Đại hội nói xấu mẹ chồng

Theo PNVN,
Chia sẻ

Chị Lan vừa dứt lời, chị Thúy đã liến thoắng: “Ối giời ơi, thế đã ăn thua gì, mẹ chồng chị tuần trước về quê, chả biết mua đâu cả thùng cóc, tha lên tự thịt làm ruốc...".

Không biết đến lúc lấy chồng, liệu tôi có trở thành thành viên nhóm “bà tám” của cơ quan mình không. Hầu như không ngày nào tôi không bị tra tấn bởi những câu chuyện của nhóm các chị, các cô. Và một trong những câu chuyện bất tận, kéo dài từ ngày này sang ngày khác, từ tháng trước đến tháng sau, từ năm nọ qua năm kia, ấy chính là chủ đề về các bà mẹ chồng.

Sáng nay đầu tuần, sau 2 ngày nghỉ bao biến động mà chưa được giải tỏa nên, vừa để túi xách xuống bàn, giọng chị Lan cất lên đầy phẫn nộ: “Đến nước tự tử mất thôi! Ai đời bà mẹ chồng nhà quê của tôi lại đi mua cá rô về luộc lấy nước nấu bột cho thằng Ben bao giờ không. Tanh ơi là tanh. Tôi ngửi mùi bột đã muốn ói rồi. Có nói thì bà bảo, ngày xưa, chồng tôi nhờ ăn cháo nước xương và thịt cá rô mà mới được khỏe mạnh, thông minh như thế. Đúng là bó tay chấm com!”.

Chị Lan vừa dứt lời, chị Thúy đã liến thoắng: “Ối giời ơi, thế đã ăn thua gì, mẹ chồng chị tuần trước về quê, chả biết mua đâu cả thùng cóc, tha lên tự thịt làm ruốc cho thằng Bi, con Bống. Chiều thứ 6 về đến nhà, chui vào toilet, hoảng hồn vì cụ nhốt cóc đầy một lồng trong đó. Tí nữa thì chị ngất xỉu. Sáng ra, 5 giờ cụ đã dậy kì cạch thịt cóc. Xuống bếp thấy cảnh nhoe nhoét da cóc, đầu cóc, cho đến giờ chị vẫn còn buồn nôn”.
 

Bình, người có thâm niên làm dâu ít nhất phòng cũng nghẹo đầu ngao ngán: “Mẹ chồng em thì quen thói lê dép từ ngoài đường vào trong nhà. Em mua riêng cho cụ một đôi đi trong nhà, một đôi đi ngoài đường, ngày nào cũng nhắc nhở mà cụ đâu có nhớ. Đi làm về đến nhà, nhìn sàn gỗ Đài Loan hằn vết dép bẩn mà tức không chịu được. Nói thật, khi em đẻ, cụ mà tình nguyện ở lại trông cháu thì em cũng phải tìm cách chối khéo thôi các chị ạ”.

Chị Hương góp chuyện: “Mẹ chồng bọn mày nhà quê thì khổ cảnh người nhà quê. Còn mẹ chồng chị, người thành phố, trí thức đấy nhưng nào tao có sung sướng gì. Bà cứ như cảnh sát ý. Tao ngủ dậy muộn cũng bị nhắc nhở, đi chợ muộn cũng bị rầy la, mua thịt không đúng khổ cũng bị chê. Có ai gần 40 tuổi như tao mà vẫn bị mẹ chồng góp ý từ cách phơi, cách gấp, là quần áo không? Sống kiểu này, đày đọa chẳng khác nào ngục tù”.

Như sợ không nói nhanh thì không còn cơ hội, vừa bước vào phòng, chị Hoài đã góp chuyện: “Tối thứ 7, tôi vừa cãi nhau một phen nảy lửa với mẹ chồng. Ai đời, con trai bà ấy đi uống bia về say xỉn thì bà ấy xót xa, tự tay pha nước cam, nước chanh mang đến tận phòng. Còn mình, đi họp lớp, uống chút bia, về nhà chếnh choáng, đi nằm không ăn cơm. Ấy thế mà bà ta cằn nhằn, nói bóng nói gió này nọ. Hết chịu nổi, sẵn có cớ, tôi làm ầm lên cho hả cơn ấm ức bấy lâu”...

Chiến tích của chị Hoài như lan tỏa niềm hân hoan sang các chị trong phòng. Tất cả các chị cười hả hê. Rồi một chị quay sang tôi: “Sau này lấy chồng, tốt nhất cứ lấy đứa nào không cha không mẹ cho khỏi cảnh làm dâu em ạ”. Vừa lúc tiếng chuông báo họp giao ban đầu tuần giục giã, các chị kéo nhau sang phòng họp, đám đông giải tán, đại hội nói xấu về mẹ chồng của phòng tôi tạm ngưng.

Chia sẻ