Xem phim Sex Education, tôi lặng người vì 1 câu nói: Lần đầu tiên tôi nhận ra, chính mình khiến con trai sống trong mặc cảm, lo sợ

Thanh Hương,
Chia sẻ

Tôi đã không làm gì sai. Nhưng tôi cũng không làm gì đúng.

Con trai tôi năm nay học lớp 11. Từ nhỏ, cháu đã khác với nhiều bạn cùng tuổi. Không nghịch ngợm, không thích thể thao, không khoái siêu nhân hay robot. Thay vào đó, con hay ngồi vẽ hoa, tô màu, chơi với các bạn gái và thích chọn áo màu hồng – những điều mà người lớn thường cười trừ rồi gán mác: "Yểu điệu quá, sau này khổ đấy".

Lớn hơn chút, con dần khép mình. Ít cười. Ít nói. Tôi từng nghĩ do tuổi dậy thì cho đến một hôm, tôi thấy con xóa vội một tin nhắn trong điện thoại khi tôi vừa bước vào phòng. Tôi hỏi. Con không nói. Tôi tra cứu kỹ hơn và phát hiện: Con đang đọc rất nhiều bài viết về LGBTQ+.

Tôi không la mắng. Nhưng tôi cũng... im lặng.

Cái im lặng ấy kéo dài nhiều tuần.

Xem phim Sex Education, tôi lặng người vì 1 câu nói: Lần đầu tiên tôi nhận ra, chính mình khiến con trai sống trong mặc cảm, lo sợ - Ảnh 1.

Jean Milburn

Cho đến một lần, tôi tình cờ ngồi xem phim Sex Education qua sự gợi ý của Netflix – đây là bộ phim tôi từng nghe nhiều nhưng chưa thực sự quan tâm. Trong một phân cảnh đầy cảm xúc, Jean Milburn - mẹ của nam chính Otis, và cũng là một chuyên gia trị liệu đã nói:

"Shame is a wasted emotion. It hides who you truly are". (Sự xấu hổ là một cảm xúc lãng phí. Nó che giấu con người thật của bạn).

Câu nói ấy khiến tôi rùng mình. Tôi đã không làm gì sai. Nhưng tôi cũng không làm gì đúng. Tôi để con mình sống trong sự mặc cảm, trong lo sợ, trong suy nghĩ rằng: Chính mình là điều không nên tồn tại.

Bài học tôi rút ra để dạy con

Ngay hôm sau, tôi chủ động nhắn tin cho con (vì tôi biết, nói trực tiếp lúc đó sẽ khiến con ngại): "Mẹ có đọc một câu, mẹ thấy rất hay: "Sự xấu hổ là cảm xúc lãng phí, vì nó che giấu con người thật của mình". Nếu con có điều gì muốn chia sẻ, mẹ ở đây. Mẹ không hứa sẽ hiểu ngay, nhưng mẹ hứa sẽ lắng nghe bằng cả tình yêu mẹ có". 

Tối đó, con tôi bước vào phòng tôi, tay run run, mắt đỏ hoe. Con không nói nhiều. Chỉ lặp đi lặp lại: "Mẹ đừng giận con nhé".

Tôi ôm con, và thì thầm: "Mẹ giận ai chứ không bao giờ giận con – nếu con đang sống đúng là con". 

Từ hôm đó, chúng tôi không còn phải đoán ý nhau. Tôi dần học cách đọc, tìm hiểu, cập nhật. Con dần học cách tin mẹ – và tin chính mình.

Làm mẹ, tôi nhận ra: Điều đáng sợ không phải là con "khác với người khác" – mà là con phải sống giấu giếm điều đó. Và "xấu hổ", quả thật, là một cảm xúc lãng phí – lãng phí niềm tin, tuổi trẻ, và cả cơ hội để yêu thương đúng cách.

Chia sẻ