Vì sao con lớn lên không biết thương cha mẹ? Kiểm tra xem bạn có mắc 3 sai lầm CHÍ MẠNG này

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Chỉ khi ta học cách yêu thương và biết ơn đúng cách, ta mới có thể nuôi dạy ra một đứa trẻ có lòng biết ơn.

* Tác giả: Mẹ Heo (Trung Quốc) – một người mẹ đam mê giáo dục gia đình và tâm lý học.

Bạn tôi nghẹn ngào tâm sự: "Tớ thấy mình thất bại hoàn toàn trong việc nuôi dạy con".

Tôi ngạc nhiên lắm. Con gái chị ấy 15 tuổi, đang học lớp chọn ở một trường cấp ba trọng điểm, thành tích xuất sắc, ngoan ngoãn, lễ phép — đúng kiểu "con nhà người ta" mà ai cũng mơ ước. Thất bại ở chỗ nào chứ?

Thì ra, tuần trước chị đi đón con tan học. Trời bất ngờ đổ mưa lâm râm, hai mẹ con chỉ có một chiếc ô dự phòng. Chị thuận miệng bảo: "Không sao, con cầm đi, mưa nhỏ thôi, mẹ không che cũng được". Chỉ một câu vậy thôi, con gái liền cầm ô đi trước, ung dung bước về phía ga tàu điện ngầm mà không ngoái đầu nhìn mẹ lấy một lần.

Vì sao con lớn lên không biết thương cha mẹ? Kiểm tra xem bạn có mắc 3 sai lầm CHÍ MẠNG này- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Chị xách theo bao nhiêu túi lớn túi nhỏ, lặng lẽ bước theo sau. Nhìn con tay không, dáng vẻ bình thản, chị cảm thấy làn mưa ban đầu chỉ như sợi tơ, dần hóa thành hạt đậu, lạnh thấm cả lưng — nhưng lạnh nhất là trong lòng.

Về tới nhà, người chị mỏi nhừ, lại bị lạnh do vừa dầm mưa. Nhưng vì đã muộn, sợ con đói, chị không kịp thay đồ hay sấy tóc, vội vàng vào bếp nấu cơm. Kết quả, con bé không những chẳng giúp được gì, còn liên tục giục: "Mẹ ơi, sao mãi chưa ăn được vậy?".

Đến khi lên bàn, lại tiếp tục phàn nàn: "Không có đũa, con ăn kiểu gì đây?". Chị nghẹn họng, nói chẳng thành lời. Một luồng khí như mắc kẹt nơi cổ, vừa tủi, vừa buồn. "Tớ thật không hiểu, mình đã hy sinh vì nó nhiều như vậy, sao lại nuôi ra một đứa con lạnh lùng đến thế?". 

Rồi bạn nói thêm: "Cậu bảo tớ chiều nó á? Nó vốn đã độc lập từ nhỏ! Bảy tuổi tớ đi làm là nó đã biết ở nhà một mình, học hành chưa từng phải lo. Chính vì thấy nó học vất vả, tớ mới muốn đỡ đần chút cho nó… Nhưng một mình tớ nuôi nó lớn, có dễ dàng gì đâu? Sao nó không thể hiểu được cho tớ lấy một lần?".

Trong cuộc sống, chúng ta không thiếu những người cha người mẹ như thế — lặng thầm hy sinh, rồi đau lòng vì chẳng nhận lại nổi một lời cảm thông từ con cái. Đôi khi chỉ cần con làm trái ý, đã thấy bị tổn thương nặng nề.

Người ta thường quy hết mọi nguyên nhân vào hai chữ "nuông chiều". Nói rằng trẻ như vậy là "không biết điều", rằng phải nghiêm khắc hơn, ép làm việc nhà, rồi lớn lên sẽ biết ơn.

Nhưng… có thật chỉ là vì nuông chiều?

Nhà tâm lý học nổi tiếng Adler từng nói: "Nhân cách là một thể thống nhất". Mọi hành vi của trẻ đều phản ánh bức tranh tổng thể về cuộc sống mà chúng đang trải qua. Trẻ không biết thương cha mẹ, thường là vì bên trong có những tổn thương sâu xa hơn.

1. Gia đình căng thẳng

Một cư dân mạng chia sẻ: Từ nhỏ, bố mẹ em đã hay cãi vã, đánh nhau như cơm bữa. Sau này họ ly hôn, em sống với ông bà nội, nhưng mâu thuẫn gia đình chưa bao giờ chấm dứt.

Gần bà nội thì bà trách: "Mẹ con vô dụng, phá hỏng cả cái nhà này, đã bao giờ quan tâm con đâu?". Gần mẹ thì mẹ than: "Nếu không vì con, mẹ đâu phải chịu đựng trong cái nhà đó bao nhiêu năm?". Còn gần bố thì bố lại nói: "Nuôi con là bố phải gồng mình từng đồng. Con mà không giỏi giang, có xứng đáng không?".

Em bảo, ngày bé dù mẹ than thế nào, em cũng luôn tìm cách làm mẹ vui, cố gắng nói đỡ cho mẹ trước mặt ông bà và bố. Nhưng giờ, em thấy tất cả chỉ là vô ích: "Họ không có khả năng hạnh phúc, lại kéo cả em xuống cùng".

Ở trong một gia đình mà yêu thương ai cũng bị xem là phản bội người còn lại, trẻ sẽ dần không còn muốn thân thiết với ai nữa. Chúng khép mình, cô lập, trở thành một "hòn đảo cô đơn" trong chính ngôi nhà mình. Khi chúng ta trách con không hiểu mình, có bao giờ tự hỏi: Đứa trẻ ấy — tâm bão giữa những rối ren gia đình — mới chính là người chịu đựng nhiều nhất, đáng thương nhất.

