Hà Nội: Dân chung cư thức trắng đêm "săn" kiến ba khoang

Lê Bảo,
Chia sẻ

Kiến chui vào giường, chăn chiếu và bò khắp nhà khiến nhiều người bị tấn công. Nhiều gia đình có trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh đang phải tìm mọi biện pháp chống chọi lại loài sinh vật đáng sợ này.

Trắng đêm rình "săn" kiến ba khoang

Khoảng 1 tháng trở lại đây, chung cư Kim Văn - Kim Lũ (Hà Nội) cùng nhiều chung cư khác tại Linh Đàm phải chịu cảnh bị kiến ba khoang tấn công trở lại. Rất nhiều người từng là nạn nhân của loài kiến đáng sợ này không hiểu tại sao lại bị cắn và kiến cắn lúc nào, mãi đến khi trên người xuất hiện những vệt tựa như bị bỏng kéo dài chừng 5-10cm thì mới giật mình.

Như trường hợp như chị Lan Chinh (chung cư Kim Văn - Kim Lũ), bị kiến ba khoang cắn, nhưng chị lại tưởng mình bị zona thần kinh và đã tự đi mua thuốc về bôi nhưng không khỏi. Chị chia sẻ: "Ban đầu nhìn vết thương kéo dài, phồng rộp và xuất hiện nhiều bóng nước cứ tưởng mình bị zona thần kinh, nhưng khi đến tiệm thuốc hỏi thì nhân viên cho biết bị kiến ba khoang cắn. Phải đến 1 tuần sau vết thương mới tạm thời khỏi nhưng hiện tượng ngứa lại xuất hiện ngay sau đó".

Sau khi biết mình bị kiến ba khoang tấn công, chị Lan Chinh cùng chồng lùng sục khắp nhà để tìm kiếm và hốt hoảng khi phát hiện trên giường ngủ có đến gần chục con kiến đang bò. Không chỉ thế, trên tường nhà, cạnh bóng đèn điện cũng xuất hiện khá nhiều loại kiến này.

Hà Nội: Dân chung cư thức trắng đêm
Cận cảnh kiến ba khoang (ảnh đã được phóng to nhiều lần).

Oái oăm thay, giết kiến ba khoang xong hôm nay thì ngày mai kiến lại xuất hiện với mật độ nhiều hơn. Không còn cách nào, vợ chồng chị Lan Chinh phải mua thuốc xịt diệt kiến, côn trùng nhưng cũng không hiệu quả bởi cứ diệt hết hôm nay thì ngày mai kiến lại bò vào nhà.

Cũng tại khu chung cư này, gia đình chị Liễu cũng trong tình trạng dở khóc dở cười. Cả nhà có 4 người nhưng cả 4 người đều bị kiến ba khoang đốt. 

Hà Nội: Dân chung cư thức trắng đêm
Kiến ba khoang bò dày đặc cạnh bóng đèn điện.

"Ngứa, rát và luôn có cảm giác đau nhức là biểu hiện khi bị kiến ba khoang tấn công, đặc biệt nọc độc của kiến rất lâu tan, thông thường phải mất đến gần 1 tuần vết thương mới tạm lành nên nếu bị nặng sẽ khó khăn trong đi lại, làm việc nhà cũng như công việc ở cơ quan", chị Liễu cho biết.

"Lo nhất là trẻ nhỏ, vì vậy gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác buộc phải sử dụng những biện pháp để phòng tránh như: diệt kiến bằng hóa chất, mắc màn thật dày để ngủ, thắp bóng điện ra hành lang...", chị nói thêm.

Còn gia đình chị Hoài mới sinh con nhỏ nên tối xuống là chồng chị Hoài phải đóng hết tất cả các cửa sổ, cửa chính cũng như cửa ban công để hạn chế kiến bay vào nhà. Không chỉ thế, có nhiều hôm cả hai vợ chồng anh chị phải thức gần như trắng đêm để bắt kiến ba khoang, đề phòng kiến cắn con. 

Nọc độc kiến ba khoang gấp 10 lần rắn hổ mang

Theo tài liệu của các chuyên gia nghiên cứu thì phần bụng kiến ba khoang có 2 tuyến độc chứa chất pederin, pederin độc gấp 10 lần độc tố của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc với nọc kiến nhỏ và chỉ ngoài da nên không gây chết người.

Khi tiếp xúc với da người, kiến ba khoang tiết ra chất pederin để phòng vệ chính vì thế gây nên hiện tượng phồng rộp, rát, nếu bị tấn công ở mắt sẽ gây ra hiện tượng mù tạm thời. Ngoài ra, trên phần da bị nọc độc của kiến tấn công xuất hiện nhiều loại vi khuẩn gây hại tạo nên chất kích ứng da phồng rộp khi tiếp xúc như một hiện tượng của cơ thể người để phòng vệ.

Hà Nội: Dân chung cư thức trắng đêm
Nhiều người lầm tưởng mình bị zona thần kinh nhưng thực chất là bị kiến ba khoang cắn.

Nhiều người lại lầm tưởng việc bị kiến ba khoang tấn công như bị zona thần kinh cũng dễ hiểu bởi 2 loại vết thương có biểu hiện bên ngoài tương đối giống nhau.

Thực tế cho thấy, kiến ba khoang sống chủ yếu ở đồng ruộng, nơi ẩm ướt tuy nhiên thời điểm kiến ba khoang sinh nở sẽ tìm nơi trú ẩn mới. Trong quá trình di chuyển, kiến thường lao vào nơi có ánh sáng trắng để đậu vào nên nhiều chung cư, gia đình tại Hà Nội xuất hiện kiến ba khoang.

Nắm bắt được điều này nên mọi người vẫn có thể dễ dàng phòng tránh kiến ba khoang "ghé thăm" bằng cách tắt hết các bóng đèn có ánh sáng trắng, thay vào đó dùng loại đèn có ánh sáng dịu hoặc ánh sáng màu để kiến không tới. Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc xịt côn trùng cũng mang lại hiệu quả nhất định.

Các Bác sĩ khuyến cáo: Nếu bị kiến ba khoang bò trên da không nên dùng tay giết kiến mà nên nhẹ nhàng dùng vật gì đó cho kiến bò lên rồi giết, sau khi bị kiến tấn công hoặc bò lên da thì cần rửa ngay bằng xà phòng, ngoài ra dùng thuốc có chứa hoạt chất corticoid điều trị ngay tại chỗ. Đặc biệt, không được gãi hoặc gây sát thương khu vực bị kiến tấn công để tránh việc nọc độc bị lan rộng.

Chia sẻ
Đọc tin tức mới nhất, thông tin Kiến ba khoang đốt nên dùng thuốc gì? tại aFamily.