sẻ một chút tự do để tự do trở lại với chúng ta sớm và bền vững - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đã hai tháng rưỡi nay, những đứa trẻ không được đến trường gặp thầy gặp bạn. Và hiện tại, ngay cả việc ra ngoại thành dã ngoại với bố mẹ, về quê thăm ông bà, dựng lều ở bãi giữa sông Hồng để thả diều bắt hến, ra công viên đá bóng đạp xe hay chỉ đơn giản là chạy sang nhà hàng xóm chơi giờ cũng phải dừng lại. 

Phụ nữ dừng shopping, đàn ông dừng đi nhậu, thanh niên dừng tụ tập, gia đình dừng du lịch. Thương dân tạm đóng cửa hàng quán. Mọi hoạt động bình thường nhất của xã hội đều phải cài đặt chế độ “ngủ”. Những con phố sầm uất nhất thủ đô thênh thang như thể ngày nào cũng là sáng mùng Một Tết.

Có bất tiện không? Có mất tự do không? Vừa có mà vừa không. Bởi, ngay cả sự bất tiện, mất tự do ấy cũng là hành động tự nguyện.

Chị Hà thổ lộ: “Điều gì cũng có thể làm quen được. Dân công sở như tôi hằng ngày đều bật chế độ chia sẻ vị trí để chấm công trong thời gian làm việc online, điều mà lâu nay tôi luôn cẩn trọng vì e ngại lộ thông tin cá nhân. Vài người tôi quen trở về từ nước ngoài hay tiếp xúc gần với F1, F2 đã không còn than phiền về ánh mắt dè chừng của những người xung quanh, hay sự giám sát bất đắc dĩ từ bà con lối xóm. Họ kể thời gian đầu khó chịu quá nên phản ứng lại, nhưng giờ mới thấy sự quá mức ấy đúng là cần thiết.”

Mỗi người san sẻ một chút tự do để tự do trở lại với chúng ta sớm và bền vững - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Nhưng không phải ai cũng được như chị Hà, vài ngày gần đây, có lẽ do bí bách bởi ở nhà lâu, một số người đã ra khỏi nhà để đi tập thể dục, mua bán không thực sự cần thiết. Thậm chí ngày rằm vừa qua, một số người vẫn đến đình chùa để mong hành lễ nhưng đã được những người thực hiện nhiệm vụ ở các chốt gần đó nhắc nhở quay về.

Có lẽ, chưa bao giờ, việc tự do làm việc, đi lại, vui chơi lại trở thành một niềm mong mỏi lớn lao đến vậy của mọi người dân. Nhưng để đạt được niềm tự do ấy, bạn sẽ phải tạm gạt bỏ nhu cầu tự do trong ngắn hạn của mình. Dẫu rằng các cơ quan, ban ngành đều đang làm rất tốt và nỗ lực hết để chống dịch bệnh nhưng đừng vì thế mà chủ quan. Bởi chỉ cần thêm một nguồn nhiễm bệnh mới, những ngày giãn cách của chúng ta lại có khả năng kéo dài hơn.

Góp công, góp sức và góp tự do

Tại thời điểm này, sự nỗ lực của mỗi người dân trong việc “ai ở chỗ nào ở yên chỗ đó” có ý nghĩa đóng góp không thua kém những khoản tiền trăm, tiền tỷ, thậm chí nghìn tỷ mà nhiều tổ chức, cá nhân đang ủng hộ cho Chính phủ chống dịch Covid-19. Bởi thay đổi thói quen, thay đổi nếp sinh hoạt, thay đổi những nhu cầu đời thường chính đáng, thậm chí thay đổi cả văn hóa tập tục, nghi thức từ tín ngưỡng đến hiếu hỉ là điều rất khó làm. 

Mỗi người san sẻ một chút tự do để tự do trở lại với chúng ta sớm và bền vững - Ảnh 3.

Các chùa chiền, nơi tâm linh đều đóng cửa để tránh tụ tập đông người mùa dịch.

