Xét tuyển học bạ vào lớp 10: “Việc sửa điểm dễ như chơi”

NGUYỄN TRANG(VOV.VN),
Chia sẻ

Việc bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại một số địa phương được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực học tập cho học sinh, giáo viên, giảm tốn kém, song cũng tạo ra những lo ngại về tình trạng tiêu cực, làm đẹp học bạ.

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10. Bên cạnh phương thức thi tuyển truyền thống, năm nay, một số địa phương quyết định chuyển từ thi tuyển sang xét học bạ.

Cụ thể, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 tỉnh sẽ không tổ chức thi tuyển, chỉ xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập 4 năm THCS.

Xét tuyển học bạ vào lớp 10: “Việc sửa điểm dễ như chơi” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đó, điểm xét tuyển bao gồm điểm hạnh kiểm và điểm học lực. Công thức tính điểm là điểm rèn luyện cộng điểm học tập, chia hai và cộng với điểm ưu tiên (nếu có).

Việc tuyển sinh sẽ sử dụng điểm trung bình năm học của 4 năm học THCS. Về phần xếp loại hạnh kiểm cuối năm trong 4 năm học THCS, xếp loại sẽ được quy đổi thành điểm, cụ thể là: Loại tốt (10 điểm), loại khá (8 điểm), loại trung bình (6 điểm).

Tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên sẽ thực hiện xét tuyển kết hợp thi tuyển (giữ ổn định như năm trước). Theo đó, kỳ thi tổ chức 2 vòng. Vòng 1 sơ tuyển sẽ xét dựa trên kết quả học tập của học sinh.

Bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho biết, hình thức xét tuyển mang tính ổn định, đánh giá được cả quá trình 4 năm học của các em ở cấp THCS. Điều này sẽ tạo điều kiện để định hướng cho các em có thái độ, tinh thần học tập ở cấp THPT. Bỏ thi tuyển cũng giúp giáo viên, học sinh giảm áp lực thi cử.

Học sinh có thể tự tính được điểm xét tuyển theo công thức của Sở GD-ĐT, đăng ký vào các trường cho phù hợp và cơ hội trúng tuyển cao hơn. Sở sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở các trường; kiểm tra, đánh giá học sinh định kỳ để đảm bảo công tác dạy và học, đánh giá đúng kết quả học thật của các em.

Tương tự, năm nay tỉnh Đồng Tháp cũng chuyển sang xét tuyển vào lớp 10. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh bỏ thi tuyển lớp 10 năm học 2023 - 2024, chỉ xét tuyển, nhằm giảm áp lực cho học sinh và cắt giảm tốn kém. Quyết định này địa phương đưa ra dựa trên đại đa số ý kiến đồng ý của phụ huynh, giáo viên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh vẫn lập hội đồng xét tuyển, phúc khảo tuyển sinh như những năm trước để đảm bảo công bằng, minh bạch.

Năm học 2023-2024, tỉnh Đồng Tháp có hơn 23.400 học sinh lớp 9, dự kiến khoảng 70% tổng số học sinh này sẽ xét tuyển vào lớp 10. Những học sinh không trúng tuyển sẽ học nghề hoặc học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường trung học phổ thông có tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Lo ngại làm đẹp học bạ

Thực tế kỳ thi vào lớp 10 tại nhiều địa phương năm nào cũng căng thẳng, nhất là các thành phố lớn. Trên các diễn đàn giáo dục, nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyển sang xét tuyển dựa vào học bạ hay không.

TS Đỗ Viết Tuân (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, tại một số địa phương số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh lớp 10 và chỉ tiêu các trường không có sự chênh lệch quá lớn, khi đó việc tổ chức một kỳ thi chưa chắc dã hiệu quả, khi đó địa phương có thể tính toán đến việc bỏ thi.

Song việc xét học bạ sẽ thực sự tốt nếu như đảm bảo tính khách quan, công tâm trong khâu kiểm tra đánh giá. “Chúng ta chỉ nên đánh giá dựa vào học bạ khi và chỉ khi việc học và tổ chức đánh giá ở bậc THCS thực hiện nghiêm túc học thật, thi thật. Nếu xét học bạ mà có chuyện dựa vào học thêm, xin điểm để làm đẹp bảng điểm sẽ rất nguy hiểm. Không chỉ tuyển sinh THPT, mà ngay cả tuyển sinh đại học, nếu chỉ dựa vào học bạ đẹp để xét tuyển cũng sẽ không khách quan”, TS Đỗ Viết Tuân nói.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, muốn xác định được học sinh lớp 9 có đủ khả năng lên lớp 10 hay không cần căn cứ vào kết quả đánh giá ở bậc THCS. Nếu kết quả học tập bậc THCS được thực hiện nghiêm minh, chính xác, đủ để làm cơ sở tuyển sinh lớp 10 thì kỳ thi chuyển cấp là không cần thiết.

“Tuy nhiên công tác đánh giá học sinh hiện nay còn nhiều bất cập thì việc có một kỳ thi chuyển cấp vẫn rất quan trọng. Hiện nay, nếu không vào lớp 10, học sinh có thể đi học nghề, những em có khả năng, các trường THCS có thể giới thiệu học sinh lên thẳng bậc THPT. Nếu các trường THCS có thể đánh giá học sinh một cách công bằng, nghiêm minh thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện. Song tình trạng chạy đua thành tích hiện nay khiến nhiều trường sẵn sàng sửa học bạ của học sinh. Phải nói thẳng rằng, nếu muốn thì việc sửa học bạ dễ như chơi, điều này gây mất lòng tin và vì vậy vẫn buộc phải tổ chức kỳ thi vào lớp 10”, GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Theo GS Phạm Tất Dong, bệnh thành tích một phần xuất phát từ chính sự thi đua giữa các trường. Tiêu chuẩn đánh giá thành tích học tập ở bậc THCS phụ thuộc vào tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường THPT. Đây là nguyên nhân trực tiếp có thể dẫn đến việc sửa điểm, nâng điểm số nếu xét học bạ.

“Tình trạng này đã diễn ra từ mấy chục năm nay, ví dụ một lớp chỉ được không quá 3 học sinh không được lên lớp, thì giáo viên sẽ cố gắng sửa điểm để đạt được chỉ tiêu đó. Việc phải sửa điểm để học sinh được lên lớp là sai lầm, giáo viên phải cố gắng phụ đạo để những em học yếu tiến bộ hơn trong học tập. Những trường hợp học sinh quá kém, không đủ khả năng học lên cao thì có thẻ giới thiệu cho các em đi học nghề. Kỳ thi chuyển cấp phải hướng đến mục tiêu phân loại học sinh, từ đó bố trí học sinh vào những trường phù hợp. Học sinh là tương lai của đất nước, vì vậy, phải chú trọng vào giáo dục thực chất ngay từ nhỏ. Các hệ thống giáo dục phải thống nhất với nhau để lựa chọn học sinh đúng với khả năng của các em”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh./.

Chia sẻ