Người dân Sài Gòn khốn đốn vì bị kiến ba khoang cắn
Thời gan gần đây, từ khu KTX sinh viên đến chung cư cao cấp tại TP.HCM đều có rất nhiều kiến ba khoang xuất hiện khiến sức khỏe, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Sợ đến nỗi không dám mở cửa buổi tối
Hai tuần trở lại đây, “đại dịch” kiến ba khoang làm cho việc học tập, sinh hoạt của hàng ngàn sinh viên tại KTX ĐHQG TP.HCM trở nên điên đảo. Rất nhiều sinh viên đã bị loài kiến này cắn cho sưng tấy, mưng mủ khắp người. Nhiều bạn chỉ còn cách chịu đựng và than phiền trên facebook cá nhân hoặc trang fanpage của KTX ĐH Quốc gia.
Bạn Nguyễn Thanh Hoàng (ĐH Kinh tế Luật) than: “Phòng có 8 thằng thì 7 thằng bị kiến ba khoang cắn ngay cổ, chân”. Hoàng cho biết, mình bị cắn được khoảng 2 tuần này, ban đầu chỉ là ngứa ở cổ, có mụn nước nhưng càng gãi thì vết tất càng lan rộng gây đau rát, ngứa ngáy khó chịu.
“Thời tiết thì oi bức, lại bị ở vùng cổ nơi hay ra mồ hôi nên vừa mất thẩm mỹ lại vô cùng khó chịu. Mình không biết phải điều trị kiểu gì, sợ nhất là vết thương để lại sẹo”. Hoàng chia sẻ. Tương tự, bạn Lê Thanh Tâm (ĐH KHXH&NV) bày tỏ: “Mình ở nhà B5, mới dọn vô thì bị kiến cắn luôn. Mấy bạn trong phòng và các phòng kế bên cũng đều bị cắn cho sưng tấy. Mình bị ở vùng cổ, mỗi lần soi gương là thấy ái ngại, nếu không phải đi học thì không dám ra ngoài đường”.
Bạn Quang Phú (ĐH Bách Khoa) dọn vào ở từ hè và đã bị đốt 3 lần ở chân, tay, bụng. “Sẹo vẫn chưa phai hết đây. Nếu KTX có tổ chức dọn dẹp bụi rậm thì em sẵn sàng tham gia để hạn chế dịch kiến ba khoang cho sinh viên an tâm học hành. Gần như cả khu B của KTX đều có kiến, có phòng kiến bò lổm ngổm dày đặc. Loài này mà giết thì bị trúng mủ độc. Nên từ khoảng 18 giờ là sinh viên phải đóng kín cửa, sợ đến nối không dám mở ra”.
Những lời than về “đại dịch” kiến ba khoang nhanh chóng được Ban quản lý KTX tiếp nhận. Chị Nguyễn Thị Trọng, Trưởng Trạm y tế, KTX ĐHQG cho biết: "Trước kia, ở cả hai KTX khu A và khu B đều thỉnh thoảng có loài kiến này nhưng thời gian gần đây thì xuất hiện rất nhiều. Nguyên nhân là quanh KTX có nhiều rừng cây, bụi rậm, vũng nước tù lại vào mùa mưa nên kiến phát triển nhanh”.
Những lời than phiền của sinh viên về "dịch" kiến ba khoang.
Theo chị Trọng, trạm y tế KTX đã ghi nhận tình hình và tổ chức điều trị
miễn phí cho sinh viên. Từ đầu tháng 9 đến ngày 28/9, Trạm đã thăm khám và phát thuốc
điều trị cho 130 ca tại khu A, 265 ca tại khu B. Đồng thời cũng ghi nhận tổng số
phòng xuất hiện kiến ba khoang tại 2 khu A và B lần lượt là 150 và 480.
