Xem phim "Sex Education" tôi nhận ra sự tệ hại trong cách giáo dục con: Kiểm soát quá mức có thể hủy hoại cuộc đời con!

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Qua bộ phim, tôi nhận thức được lỗi sai chí mạng bản thân mắc phải và đang phải từng bước cải thiện bản thân.

Với vai trò là một người cha, tôi luôn tin rằng việc nghiêm khắc, kỷ luật và đặt ra những nguyên tắc rõ ràng là cách tốt nhất trong việc giáo dục và nuôi dạy con cái. Tôi từng nghĩ chỉ cần con tuân thủ những quy tắc đó, cuộc sống của con sẽ tốt đẹp.

Tuy nhiên, sau khi xem bộ phim "Sex Education", tôi nhận ra một sự thật đau lòng rằng những nguyên tắc cứng nhắc của tôi không giúp con phát triển mà đang vô tình hủy hoại cuộc sống của con.

Ban đầu, khi được một người bạn giới thiệu bộ phim "Sex Education", tôi không mấy quan tâm. Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một bộ phim với về các vấn đề nhạy cảm dành cho thanh thiếu niên. Nhưng khi xem từng tập phim, tôi dần nhận ra bên cạnh vấn đề giáo dục giới tính, bộ phim còn phản ánh cách giáo dục của nhiều bậc cha mẹ, trong đó có chính tôi.

Tôi từng cho rằng con cái không cần phải biết quá nhiều về cảm xúc, tâm lý hay các mối quan hệ trong cuộc sống. Các con chỉ cần ngoan ngoãn, học giỏi và không vi phạm quy tắc là đủ, tuy nhiên, bộ phim đã giúp tôi nhìn thấy một khía cạnh khác. Tôi dần nhận ra rằng sự áp đặt của cha mẹ có thể khiến con cái trở nên lạc lõng, cô đơn và thậm chí mất phương hướng trong cuộc sống.

Xem phim

Nhân vật Michael Groff - tấm gương phản chiếu chính tôi

Một trong những nhân vật khiến tôi suy ngẫm nhất chính là cậu bé Adam Groff. Cậu là con trai của ông Michael Groff, một hiệu trưởng nghiêm khắc, người luôn đặt ra những quy tắc cứng nhắc trong gia đình.

Ông Groff kiểm soát từng hành động của con trai, từ giờ giấc, thói quen sinh hoạt đến việc sử dụng điện thoại. Mở đầu bộ phim, khi cậu bé Adam Groof về nhà trễ chỉ 5 phút, cậu không dám gây ra bất kỳ tiếng động nào, sợ rằng sẽ bị bố phát hiện và trách phạt.

Chính sự kiểm soát ấy khiến cậu bé Adam Groof luôn cảm thấy bản thân không thể sống đúng với con người thật của mình. Cậu cảm thấy áp lực từ sự khắt khe của bố và những cái nhìn đánh giá của mọi người trong trường vì bố cậu là hiệu trưởng.

Trong cuộc trò chuyện với hai người bạn Otis Milburn và Maeve Wiley, cậu bé Adam Groof đã nói một câu khiến tôi thức tỉnh: "Tớ ước mình là một đứa trẻ bình thường, có một người cha bình thường...".

Điều này khiến tôi tự hỏi: " Liệu con tôi có đang cảm thấy như vậy không? Liệu những quy tắc tôi đặt ra có đang khiến con cảm thấy mất tự do, mất phương hướng hay không? ".

Tôi bắt đầu nhìn lại chính mình. Tôi cũng đã từng đặt ra những quy tắc tương tự cho con. Tôi giới hạn thời gian sử dụng điện thoại, cấm con chơi game, kiểm soát các mối quan hệ của con, thậm chí yêu cầu con phải đạt điểm số cao trong học tập. Mỗi lần con làm trái ý, tôi lại răn đe, thậm chí quát mắng với hy vọng con sẽ trở nên tốt hơn.

Tuy nhiên, sau bộ phim, tôi nhận ra rằng cách giáo dục ấy không thực sự hiệu quả. Thay vì giúp con trưởng thành, tôi đã vô tình khiến con trở nên xa cách với mình. Tôi nhớ lại những lần con cố gắng chia sẻ điều gì đó nhưng tôi lại gạt đi, cho rằng điều đó không quan trọng và cả ánh mắt buồn bã của con mỗi khi bị trách phạt.

Nhờ bộ phim, tôi cũng nhận thấy con cái cũng có suy nghĩ, cảm xúc và cần được tôn trọng. Khi cha mẹ quá nghiêm khắc, con sẽ không dám chia sẻ những điều thầm kín, dẫn đến việc con tìm kiếm sự an ủi ở những nơi khác, thậm chí chìm vào sự sa ngã. Trong phim, Adam Groff đã từng nổi loạn vì không tìm thấy sự thấu hiểu từ cha. Tôi sợ rằng nếu tiếp tục cách giáo dục này, con tôi cũng sẽ đi vào "vết xe đổ" đó.

Sau khi nhận ra sai lầm, tôi quyết định thay đổi. Tôi bắt đầu lắng nghe con nhiều hơn, thay vì chỉ cố gắng áp đặt mọi nguyên tắc lên con. Tôi cố gắng tạo ra một không gian an toàn để con có thể tâm sự, không sợ bị phán xét. Tôi học cách đưa ra những lời hỏi thăm nhẹ nhàng thay vì ra lệnh. Quan trọng nhất, tôi nhận ra rằng con cần được tôn trọng và được quyền bày tỏ quan điểm của mình.

Tôi không còn xem các chủ đề như tình yêu, giới tính hay tâm lý là điều cấm kỵ. Tôi hiểu rằng nếu tôi không chủ động dạy con, con sẽ tự tìm hiểu qua những nguồn không đáng tin cậy.

Không chỉ là một bộ phim giải trí, bộ phim "Sex Education" còn đưa ra nhiều bài học sâu sắc về cách nuôi dạy con cái. Tôi đã từng mắc sai lầm, nhưng may mắn thay, tôi nhận ra điều đó trước khi quá muộn.

Chia sẻ