"Xiên bẩn" bủa vây trường học: Nguy cơ ngộ độc rình rập trẻ nhỏ nhưng nhiều phụ huynh vẫn chủ quan
Không chỉ có học sinh, sinh viên ở trường học, trường đại học, thực tế ghi nhận cả người lớn cũng đi ăn "xiên bẩn" như một thú ăn vặt hay ho.
Nhiều hàng "xiên bẩn" kém vệ sinh... xuất hiện nhan nhản ngay gần trường học
Nói về "xiên bẩn" (các món ăn vặt được xiên vào que để bán), hẳn nhiều người tấm tắc khen ngon. Một món ăn vặt rẻ tiền, chỉ 2.000-2.500 đồng/xiên, thêm ly coca giải nhiệt, chấm với tương ớt cay ngọt đủ cả, với nhiều người đó là món ăn vặt rất khó bỏ.
Tại một trường học ở khu vực Hà Đông (Hà Nội), vô số những hàng bán "xiên bẩn" nối đuôi nhau chạy dài con phố. Vậy mà quán nào cũng đông khách. Khách hàng thì đa dạng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ học sinh đến sinh viên... đều dành sự yêu thích cho món ăn này.
Chia sẻ về "sự nghiệp bán hàng", một chủ quán có cửa hàng đồ sộ nhất khu vực này kể, mỗi ngày, chị phải dậy từ 3 giờ sáng, chuẩn bị hàng, rồi chai lọ dầu mỡ, tương ớt, nước ngọt. Có như vậy mới đủ thời gian cho một ngày làm việc năng suất, bán được số lượng hàng khổng lồ cho đông đảo thực khách, đa dạng độ tuổi.
Trong khi những que "xiên bẩn" được đưa đến tay khách hàng với mùi thơm khó cưỡng thì ai biết rằng nó có thể được chiên lại trong chảo dầu sôi sùng sục, ngả màu vàng đậm, chứng tỏ dầu đã được chiên đi chiên lại nhiều lần.
Nhìn xuống bên dưới, cảnh tượng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đập ngay vào mắt. Đó là những que xiên chín để gần đồ sống, bọc trong túi nilon không buộc cẩn thận, dưới thời tiết nắng nóng. Đó là những can tương ớt không nhãn mác vứt vội gầm bàn bẩn thỉu. Cả một mớ chai lọ hỗn độn tạo nên khung cảnh vô cùng mất vệ sinh. Chưa kể, xiên dùng xong nhanh chóng được chủ quán thu gom lại nhưng không phải là vứt vào thùng rác mà là... tái sử dụng cho những lần sau.
Nhiều người nhìn thấy những cảnh tượng này có lẽ phải rùng mình vì "xiên bẩn" thực sự bẩn, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm nêu trên.
Có một đặc điểm chung là các hàng "xiên bẩn" thường chọn bán ở gần các trường học. Tại một trường học trên đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội), trống trường điểm tan giờ học, từng hàng "xiên bẩn" đã nhanh chóng "vào vị trí" chọn sẵn.
Nhìn những hàng "xiên bẩn" với cảnh tượng y chang nhau kiểu này, nhiều người dấy lên nỗi lo sợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm thực sự khó tránh. Ấy vậy nhưng với lứa tuổi học sinh, chúng lại vô cùng thơm ngon, hấp dẫn và chỉ thế thôi là đủ.
Khi được hỏi có sợ phải đi bệnh viện không vì ăn "xiên bẩn", em L. Đ (học sinh tại trường tiểu học này) nhanh nhảu: "Em thấy ngon mà, ăn ngon lại rẻ nữa, em thích lắm. Bình thường, bố mẹ em cũng không cho em ăn đâu vì bảo nó không tốt nhưng thi thoảng em thèm, em lại lấy tiền tiêu vặt được cho ra để mua. Em chưa bị đau bụng bao giờ nên không sợ đi bệnh viện".
Tại một trường học trên đường Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội), tình trạng này cũng tương tự. Nhiều hàng "xiên bẩn" trú ngụ khéo léo ngoài vỉa hè, cách điểm trường không quá xa. Không chỉ học sinh của trường học bị thu hút bởi món ăn này, vô số những thực khách qua đường cũng bị quyến rũ, phải dừng lại thưởng thức.
Không chỉ có học sinh, sinh viên ở trường học, trường đại học, thực tế ghi nhận cả người lớn cũng đi ăn "xiên bẩn" như một thú ăn vặt hay ho. Thậm chí, có cả những bà mẹ dẫn con đi ăn "xiên bẩn" sau giờ tan học.
Vì sao lại cho con ăn món này? Chị N.N.L (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa đút que xiên vào miệng, vừa nhắc con cẩn thận que nhọn, nói: "Con bé thích ăn, đi qua là mè nheo nên thỉnh thoảng mình cũng chiều con một chút, chứ cũng biết món này có bổ béo gì đâu".
Câu trả lời của người mẹ này khiến nhiều người phải sững lại. Có lẽ cũng bởi, họ và con cái của họ may mắn chưa từng bị ngộ độc thực phẩm khi ăn những món kiểu này nên chưa thấy sợ chăng?
Gần đây, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở lửa tuổi học sinh do ăn thực phẩm gần cổng trường là lời nhắc phụ huynh và con em mình không nên chủ quan.
Chùm 15 ca là học sinh tại 4 trường trên địa bàn TP Thủ Đức (TP HCM) nghi ngộ độc thực phẩm; hơn 500 ca ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì tại Đồng Nai có số lượng học sinh mắc không ít... Hay vụ ngộ độc thực phẩm ở 12 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tại Nha Trang sau khi ăn sáng, trưa trước cổng trường, phải nhập viện điều trị. Đây chính là những lời cảnh báo rút ra từ thực tế cho phụ huynh, nhà trường với sức khỏe con em mình.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đồ uống ngay gần trường học
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), "xiên bẩn" được làm từ những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thường là thịt ôi thiu. Sau khi chế biến và thêm các chất phụ gia, sản phẩm sẽ có màu sắc và mùi vị "nịnh" miệng. Chất lượng không đảm bảo nên mới có giá thành rẻ, phù hợp với các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao, dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần không chỉ không giữ được chất dinh dưỡng mà còn tăng hàm lượng chất béo chuyển hóa, là nguyên nhân gây loạt bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp... Không những thế, chất Acrolein trong dầu mỡ cháy tăng cao không chỉ gây ngộ độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, tiêu hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư, béo phì...
Bên cạnh đó, cộng với việc sử dụng các thứ gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ như tương ớt, nước sốt... cũng có thể dẫn đến những nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nếu không may dùng đúng những phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép hoặc ngộ độc mạn tính khi dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục. Thậm chí, một số phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể sẽ gây tổn thương lâu dài, đặc biệt là khi dùng phụ gia thực phẩm bị cấm.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, làm gương cho con em mình, tránh kiểu ăn uống như trên, đồng thời giáo dục, nhắc nhở trẻ. Đây là câu chuyện không thừa nhất là thời gian qua liên tục có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và tình hình thời tiết nóng lên, nguy cơ ngộ độc càng tăng cao hơn.