Mùa đông nhớ bánh mì cay đất cảng Hải Phòng
Hải Phòng là "đất" quà vặt và bánh mì cay là một “thương hiệu” đặc sản của đất cảng. Mùa đông giá lạnh, nhiều người Hải Phòng lại thèm được ngồi xúm xít quanh lò bánh mì trên vỉa hè, chuyện phiếm với bạn bè và nhâm nhi bánh mì cay.
Bánh mì cay là món quà vặt dân dã của nhiều người dân Hải Phòng, nhất là với trẻ em, học sinh. Tiện lợi, cơ động, dễ mua, dễ ăn. Dùng ăn sáng hay ăn chơi mà vui miệng thì no kềnh bụng lúc nào không biết. Quán bán bánh mì cay thường nằm ở vỉa hè, đầu ngõ với một chiếc tủ nhỏ, một chiếc bàn nhỏ, dăm ba chiếc ghế và một bếp lò nướng.
Người ghé qua ngồi ăn nhâm nhi với tương ớt, người dừng xe mua vài chục chiếc mang về. Tấp nập và luôn tay, đôi khi người bán hàng không cả kịp nướng bánh bán cho khách. Giá chỉ 2.500 - 3.000 đồng/chiếc, mỗi lần mua tính bằng đơn vị chục cái chứ ít khi thấy khách mua lẻ.
Đôi khi có dịp đi picnic đâu đó quanh quanh thành phố cảng, nhiều người lại sắm sửa từ chục đến vài trăm ổ bánh mì cay mang theo làm "lương thực". Người đi Hải Phòng chơi cũng hay mua bánh mì cay về làm quà.
Mấy người bạn Hải Phòng bảo, muốn ăn bánh mì cay chính hiệu và ngon nhất ở đất cảng, thì về phố Hàng Kênh. Mặc dù, gần như ở đâu cũng có một công thức chung cho món quà vặt xinh xinh này.
Ổ bánh mì cay chỉ bé cỡ hai ngón tay, dài chưa tới một gang, trông như đồ chơi, ăn rón rén có hai ba miếng là hết cả ổ. Thành phần quan trọng khiến cho bánh mì cay trở nên hấp dẫn chính là patê. Patê được làm từ gan lợn cùng mỡ phần, thịt nạc với muối và hạt tiêu.
Chủ cửa hàng thường tự mình chọn mua nguyên liệu, đảm bảo tất cả là hàng tươi mới sau đó mang về làm sạch, xay nhuyễn lên trước khi cho vào nồi hấp cách thủy. Patê chín sẽ được chuyển vào khay, chờ nguội rồi đưa vào tủ lạnh. Khay patê tiêu chuẩn khi đổ úp ra sẽ có độ mềm mại vừa phải, một lớp mỡ béo ngậy màu trắng sữa phủ ở trên trông rất bắt mắt.
Người bán hàng đã rạch sẵn những ổ bánh mì xinh xinh và lúc này đây, luôn tay dùng dao pha miếng patê ra, xắn lấy một phần vừa bằng chiều dài ổ bánh, quết vào ruột bánh rồi cho vào lò nướng. Lớp mỡ patê sẽ tan ra ngấm vào ruột bánh, trong khi lớp vỏ bánh lại trở nên nóng bỏng và giòn tan.
Công đoạn quết patê và nướng bánh nghe kể thì lâu nhưng chủ quán làm cực nhanh, tay năm, tay mười hoàn thành cả chục bánh chỉ trong một phút. Đứng xem "thực hành" cũng đã thấy hấp dẫn.
Bánh mì cay Hải Phòng chỉ có duy nhất nhân patê bên trong, không có thêm bất cứ một thành phần gì khác như ruốc, giò, chả hay bất cứ một loại rau, dưa góp nào như cách làm ổ bánh mì thông thường. Cũng không phải vì chiếc bánh quá bé nên không thể gia giảm thêm thành phần, mà đơn giản, bánh mì cay chỉ cần có thế!
Tuy nhiên, một thứ gia vị không thể thiếu để làm nên “thương hiệu” cho bánh mì đất cảng, đó chính là tương ớt (hay còn gọi là chí chương theo cách gọi của người Hoa ở Hải Phòng). Món chí chương này các chủ hàng cũng tự lên men từ ớt, cà chua, và một chút muối, tỏi nhằm đảm bảo vệ sinh và cũng là bí quyết thơm ngon riêng của mỗi nhà.
Nếu khách ăn tại quán thì đã có sẵn bát tương ớt trên bàn, tùy ý cho thêm vào bánh mì. Khách mua về thì đã có những túi nhỏ đựng sẵn tương ớt, khi nào ăn mới cho vào ổ bánh. Cắn một miếng bánh (có khi hết... nửa ổ) thơm sực mùi patê, tương ớt cay xè, vỏ bánh giòn tan trong miệng. Đứng chờ mua cũng… rớt nước miếng vì thèm!
Và những ngày giá lạnh này. Lại thèm được ngồi xúm xít quanh lò bánh mì trên vỉa hè hay góc phố, chuyện phiếm với bạn bè và “ăn ngập miệng” bánh mì cay đất cảng ấy...