Xem phim Sex Education, tôi bật khóc vì thấy có lỗi với con trai: Chỉ vì 1 phút im lặng của tôi mà con gồng mình làm "người tốt" suốt 6 năm

Thanh Hương,
Chia sẻ

Chính sự im lặng của tôi đã khiến con bắt đầu thay đổi.

Tôi từng rất tự hào về con trai mình – một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, lễ phép và luôn “sống đẹp” trong mắt mọi người. Con luôn sẵn sàng giúp bạn, cho mượn bài, không bao giờ cãi lời thầy cô, luôn là học sinh được nhắc đến như tấm gương của lớp. Nhưng cũng vì quá ngoan, quá sợ làm người khác thất vọng, con dần trở thành một kiểu “người tốt” khiến chính tôi bắt đầu lo lắng.

Chuyện này không bắt đầu từ bây giờ. Nó bắt đầu từ tận hồi con học lớp 3.

Trong một lần kiểm tra Toán, con bị bạn ngồi cạnh thì thầm xin chép bài. Con từ chối. Kết quả: Bạn ấy không thèm nói chuyện với con nữa, còn rủ thêm vài bạn khác tẩy chay. Có đứa gọi con là “thằng keo kiệt”, “xấu tính”. Một hôm, con về nhà, mắt hoe đỏ, hỏi tôi bằng giọng rất nhỏ: “Mẹ ơi… sao con làm đúng mà lại bị ghét?”.

Tôi ôm con vào lòng, cố an ủi. Nhưng thú thật, tôi không biết trả lời sao cho con hiểu – và thế là tôi im lặng. Mà chính sự im lặng đó đã khiến con bắt đầu thay đổi.

Xem phim Sex Education, tôi bật khóc vì thấy có lỗi với con trai: Chỉ vì 1 phút im lặng của tôi mà con gồng mình làm "người tốt" suốt 6 năm - Ảnh 1.

Nhân vật Ola trong phim Sex Education.

Từ đó, con luôn cố gắng để được yêu quý: Bạn hỏi bài thì cho chép, bạn làm biếng thì con âm thầm làm hộ, có lần tôi còn phát hiện con làm cả bài kiểm tra nhóm một mình rồi ghi tên bạn vào cho “công bằng”. Tôi nhắc, con chỉ cười: “Không sao đâu mẹ, con làm nhanh hơn mà”.

Nhưng chính cái “không sao đâu” ấy kéo dài đến tận năm lớp 9 – và kết thúc bằng một chuyện khiến cả tôi và con đều không bao giờ quên.

Trong một giờ kiểm tra giữa kỳ, con bị cô giáo bắt quả tang đang đưa bài cho bạn ngồi cạnh. Cô giáo phê bình con ngay giữa lớp: “Em là lớp phó học tập mà lại tiếp tay cho gian lận. Em đang dạy bạn bè điều gì vậy?”.

Sau buổi học, con kể với tôi, giọng run run, nghẹn ngào: “Mẹ ơi… các bạn chẳng ai nói gì, cũng không xin lỗi. Cô mắng con, con không thanh minh được… Con chỉ muốn giúp…”.

Lúc đó, tôi vừa giận, vừa xót. Nhưng hơn hết, tôi biết: Đây không phải lỗi của riêng con – mà là lỗi của tôi, vì đã không dạy con từ sớm rằng tử tế không có nghĩa là đánh đổi chính mình để vừa lòng tất cả.

Tối hôm đó, khi con đã ngủ, tôi ngồi lại một mình. Lướt qua vài tập phim Sex Education đang xem dở, tôi nghe Ola – một nhân vật trong phim – nói với Otis một câu như nói hộ lòng con trai tôi:

“Tớ nghĩ cậu luôn cố gắng quá mức để trở thành một người tốt, đến mức cuối cùng lại không còn là người tốt nữa”. 

Câu nói ấy làm tôi bừng tỉnh.

Bài học tôi rút ra để dạy con

Từ câu chuyện của con và câu nói của Ola, tôi hiểu rằng: Là cha mẹ, nếu chỉ dạy con sống tốt mà không dạy con tự bảo vệ mình, thì chính chúng ta đang đẩy con vào những lựa chọn đầy tổn thương.

Tôi từng nghĩ, chỉ cần dạy con biết chia sẻ, biết giúp đỡ là đủ. Nhưng tôi quên mất, con cần được dạy rằng: Giới hạn cũng là một phần của lòng tốt.

Từ hôm đó, tôi bắt đầu dạy con nói “không” mà không cảm thấy tội lỗi. Dạy con rằng, giúp người là việc nên làm – nhưng không phải khi điều đó khiến con sai lệch chính mình. Tôi nói với con: “Sống tử tế không phải là để được tất cả mọi người yêu mến, mà là để khi soi gương, con thấy tự hào vì vẫn giữ được bản thân”.

Chia sẻ