Xích mích đàn bà, phải vạ đàn ông!

Cẩm Vân,
Chia sẻ

"Lắm hôm phải ôm đầu, vật vã, giả vờ bị ngớ ngẩn thì hai vị "mệnh phụ phu nhân" trong nhà mới chịu để cho tôi yên thân", anh bộc bạch.

Khi mâu thuẫn giữa mẹ chồng- con dâu xảy ra, người con trai (người chồng) đứng giữa cũng nhiều khi thật khó để có thể làm đẹp lòng cả hai người. Hãy theo dõi cuộc đối thoại của chúng tôi để hiểu thêm về điều này.

Chào anh, được biết từ khi anh lấy vợ, giữa mẹ và vợ anh luôn có một khoảng cách nhất định. Tại sao vậy?

Bàn về chuyện này tôi lại thấy buồn, tôi lấy vợ đến nay đã là 2 năm rồi. Chúng tôi lấy nhau sau 6 tháng tìm hiểu, nên những tính nết của vợ có nhiều cái tôi cũng chưa biết hết. Cuộc sống lúc ban đầu khá êm đẹp. Mẹ tôi là người hiền lành và tâm lý nên có gì chưa vừa lòng, bà chỉ nhẹ nhàng nói với tôi, để tôi góp ý lại cho vợ. Nhưng điều khiến tôi khổ sở là vợ tôi rất trẻ con, có phần ích kỷ nên nghe góp ý nhiều lần khiến nàng đâm ra thành kiến với mẹ chồng, và không tiếp thu. Cứ như vậy, giữa hai mẹ con hình thành nên một khoảng cách vô hình.

Tôi chẳng biết và cũng không muốn bênh ai, nhưng khách quan mà nói, giá hai người cố gắng thêm một chút, thông cảm cho nhau thêm một chút, thì tôi đỡ đau đầu biết nhường nào.

Có khi nào những mâu thuẫn đó đẩy lên cao trào thành xung đột chưa?

Có chứ. Tôi phải nhắc rằng mỗi nhà mỗi cảnh, những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu ở nhà tôi thì không ồn ào, đến tai hàng xóm như những nhà khác. Vì hai người đều ít nói, mẹ tôi lại là người hay giữ kẽ, còn vợ tôi là người chẳng bao giờ quan hệ với láng giềng, nên mâu thuẫn chỉ như những cơn sóng nhỏ, ì oạp đập vào gã là tôi thôi.
 

Mâu thuẫn bắt nguồn từ những việc tưởng như chả có gì. Tôi lấy ví dụ để chị hiểu: Nhà thì có máy giặt, nhưng khi giặt quần áo, vợ tôi chỉ giặt mỗi quần áo của hai vợ chồng. Còn quần áo của bố mẹ chồng thì không sờ đến bao giờ. Trong khi mẹ tôi thì chu đáo, lúc bà giặt quần áo, bà thường đi khắp các phòng để gom quần áo bẩn rồi giặt cho tiết kiệm. Nhiều lần thấy con dâu như thế, bà có góp ý thì nàng lại tự ái, cho là mẹ chồng xét nét mình. Nàng phản ứng lại bằng cách cuối tuần mới giặt một lần, và như thế thì chỉ riêng quần áo hai vợ chồng cũng đã đầy ứ cả cái máy giặt. Hay từ khi về làm dâu, không mấy khi vợ tôi cầm đến cái chổi quét nhà. Nàng chỉ chăm chăm làm vệ sinh mỗi cái "ổ chuột" của chúng tôi, những nơi khác trong nhà thì nàng coi như là nơi công cộng không để ý đến. Có góp ý thì nàng bảo: “Em đi làm cả ngày đã mệt lắm rồi, dọn được cái phòng riêng là đỡ đần cho mẹ rồi còn gì”.

Thế anh đành chịu bó tay sao?

