Lala "Bộ tứ 10A8" mách kinh nghiệm du lịch tự túc Phượng Hoàng Cổ Trấn 5 ngày với 10 triệu đồng

Bleu ghi,
Chia sẻ

Mai Chi - nàng Lala "Bộ tứ 10A8" đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực về cách đi lại, làm visa, ăn uống cho những người muốn đến Phượng Hoàng Cổ Trấn tự túc và ngẫu hứng.

Phượng Hoàng Cổ Trấn là một điểm du lịch vô cùng nổi tiếng ở Trung Quốc. Vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của nơi này đã thu hút không ít du khách quốc tế đến thăm. Mới đây Mai Chi - nàng Lala của "Bộ tứ 10A8" đã chia sẻ lên trang cá nhân chuyến đi đến Phượng Hoàng Cổ Trấn của mình. Chuyến đi 5 ngày của cô nàng hoàn toàn ngẫu hứng và có chút liều khi chỉ lên kế hoạch trước có 2 ngày, không biết tiếng Trung, không đặt phòng trước. Cùng tham khảo kinh nghiệm du lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn của Mai Chi nhé!


Từ Việt Nam, Mai Chi cùng chồng đi Trung Quốc bằng đường bộ và nhập cảnh qua Hữu Nghị Quan. Sau nhiều lần đổi xe, đến Nam Ninh cô tiếp tục đi tàu đến Trương Gia Giới với mục đích ban đầu là đi Thiên Môn Sơn trước rồi mới đến Phượng Hoàng Cổ Trấn.

phct

Tuy nhiên do không đặt trước phòng và khó khăn trong việc tìm đường (do rất ít người biết tiếng Anh) nên cuối cùng Mai Chi thay đổi kế hoạch, thay vì ở Trương Gia Giới cô đi Phượng Hoàng Cổ Trấn trước. Theo cô thì "dù sao thì mục đích chuyến đi này là đến Phượng Hoàng Cổ Trấn nên 2 đứa không thấy vấn đề gì lắm nếu đến sớm hơn một ngày thậm chí còn hơi phấn khích".

Phượng Hoàng Cổ Trấn

Từ Trương Gia Giới (ga Cát Thủ) đến Phượng Hoàng Cổ Trấn mất khoảng 3,5 tiếng xe bus, giá vé 80 tệ/ người. Một ngày có khoảng 5 chuyến như thế nên hãy hỏi kĩ thông tin ở bến xe nhé. Khoảng 14h30, Mai Chi đến bến xe Phượng Hoàng Cổ Trấn, từ đây có cả taxi lẫn xe khách tư nhân vào phố cổ. Từ bến xe đến khu phố cổ chỉ khoảng hơn 2km, đường thuận dốc nên thực ra đi bộ cũng được.


Vẫn là vấn đề phòng ở, do đi tìm khách sạn theo review có trên mạng nhưng không thấy nên cuối cùng cô chọn bừa một hostel trên đường đi. Theo Mai Chi thì "thánh nhân đãi kẻ khù khờ", cô nàng tìm được khách sạn tên là Hostelling International, phòng ngoài việc nằm ở vị trí đắc địa ra thì giá khá hợp lý với giá là 168 tệ/ đêm. Chất lượng phòng khá tốt so với phòng ốc ở khu phố cổ vì có nhà vệ sinh riêng, bồn cầu bệt đồng thời ở ban công có một bàn trà nhỏ với góc nhìn rộng rãi bao quát toàn cảnh sông Đà Giang và phố 2 bên sông.

Phòng của Mai Chi có view nhìn khá toàn cảnh ra Phượng Hoàng Cổ Trấn.


Cô nàng chuẩn bị trà từ Việt Nam để đợi khi đêm xuống thì về phòng cùng chồng thưởng trà và ngắm Phượng Hoàng Cổ Trấn về đêm.


Phượng Hoàng Cổ Trấn buổi sáng khá vắng người, nhiều cửa hàng còn chưa mở, trả lại cho Phượng Hoàng vẻ đẹp trầm ưu vốn có. Ở 2 bờ sông Đà Giang có dịch vụ cho thuê quần áo chụp hình, khoảng 5 tệ/ lần. Mai Chi cũng thuê mặc để chụp kỉ niệm bởi theo cô "hơi sến nhưng khá dễ thương".






Vốn là người mê ăn uống và cho rằng văn hóa của mỗi nơi còn thể hiện ở nền ẩm thực của nơi ấy nên Mai Chi đã thử rất nhiều món. Bầu không khí se lạnh cũng khiến cô nàng có hứng thú với việc ăn uống hơn.

Nồi lẩu cá giá chỉ 60 đến 90 tệ cho 2 người, muốn ăn rau xào thì "kéo họ đến rổ rau và chỉ chỉ".