2. Kiểu giao tiếp khiến cảm xúc bị bỏ quên

Có người kể một đoạn hội thoại:

Con vào bếp hỏi: "Mẹ ơi, tối nay ăn gì ạ?". Mẹ đáp: "Đói rồi à? Ai bảo trưa không ăn cho đàng hoàng? Đói chết cũng đáng đời!". Con vẫn hỏi: "Thế tối ăn gì ạ?". Mẹ gắt: "Ăn ăn ăn! Suốt ngày chỉ biết ăn!". Con hét lên: "Con chỉ hỏi ăn gì thôi mà!". Mẹ quát: "Hỏi nữa là mẹ đánh cho!". Con gào: "Con hỏi thì sao? Nói đi, ăn gì?". Mẹ: "Không thấy à? Bánh bao đấy!".

Chúng ta hay chê con: "Nói nó một câu là nó nổi nóng, suốt ngày cãi bố mẹ". Nhưng có bao giờ nghĩ — ai là người dạy nó cái cách giao tiếp đó? Cha mẹ là thầy đầu tiên, là tấm gương đầu tiên. Nếu trong gia đình, những lời yêu thương hiếm hoi mà chỉ có trách móc, đổ lỗi, làm sao trẻ học được cách quan tâm người khác?

3. Sự hy sinh không có ranh giới

Trong cuộc sống, chúng ta hay đi vào hai thái cực: hoặc là nuông chiều, hoặc là áp đặt khắt khe. Nhưng thực ra, cả hai đều giống nhau: Là coi con như cái bóng của mình, không tin vào khả năng của con, không cho con trải nghiệm làm người độc lập.

Khi ấy, con hoặc sẽ trở nên ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, không cảm nhận được nỗi vất vả của người khác; hoặc sẽ kháng cự mọi thứ, chỉ muốn thoát khỏi vòng kiểm soát. "Tôi đã vì con mà hy sinh tất cả…". Câu nói ấy, đôi khi không phải là yêu thương, mà là đòi hỏi con phải "trả ơn".

Nhưng khi tình cảm bị ép thành nghĩa vụ, làm sao trẻ có thể thật lòng cảm kích?

Vậy… lòng biết ơn thật sự đến từ đâu?

Là khi ta trải nghiệm được điều tốt đẹp, nhận ra giá trị của điều đó, và biết nó đến từ ai. Với trẻ con cũng vậy. Khi trẻ được sống, được cảm nhận, được thấy sự giúp đỡ của người khác trong hành trình lớn lên — lòng biết ơn sẽ nảy mầm một cách tự nhiên.

Muốn con biết cảm ơn, điều quan trọng không phải là "bắt con làm gì cho mình", mà là:

1. Hãy nói ra nhu cầu, không than trách

Bạn tôi kể với tôi rất nhiều, nhưng một chữ cũng chưa từng nói với con gái mình. Rất nhiều cha mẹ cũng vậy: ban đầu âm thầm hy sinh, sau dồn nén rồi bùng nổ trước mặt con. Trong khi, con thì chẳng hề biết cha mẹ từng mệt mỏi ra sao.

Vì vậy, thay vì nhẫn nhịn hay than trách, hãy nói ra nhẹ nhàng: "Túi nặng quá, con giúp mẹ một tay nhé!". "Mưa rồi, qua đây che cho mẹ một chút". "Mẹ hơi mệt, tối nay mình ăn đơn giản nhé!". Khi cha mẹ thành thật chia sẻ cảm xúc và nhu cầu, trẻ mới hiểu: À, thì ra mẹ cũng mệt, mẹ cũng cần giúp đỡ.

Từ đó, lòng thấu cảm mới có cơ hội nảy nở.

2. Khen ngợi khi con biết quan tâm

Từng có người chia sẻ rằng: Trên xe bus, có những đứa trẻ cố gắng nghĩ đủ thứ chuyện để làm bố mẹ vui, trong khi bố mẹ chỉ mặt lạnh, im lặng.

Chúng ta thường nói: "Con chẳng bao giờ quan tâm bố mẹ". Nhưng nếu nhớ lại, bạn sẽ thấy: Trẻ từng rất để ý đến mình. Chỉ là, ta không nhận ra, hoặc gạt đi.

Vì thế, khi trẻ làm điều tốt, đừng tiếc lời khen: "Cảm ơn con vì đã nghĩ đến mẹ. Mẹ cảm động lắm"; "có con bên cạnh, mẹ thấy vui và ấm áp". Trẻ sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân, và càng muốn tiếp tục trao đi yêu thương.

3. Biến biết ơn thành thói quen gia đình

Muốn con thích đọc sách, trong nhà phải có sách. Muốn con biết cảm ơn, thì trong nhà phải có "văn hóa cảm ơn". Ít trách móc, nhiều thấu hiểu. Kể với con về những người đã từng giúp mình. Khen ngợi cái tốt ở người khác. Dẫn con đi thăm ông bà, cùng con bày tỏ sự biết ơn…

Tất cả những điều ấy, đều sẽ nuôi dưỡng một đứa trẻ giàu lòng cảm kích, biết trân trọng người khác.

Chúng ta cũng từng là đứa trẻ bị tổn thương, không được lắng nghe, không được thương yêu đúng cách. Vậy tại sao phải là chúng ta thay đổi? Vì chúng ta có khả năng, và chúng ta xứng đáng. Chỉ khi ta học cách yêu thương và biết ơn đúng cách, ta mới có thể nuôi dạy ra một đứa trẻ có lòng biết ơn. Và quan trọng hơn cả — ta cũng đang chữa lành chính mình.

Chia sẻ