Tôi đã nghĩ nát óc, và nhận thấy nguyên nhân là do cả hai người. Mẹ tôi thì quá giữ kẽ, ít khi nói thẳng những bất bình của mình, mà cứ dồn nén mãi lại thành sinh ra ức chế trong lòng. Đến khi sự ức chế đó vỡ òa, thì bà liệt kê đủ mọi việc lặt vặt trong trí nhớ ra để kể tội con dâu. Nhiều điều như vậy, đến tôi còn phải choáng nữa là cô ấy. Thử hỏi, cô ấy có thể tiếp thu được bao nhiêu, hay lại càng thêm tức tối vì ý nghĩ bị mẹ chồng soi từng li từng tí.

Còn vợ tôi thì lại quá ư ích kỉ, chĩ nghĩ đến mình. Người ta nói “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và “phép vua thua lệ làng”, có những việc cô ấy phải nhìn nhận thấy rằng đằng sau cái super soi của mẹ chồng, là những điều mà cô ấy thực sự đã thiếu sót. Dù rằng bản tính khó rời, nhưng những điều căn bản nhất làm người lớn ngứa mắt, thì cũng cần tiếp thu và sửa đổi dần dần bởi còn sống chung với nhau cả đời cơ mà. Những phản ứng của cô ấy quả là tiêu cực và càng khiến cho mâu thuẫn thêm sâu sắc.
 

Vai trò của anh như thế nào giữa hai người phụ nữ quan trọng của đời mình?

(Thở dài) Tôi là người đứng giữa, và cũng là người chịu trận nặng nề nhất. Mẹ thì cho rằng tôi nhu nhược không nói nổi vợ, và vì những điều bực bội bà có nói với con dâu cũng chẳng tiếp thu, nên bao nhiêu những chuyện nhỏ nhặt nơi góc bếp hay góc nhà tôi đều phải nghe hết. Cái đầu tôi cả ngày đã phải căng thẳng vì công việc, tối về tưởng được nghỉ ngơi lại bị nhồi nhét thêm toàn những chổi cùn, rế rách nữa.

Vợ thì lúc nào cũng xét nét sau mỗi lần tôi nói chuyện với mẹ xong. Góp ý nàng, thì sẽ lại y như rằng có những cuộc chiến nảy lửa, tiếp sau là những cuộc chiến tranh lạnh. Còn không góp ý thì nàng lại cứ cho là nàng đúng, càng hoành hành ngang ngược hơn.

Có lúc đi làm về, tôi chỉ muốn lang thang ngoài đường để giảm stress thôi.

Anh nói rằng cả hai người cùng có lỗi, vậy có khi nào anh nghĩ mình cũng gián tiếp khiến tình trạng căng thẳng kéo dài không?

Chị nói cũng có lý. Thực ra, tôi cũng tự kiểm điểm mình nhiều lần rồi. Lúc đầu tiên, khi nghe mẹ tôi góp ý những chuyện lặt vặt của con dâu. Bản thân tôi cũng có phần hơi bênh vợ (thì chị tính, vừa mới cưới nhau xong, vẫn còn yêu vợ nhiều lắm), trong đầu tôi cũng có ý nghĩ mẹ mình hay xét nét con dâu thật. Nên tôi chỉ nghe cho mẹ xả tức, rồi nghe đâu bỏ đó, nghĩ nó chẳng quan trọng gì và không nắn chỉnh vợ mình ngay từ đầu. Mà cánh đàn ông như tôi cũng suy nghĩ đơn giản, “chuyện đàn bà” cứ để từ từ hai người sẽ tự thu xếp, mọi thứ đều có thể dung hòa được hết. Dù gì, họ cũng cùng chung một điểm là “yêu tôi”, nên phải vì tôi chứ. Tôi đã nghĩ như vậy đấy. Đến khi thấy mọi việc ngày càng tồi tệ hơn, tôi mới bắt đầu xắn tay áo tiến hành công cuộc chỉnh vợ, thì vợ lại không thể tiếp thu nữa. Tôi dần trở nên bất lực. Mẹ kể tội, tôi cự nự, phản ứng không muốn nghe.Vợ thì khó chịu nằng nặc bắt tôi thu xếp ra ở riêng. Mẹ tôi buồn và thất vọng lắm. Đúng thật là tiến thoái lưỡng nan, tôi như cái bàn cân, không được phép lệch về bên nào cả.
 