Shaokao - đọc là Sao-khảo (đồ nướng). Đồ nướng ở Hồ Nam tẩm ướp rất uyệt vời!


Món bánh tép, giá 5 tệ/ cái được làm từ tép tươi vớt ở dưới sông Đà Giang lên. Bánh gồm tép rán cùng trứng và bột, xong rắc lên 1 lớp hành, muốn ăn cay thì phết lên 1 ít ớt.


Kiwi ruột hồng quả bé nhưng ăn ngọt vô cùng. Kiwi ở đây giá 10 tệ một cân (1 cân Trung Quốc bằng khoảng 500 gram)

Bữa sáng ở Phượng Hoàng Cổ Trấn với 1 tô bún cay và 1 tô mỳ xách bò.

Dọc bờ Đà Giang còn có mấy quán cafe xinh xắn, giá cả cũng phải chăng khoảng 28-30 tệ/ cốc tùy capuchino, latte, machiato... Mai Chi chọn một quán cà phê dọc bờ sông nhâm nhi ly cafe ấm, ngắm nhìn những con thuyền độc mộc trôi trên dòng sông xanh mướt. Tất cả thật là xứng đáng cho quãng đường xa xôi đã đi qua.

Một quán cà phê có view nhìn ra dòng Đà Giang.


Đi Phượng Hoàng Cổ Trấn thích nhất là được dạo và len lỏi vào các con ngõ nhỏ, ngắm nghía những đôi giày vải, ăn những món ăn đường phố lạ và chụp ảnh...

Những con đường nho nhỏ mang màu sắc cổ tích.

Trước 1 nhà hàng đóng cửa vào ban ngày.


Thế giới hài vải.

Thiên Môn Sơn

Đến chiều, Mai Chi rời Phượng Hoàng Cổ Trấn để đi Trương Gia Giới. Cô đến nơi lúc 20h30 giờ và vẫn... không đặt trước khách sạn. Nhưng rất may chỉ đi bộ 5 phút về bên phía tay trái cửa ra bến, nàng Lala chọn được khách sạn với ông chủ rất thân thiện. Theo kinh nghiệm của Mai Chi thì khách sạn đẹp và xinh xắn nhất ở Trương Gia Giới là California hotel, giá khoảng 1 triệu tiền Việt, chủ nói tiếng Anh và phòng ốc đẹp. Còn xung quanh chỉ rơi vào 120 tệ ~ 400 ngàn/ đêm thôi. Quanh khách sạn có nhiều nhà hàng cơm, mỳ, siêu thị, rất tiện để ăn uống!

Sáng sớm hôm sau, Mai Chi dậy sớm bắt đầu hành trình Thiên Môn Sơn của mình. Vì không đi tour nên Mai Chi ra thẳng ga cab treo, mua vé bao gồm vé vào cửa, cab treo, xe bus hết tất cả 258 tệ/ người. Vé lên Thiên Môn Sơn có 3 loại A, B hay C. Cùng giá như nhau nhưng cách đi khác nhau. Vé loại A lên bằng cab treo, xuống bằng xe bus; vé loại B lên bằng bus và xuống bằng cab treo; vé loại C: lên xuống bằng bus. Cá nhân Mai Chi chọn line A và sau khi kết thúc chuyến đi thì nhận ra đây là lựa chọn rất phù hợp.



Sở dĩ có lựa chọn như thế là để giảm tải cho cab treo. Đồng thời khi đi xe bus bạn sẽ được trải nghiệm 99 khúc cua, cũng là trải nghiệm hay (trừ khi bạn bị say xe). Lái chuyến xe 30 người từ đỉnh núi Thiên Môn xuống là 1 cô tài xế giản dị, nhưng đừng lo để vượt qua 99 khúc cua tay áo thì hẳn các lái xe đều là những người kì cựu nhất Trương Gia Giới rồi.


Với Mai Chi, Thiên Môn Sơn ngoài ấn tượng bởi những dãy núi như trong phim chưởng thì hệ thống cáp treo đúng là chỉ có thể nói là kinh khủng... bởi quá vĩ đại. Đường cáp dài và siêu dốc, cảm giác gần như thẳng đứng. Cáp bám trên những sợi dây chắc khoẻ kéo chúng tôi - những con người háo hức lên thẳng đỉnh dãy núi kì vĩ kia... Sương mù làm những ngọn núi ẩn hiện mơ hồ, đẹp và ấn tượng!

Tất tật kinh nghiệm xin visa, đi lại, ăn uống của Mai Chi

1. Về ngôn ngữ:

Ở Trung Quốc, muốn đi thoải mái nhất, bạn nên biết tiếng Trung. Khác với các nhiều nước khác, đi du lịch Trung Quốc, dù bạn không biết tiếng Anh cũng chẳng sao bởi nếu không phải ở thành phố lớn thì rất ít người biết tiếng Anh. Để đi du lịch, Mai Chi đã học trước mấy câu đơn giản là: Chào, cảm ơn, không cần, tôi muốn đi + địa điểm. Ngoài ra bạn cứ lưu hình ảnh liên quan về cần hỏi gì thì giơ lên là họ chỉ cho.

