Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm?

NN (TH),
Chia sẻ

Tại nhiều quốc gia châu Á, Tết âm lịch được xem là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Và vào ngày tết, người dân mỗi nước lại có một phong tục riêng để lấy may cho cả năm.

Trung Quốc: Trang trí nhà cửa bằng màu đỏ

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là dịp lễ lớn nhất trong năm. Khoảng từ đầu tháng 12 Âm lịch, người dân Trung Quốc xa nhà bắt đầu "cuộc đại di cư" đổ về quê ăn Tết bên gia đình.

Mừng năm mới theo tiếng Trung Quốc là "Guo Nian", trong đó Nian có nghĩa là năm. Tuy nhiên, theo truyền thuyết thì Nian là tên một con quái vật luôn xuất hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ để quấy phá dân lành. Và một năm nọ, người ta phát hiện con quái vật này rất sợ màu đỏ và tiếng ồn.

Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm? 1
Người Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng màu đỏ dịp Tết.

Kể từ đó cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Người ta viết lên giấy đỏ những lời cầu chúc giàu sang, thịnh vượng rồi dán lên cửa. Họ tin rằng việc làm này sẽ đem lại may mắn và hạnh phúc cho cả gia đình.

Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm? 2


Ngoài ra, giống như ở Việt Nam, việc trao phong bao lì xì màu đỏ rất phổ biến vào dịp Tết ở Trung Quốc. Hầu hết trẻ em đang đi học đều được nhận lì xì. Những ai đã đi làm thường không được nhận tiền mừng tuổi, ngay cả khi chưa kết hôn. Phong tục lì xì cũng là một cách lấy may đầu năm ở quốc gia này.

Hàn Quốc: Ăn canh bánh gạo

Ở Hàn Quốc, ngay từ những ngày cuối năm âm, không khí Tết đã tràn ngập khắp các ngả đường và trong mỗi gia đình. Ngày 30 Tết âm lịch, các gia đình Hàn Quốc cũng dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

Buổi tối trước Giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần, mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đêm Giao thừa, người Hàn Quốc đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma. Người Hàn Quốc quan niệm đêm Giao thừa không ai ngủ vì nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.

Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm? 3
Món canh bánh gạo trên bàn ăn dịp năm mới của người Hàn Quốc.


Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Hàn Quốc thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món canh bánh gạo (tteokguk) - món canh mang ý nghĩa đem lại nhiều may mắn trong tương lai. Canh được làm bằng cách nấu nhiều lát bánh gạo. Ngoài ra còn có các món khác như cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và các loại bánh cổ truyền.

Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm? 4
Món canh bánh gạo.

Sáng mùng 1 Tết, người Hàn sẽ mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool, một loại rượu bổ làm cho thính giác tinh nhạy, sau đó tiến hành nghi lễ cúng tổ tiên do trưởng nam trong gia đình đứng ra làm lễ.

Việt Nam: Xông đất và hái lộc

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 Âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên.

Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm? 5
Người xông đất thường được gia chủ nhờ từ trước
với hy vọng mang lại may mắn cả năm.


Một tục lệ đẹp có lâu đời ở Việt Nam trong dịp Tết là xông đất. Nhiều người quan niệm ngày Mồng 1 "khai trương" một năm mới nên vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc Giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ.

Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm mới cũng vì thế mà rất được xem trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người thường tìm trong số bà con hay láng giềng xem có ai hợp tuổi, tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang xông đất. Người đến xông đất sẽ chúc Tết, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy, thuận lợi.

Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm? 6
Hái lộc mang về nhà được xem là có thể lấy may đầu năm.


Ngoài ra, với người dân miền Bắc, nếu năm mới xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc. Cành lộc thường là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chọn hái lộc từ những loại cây khác gặp trên đường đi. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân dịp năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ.

Singapore: Ăn cá và quýt

Chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Trung Quốc, Tết âm lịch tại Singapore là ngày lễ được trông đợi nhất đối với không chỉ cộng đồng người Trung Quốc tại đây, mà còn cả những người dân Singapore.

Ngày Tết của người Singapore kéo dài tới 15 ngày, từ đêm Giao thừa đến hết ngày 15 tháng Giêng. Trong thời gian này, khắp nơi đều diễn ra các hoạt động vui xuân.

Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm? 7
Người Singapore ăn quít vào đầu năm để gặp may mắn.


Cũng tương tự như một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Tết cổ truyền tại Singapore là dịp để gia đình quây quần bên nhau đón năm mới và bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên.

Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để quét đi mọi điều tồi tệ của năm cũ và đón những điều may mắn của năm mới vào nhà. Người người diện quần áo mới đi thăm hỏi họ hàng và trẻ em sẽ được phát những phong bao lì xì đỏ đựng tiền tượng trưng cho sự may mắn.

Người dân châu Á làm gì dịp Tết cổ truyền để mong may mắn cả năm? 8
Đường phố Singapore tràn ngập đèn lồng trong lễ hội hoa đăng dịp năm mới.


Điều thú vị trong dịp Tết âm lịch của người Singapore đó là họ rất thích ăn quýt và cá. Nguyên do là bởi chữ “quýt” đọc gần với chữ “cát” trong “đại cát đại lợi”. Do đó, ăn quýt có thể mang lại hạnh phúc, may mắn. Còn “cá” gần với chữ “dư” trong tiếng Trung, thể hiện sự dồi dào, dư dả.

Tổng hợp

Chia sẻ