"Cay bỏng lưỡi" với nồi lẩu Trùng Khánh đặc sánh ớt và tiêu

Hành,
Chia sẻ

Trước mong muốn mãnh liệt được một lần nếm lẩu cay Trung Quốc, cô nhân viên khách sạn giới thiệu cho tôi một quán lẩu gốc Trùng Khánh với lời cảnh báo: “cay lắm đấy”…

Bất chấp lời cảnh báo của bạn nhân viên khách sạn, trên tinh thần nhất định lần đến Trung Quốc này phải ăn lẩu cay, tôi và cô bạn quyết ghé bằng được quán lẩu nổi tiếng ở thành phố Nam Ninh bằng mọi giá. Sau hồi lâu mò đường, hỏi han, cuối cùng chúng tôi đã đến nơi.


Quán lẩu chúng tôi đến tên là Xiao Yu Huo Guo ở đường Đông Cát, khu Thanh Tú. Quán chuyên nghiệp sạch sẽ, mỗi chỗ ngồi còn đặt sẵn tạp dề để khách hàng có thể đeo vào khi ăn tránh bắn và ám lẩu vào người.

Nếu đi ăn lẩu ở Việt Nam, bạn chỉ cần chọn loại lẩu rồi đợi một lúc là phục vụ đã dọn đầy đủ cả nước dùng và đồ nhúng thì ở đây bạn sẽ phải chọn riêng từng thứ. Chỉ tính nước lẩu cũng đã có đến năm, sáu loại, nào là nước xương hầm, nước gà, nước rau củ, nước lẩu cay... Trong đó nước lẩu cay với 3 cấp độ: siêu cay, cay vừa và cay ít. Tôi vốn là người ăn được cay, nhưng cũng có chút đề phòng với món cay nổi tiếng của Trung Hoa nên chỉ dám chọn loại cay vừa cho an toàn.


Nồi lẩu có hai cỡ, cỡ nhỏ dành có dưới 6 người, cỡ to dành cho nhóm từ 7 người trở lên. Một nồi lẩu có hai ngăn nước lẩu, tượng trưng cho âm - dương.

Gọi xong nước lẩu, tôi tiếp tục đánh vật với phần đồ nhúng với tờ thực đơn toàn tiếng Trung, không hề có hình minh họa. Cũng may phần nhân được chia mục rõ ràng, gồm các loại thịt, các loại hải sản, rau, đồ viên, nấm... nên với vốn tiếng Trung bập bõm cùng sự giúp sức của bạn nhân viên tôi cũng hoàn thành phần gọi đồ khá xuất sắc.


Do nhân nhúng nhiều chủng loại nên nhà hàng sử dụng một chiếc giá ba ngăn để giảm tải cho phần mặt bàn.

Nồi lẩu vừa mang ra, tôi đã lập tức ngửi thấy mùi cay gắt xộc vào mũi nhưng vì đã gọi nên tôi vẫn mạnh dạn nếm một thìa nước, kết quả là nghẹn ngào đến... rơi nước mắt. Quả thực nước lẩu cay kinh khủng, không chỉ là vị cay của ớt mà còn là vị tê của rất nhiều hạt tiêu. Nó cay đến mức sau khi nếm xong thìa nước dùng đầu tiên, tôi tự nhủ không biết loại cay đặc biệt thì còn cay khủng khiếp thế nào.


“Tần số” tiêu ớt đậm đặc ở ngăn nước lẩu cay. 

Cũng do nước dùng quá cay, nên tôi gần như chuyển sang ăn ở bên lẩu không cay. Bên ngăn này nước lẩu ngọt thanh vị xương gà nhưng vẫn giữ được độ béo nhất định nên trải nghiệm ăn lẩu Trung Quốc của tôi tốt đẹp hơn hẳn. Một phát hiện thú vị nữa của tôi là đồ chấm lẩu rất phong phú với một quầy đồ chấm riêng cho khách tự lựa chọn, gồm cả chục loại tương (cay và không cay), chao….


Đồ chấm gồm nhiều loại tương, chao khác nhau.


Bát nước mà nhân viên phục vụ làm cho tôi, gồm cách loại hành rau thơm chan lên một loại dầu ăn, khi chấm cho vị hơi đậm.


Bát chè thảo dược mật ong, hoa quả, trà thanh nhiệt đều được miễn phí khi ăn lẩu

Bữa lẩu Trùng Khánh ngốn của chúng tôi hơn 600 ngàn, không đắt cho trải nghiệm vô cùng khó quên về ẩm thực Trung Hoa. Có lẽ, lần sau đến Trung Quốc, có cơ hội tôi vẫn sẽ ăn lẩu, nhưng lần này sẽ là mức độ cay thấp nhất.

Chia sẻ