Muốn biết gì cứ tải mấy App như Pleco từ điển Trung có sẵn để tra từ, hoặc viết phiên nghe đọc và đọc lại. Thế nên rất cần 1 cái điện thoại đủ sóng 3G để tiện tra cứu!

2. Hộ chiếu và Visa

Xin visa Trung Quốc rất dễ, làm mất 3 ngày nếu bạn làm dịch vụ, 1 tuần nếu bạn tự đi làm. Chi phí xin visa của mình là 70 USD/ người. Nếu là 8x, 7x, 6x, khi xin visa Trung Quốc, bạn chỉ cần hộ chiếu và 2 ảnh 4x6. Nếu là 9x mà chưa từng xuất cảnh, khi xin visa, bạn cần hợp đồng lao động hoặc giấy chứng nhận là sinh viên. Còn nếu bạn đã đi vài nước Đông Nam Á, hoặc từng đi Trung Quốc thì không cần các giấy tờ này.

3. Chi phí cho 2 người

Đi lại sinh hoạt cho chuyến của Mai Chi hết khoảng 5.000 tệ ~ 17 triệu tiền Việt cho 2 người (không tính tiền mua đồ). Thêm tiền visa là mỗi người khoảng 10 triệu.

4. Mua vé tàu

Mua vé tàu ở Trung Quốc cần có tài khoản mới thanh toán được, nên nếu không có bạn bè giúp đỡ, bạn nên đặt qua dịch vụ. Vé tàu Nam Ninh- Trương Gia Giới (ga Cát Thủ) giá 215 tệ/ giường nằm cứng: loại có đệm mỏng, chia khoang 6 giường. Giá này đã gồm phí đặt( giá gốc 193 tệ). Vé giường mềm, phòng 4 giường giá 315 tệ (chưa có phí dịch vụ). Khi đi tàu nhớ đừng mang chai dạng xịt quá 100ml.

5. Đặt phòng

Phòng ở Trương Gia Giới và Phượng Hoàng Cổ Trấn không đắt. Nhưng nếu không biết tiếng bạn sẽ hơi khó khăn trong việc tìm địa chỉ, dù có đặt trước vé. Trong chuyến đi này do hoàn toàn ngẫu hứng nên Mai Chi không đặt phòng trước mà đi đến đâu tìm thuê đến đấy.

6. Thời điểm

Mùa cao điểm ở Phượng Hoàng Cổ Trấn là từ tháng 5 đến tháng 11, mùa thu khí hậu mát mẻ nên nhiều người lựa chọn là thời điểm đi du lịch. Theo kinh nghiệm của mình ở bất cứ điểm du lịch nào của Trung Quốc, nếu có thể hãy đi giữa tuần cho vắng. Và mình nghĩ, Phượng Hoàng Cổ Trấn nên đi cuối đông chớm xuân vì khi băng tan vẫn còn chút tuyết cũng rất đẹp. Và đặc biệt không phải mùa du lịch nên đảm bảo rất vắng!

7. Thời gian

Vì riêng việc đi và về đã mất gần 3 ngày nên hãy dành cho chuyến đi của mình khoảng 7 ngày cho dư giả nhé! Còn mình vì vướng lịch làm việc nên mình chỉ đi được 5 ngày thôi, còn bao nhiêu điều nuối tiếc vì chưa khám phá hết được.

7. Quần áo

Quần áo đẹp nhưng gọn nhẹ thôi nhé nếu không muốn mình lê lết trên những con phố với cái vali to oạch. Vì ở đây bạn gần như sẽ phải tự túc xách đồ đấy!

8. Liên lạc

Để có thể liên hệ, hãy mua ngay 1 sim 3G Trung Quốc khi ra khỏi cửa bên phía Trung Quốc nhé! Giá 170k/ sim 3G có sẵn 50 tệ trong tài khoản. Bạn nên nhờ người ta đăng kí giúp mình 3G luôn, nếu có thể bạn nên nạp thêm khoảng 50 tệ nữa mới đủ dùng. Người bán hàng là người Việt Nam nên tha hồ hỏi và nhờ vả.

9. Mấy app cần dùng

- Betternet, có app này kết hợp với wifi hoặc 3G bạn mới vào được FB, viber, insta,..
- App Pleco (từ điển Trung có sẵn để tra từ)
- Wechat để liên lạc với người cho thuê xe.
- App chỉnh ảnh: Dù Phượng Hoàng Cổ Trấn chụp lên thôi đã đẹp rồi nhưng để đúng như mắt mình nhìn bạn nên chỉnh qua tí teo VSCO, Analog.

Theo: FBNV
Chia sẻ