Anh nghĩ thế nào về cách giải quyết vấn đề đó. Liệu ở riêng, mâu thuẫn có được giải quyết hay không?

Tôi không thể biết trước được tương lai nên không thể khẳng định được điều gì cả. Tôi là con trai duy nhất trong nhà. Sớm hay muộn gì, bố mẹ cũng già yếu và cần chúng tôi chăm sóc. Cũng có nghĩa việc sống riêng chỉ là giải pháp tạm thời, không lâu dài để làm nguội đi những mâu thuẫn.

Sống riêng có cái lợi là mẹ chồng, con dâu tạm dừng xảy ra mâu thuẫn mới. Những mâu thuẫn cũ vẫn tồn tại, nhưng không còn quá “nóng” nữa. Cùng với thời gian, mọi người sẽ quên dần đi. Cuộc sống của hai người sẽ dễ thở hơn một chút. Tôi cũng đỡ mệt mỏi.

Nhưng cái hại từ sâu xa là vợ tôi sẽ vẫn thế, cô ấy có cơ hội sống và làm theo ý mình. Đồng nghĩa với việc cô ấy sẽ không mảy may thay đổi để làm đẹp lòng nhà chồng, mà sẽ tự tung tự tác trong cuộc sống riêng. Kéo theo đó, mối quan hệ gia đình sẽ ngày một nguội đi, lạnh dần không gì cứu vãn nổi.

Vậy lựa chọn của anh thế nào?

Tôi không biết những người đàn ông khác lâm vào cảnh của tôi sẽ xử trí như thế nào. Tôi đang rất mâu thuẫn. Nhưng về lâu dài, chắc tôi sẽ chọn giải pháp an toàn tạm thời là ra ở riêng. Dù rằng việc này đối với vai trò một đứa con mà nói, tôi vô cùng áy náy và day dứt vì như thế sẽ không thể làm tròn nghĩa vụ đối với bố mẹ mình. Thôi thì, tôi sẽ nghĩ cách gì đó để bù đắp cho bố mẹ tôi, suy cho cùng “nước mắt chảy xuôi”, bố mẹ sẽ nghĩ “vì con cái” mà chịu đựng hay chấp nhận vậy.

Thế còn với vợ, anh định xử trí như thế nào?

Tôi đang lên phương án thiết quân luật trong gia đình nhỏ của mình. Ví dụ như sẽ đưa ra thảo luận và đi đến thống nhất về phương án thăm nom bố mẹ, kế hoạch quan tâm đến bố mẹ như thế nào để các cụ đỡ tủi thân, âu cũng là sự cố gắng để làm tròn nghĩa vụ con cái với bố mẹ. Tôi sẽ làm gương cho vợ trước, thực hiện y như thế với bố mẹ vợ, để vợ không thể so bì được. Làm được như thế, một mặt tôi sẽ có thể xoa dịu được sự phẫn nộ của bố mẹ, mặt khác gắn kết mối quan hệ giữa vợ tôi với gia đình chồng. Tôi hy vọng, (cũng chỉ là hy vọng thôi), cùng với thời gian, vợ tôi sẽ trưởng thành hơn và thấy được trách nhiệm của mình mà sửa đổi được ít nhiều. Bố mẹ tôi cũng sẽ được sống vui vầy trong tình yêu của con cháu. Gia đình hòa thuận - Đó là tất cả những gì mà tôi mong muốn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh. Và thật lòng chúc anh thành công!

 

Chia sẻ