Gia đình anh Nguyễn Đức Anh (quận Long Biên, Hà Nội) đã không đi lễ chùa kể từ sau Tết Nguyên Đán dù cả nhà theo đạo Phật. Thời gian đầu, mẹ anh Đức Anh phản đối kịch liệt, thậm chí bỏ cơm không ăn. Nhưng khi nghe con phân tích nhiều ngày, và vì lợi ích của các cháu nội, mẹ anh mới dần chấp nhận. 

Anh Đức Anh kể: “Ba tuần nay, từ chấp nhận bà chuyển sang hoàn toàn ủng hộ việc ở nhà tụng kinh, niệm Phật. Tôi mua tặng bà một tranh Phật treo ở phòng thờ để bà ngày ngày chiêm bái. Người em con cậu ruột tôi ở quê lẽ ra sẽ làm đám cưới vào ngày 12/4 tới đây nhưng bà gọi điện về bảo nên hoãn lại hôn sự, chỉ ra phường làm đăng ký kết hôn rồi chọn ngày lành tháng tốt để đón dâu sau. Nghe bà khuyên nhủ, họ hàng ở quê cũng nhất trí.”

Hơn hai tháng qua, cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân thực sự bị đảo lộn. Song họ chấp nhận và học cách thích nghi với sự đảo lộn đó, vì sự an toàn của gia đình và cả cộng đồng.

Nhiều cặp đôi phải hoãn chuyện trăm năm. Nhiều đám tang phải làm giản tiện, nhanh chóng nhất có thể dù con cháu không về kịp hay thậm chí không về được do giao thông ngừng trệ. Nhiều chiến sỹ bộ đội, công an, bác sỹ - những người làm nhiệm vụ ở “tuyến đầu” có người phải dừng hôn sự, có người không được ở bên cạnh vợ để đón đứa con bé bỏng chào đời, có người phải dứt đứa con vừa cai sữa cho ông bà chăm sóc để trực chiến ở phòng bệnh. Và có cả những nhân viên y tế bụng mang dạ chửa vẫn phải ở ăn ngủ tại viện để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người nhà.

Họ là những người mất tự do nhiều nhất, hay nói đúng hơn là đóng góp tự do nhiều nhất cho cuộc chiến chung của đất nước, bên cạnh đóng góp sức lực, tâm trí, tài năng của mình cứu giúp từng ca bệnh Covid-19 trong những ngày tháng cam go.

Mỗi người san sẻ một chút tự do để tự do trở lại với chúng ta sớm và bền vững - Ảnh 4.

Nhiều đám hiếu hỉ phải làm gọn nhẹ để phù hợp với tình hình dịch bệnh - Ảnh minh hoạ (Nguồn: SCMP)

Tự do giờ đây trở thành một thứ tài sản quý giá để mỗi người dân tự nguyện, hào phóng đóng góp nhiều nhất có thể cho cộng đồng, với hy vọng vào một ngày gần nhất, cả cộng đồng sẽ có được tự do. Tự do hít thở khí trời bên ngoài khung cửa, tự đo đi học, đi làm, đi chơi, đi du lịch, tự do lên máy bay, tự do quây quần đoàn tụ như một ngày Tết thực sự. Và tự do làm đám cưới, trao cho nhau nụ hôn ngọt ngào và cùng nhảy nhót tưng bừng với lũ bạn thân trong bữa tiệc rượu, hò hét, khóc cười vào mặt nhau những lời chúc phúc trăm năm.

"Có những ngày tháng như thế này, tôi mới biết điều gì là mình cần nhất, điều gì mình muốn làm nhất", chị Phan Lệ Hà tâm sự.

Còn anh Đức Anh chia sẻ: "Không có ai tự nhiên giam cầm mình trong bốn bức tường nếu không gặp vấn đề về tâm lý, sức khỏe. Trải nghiệm ở trong nhà khi bản thân hoàn toàn khỏe mạnh khiến tôi thấm thía hơn về hai chữ tự do, thứ tự do bình thường mà mình gần như không trân trọng. Bớt đi một chút tự do để những ngày sắp tới sẽ tự do hơn".

Chia sẻ