Xấu hổ vì chồng tiết kiệm
Bão giá, chồng ca thán chuyện chai nước mắm tăng một nghìn, suất cơm tăng vài nghìn…, càng khiến cho vợ “bão lòng”.
Anh Minh (sống tại Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) có hoàn cảnh gia đình khó khăn từ bé nên lúc nào anh cũng tiết kiệm chi tiêu, đôi khi đến hà tiện. Vợ anh nhiều lần cảm thấy xấu hổ vì cái tính đó của chồng.
Hai vợ chồng làm cùng công ty, bữa trưa ăn cơm tại cơ quan. Những lần trước, công ty cho mỗi bữa ăn của nhân viên là 11 nghìn đồng/suất (trong đó công ty cho 5 nghìn đồng và nhân viên nộp 6 nghìn đồng/bữa).
Khi giá cả leo thang, với số tiền đó nhà bếp không nấu cơm được nên ra thông báo tăng giá, theo như thông báo, mỗi suất cơm sẽ tăng 2 nghìn đồng, tương đương với điều đó công ty cho thêm một nghìn đồng, nhân viên sẽ phải nộp thêm 20 nghìn tiền cơm/ tháng so với trước đây.
Ở nhà, anh luôn kêu ca “hôm nay cà chua đắt nhỉ, bắp cải giá thế nào em, nước mắm hết nhanh thế, em nấu ăn hao gia vị quá…”. Hàng loạt những “phát ngôn” kiểu như thế khiến chị Hòa thấy chán chồng mình. Mỗi tháng chi tiêu trong gia đình cả tiền thuê nhà chỉ đặt vào lương của chị. Số tiền lương của anh không rút ra khỏi tài khoản. Anh muốn tiết kiệm để mua đất xây nhà.
“Khi phải đi thuê nhà, tiết kiệm là tốt nhưng anh ấy tiết kiệm một cách hà tiện khiến cho mình thấy ngán ngẩm, đôi khi lại còn thấy xấu hổ ở đám đông”.
Chưa bao giờ anh Minh đưa vợ con ra ngoài ăn sáng nói chi đến nhà hàng. Mỗi khi vợ mua được cái gì về anh lại chạy ra hỏi có đắt không. Nếu ngon mà rẻ anh sẽ khen cả buổi, còn đắt mà không ngon anh chê đến cả tuần.
Mệt vì chồng chi tiêu nhỏ giọt
Trong thời buổi giá cả cái gì cũng đắt đỏ, tiền chồng đưa cho thì không tăng tý nào, chị Nguyễn Thị Vui (Mỹ Đình, Hà Nội) luôn phải tính toán thật kỹ những thứ phải chi tiêu trong gia đình.
Chị Vui ở nhà chăm con 13 tháng tuổi nên công việc của chị là nấu cơm cho cả gia đình. Mỗi ngày chồng chị đi làm lại móc ví đưa cho vợ 100 nghìn đồng để ở nhà mua sữa cho con, mua thức ăn trong ngày. Không chỉ có riêng hai vợ chồng, nhà chị Vui còn phải có trách nhiệm nuôi bố mẹ chồng. Với số tiền chồng đưa, chị phải chi tiêu một cách dè xẻn mới đủ.
“Hôm nào đi chợ cũng phải tính rõ mua những thứ gì, bao nhiêu tiền trước ghi ra giấy để đến chợ không bị thiếu tiền. Anh ấy chỉ đưa chừng đó vì nghĩ rằng đưa nhiều vợ mình sẽ tiêu hoang”.
Mỗi khi đưa tiền cho vợ, anh lại nhắc: “Bây giờ xăng tăng, lương chưa thấy tăng, em chi tiêu cho khéo đừng để đội thêm tiền”. Chị chẳng dám mua cái gì cho mình. Một lần đi chợ, thấy quần áo rẻ chị móc vội được vài chục nghìn tiền lẻ, nhàu nát, số tiền chị đi chợ còn thừa mỗi ngày khoảng 3,4 nghìn để mua một chiếc áo mặc và mua cho mẹ đẻ một cái. Vừa mang về, chồng chị cầm chiếc áo ném vào vợ, mắng vợ tiêu hoang phí.