“Hiện tại, hai ngày gần đây thì lượng sinh viên xuống điều trị đã giảm, chỉ còn khoảng 5 – 10 trường hợp/ngày. Thời gian trước đó, ngày nào cũng có ít nhất 20 em đến khám, lấy thuốc. Mỗi ngày, chúng tôi đều lên các phòng để tuyên truyền, hướng dẫn các sinh viên cách phòng ngừa, điều trị và phun thuốc xịt”, chị Trọng cho hay.
Theo bà Phùng Thị Hương Lan,
Phó giám đốc Trung tâm Quản lý ĐHQG TP.HCM, sáng 29/9, Trung tâm Y tế KTX đã phối
hợp với Khoa chống dịch của Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức đi khảo sát tình
hình để tìm ra biện pháp xử lý và ngăn ngừa. Ngoài ra Ban quản lý KTX đã đăng tải
video về các biện pháp phòng tránh kiến ba khoang cho sinh viên lên các trang
thông tin của KTX.
Chung cư cao cấp cũng chung số phận
Cũng như ở KTX, nhiều cư dân ở chung cư cao cấp Era Town (Q. 7, TP.HCM) cũng khốn khổ, phải tìm đến bác sĩ da liễu để điều trị vết thương do kiến ba khoang cắn.
Nhiều người sống trong chung cư cũng gặp cảnh tương tự như chị Quyên. Là nạn nhân của kiến ba khoang, chị Phương Minh (nhà A4) chia sẻ: "Chúng thường xuất hiện vào khoảng 18h. Nhất là khi nhà lên đèn, ánh sáng thu hút chúng đến nhiều hơn. Cả hai vợ chồng tôi đều bị cắn, rất khó chịu mà vết thương lại lâu lành. Chông tôi mới bị cắn tháng trước ở bụng thì nay lại bị thêm ở vùng mông, vết thương lan khá nhanh”.
Nhiều hộ dân hốt hoảng, lo sợ vì tình trạng kiến ba khoang xuất hiện nhiều bất thường và cùng nhau chia sẻ cách trị những vết thương do loại kiến này gây ra. Chị Nguyễn Thị Minh (nhà B5) mỗi khi phơi quần áo ngoài trời đều kiểm tra rất kỹ để đảm bảo không có con kiến nào bám vào. Buổi tối trước khi đi ngủ, 2 vợ chồng chị kiểm tra chăn, gối một lần nữa. Thế nhưng cả nhà ai cũng bị cắn.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Hồng Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần dịch
vụ The Era Town - đơn vị quản lý khu chung cư thừa nhận có tình trạng trên, nhất
là ở các hộ trên tầng cao.
Tuy nhiên ông khẳng định, kiến ba khoang là từ nơi khác đến chứ không phải
xuất phát từ chung cư nên ban quản lý không thể kiểm soát hết được. “Công
ty chúng tôi có ký hợp đồng phun thuốc diệt côn trùng đều đặn 2 lần/tháng với một
đơn vị. Hiện nay, nhân viên của đội kiểm soát côn trùng luôn túc trực, hộ nào
báo có kiến thì sẽ đến xịt. Chúng tôi cũng đã ra thông báo đề nghị bà con nên
đóng kín của vào buổi tối”.
Bác sĩ Huỳnh Văn Quang (trưởng phòng khám da liễu Huỳnh Quang- Gò Vấp) cho biết: "Kiến 3 khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thân mình thon, dài 0,9 - 1,2 cm. Chúng sống trong ruộng lúa, ăn rầy nâu và rất thích ánh sáng đèn. Loài này thường xuất hiện vào mùa mưa khi độ ẩm cao, nhất là khi giao mùa. Trong cơ thể của chúng nhiều độc tố Pederin, có tính xuyên thấm da với độc tính gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ. Khi giết chết kiến ba khoang trên cơ thể, pederin sẽ tiếp xúc với da, gây viêm da nặng. Khi bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da, cần rửa sạch nhanh chóng bằng xà phòng. Nếu vết thương bị loét, nổi bọng nước, nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám. Việc không điều trị sẽ để lại sẹo lâu dài".