Trước thềm năm mới, đến phố Tây, nghe Tây nói về Tết
Tại phố Tây, Tạ Hiện, chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là bước săng năm mới, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh người nước ngoài đang thư thái ngồi nhâm nhi cốc bia, người thong dong đi dạo trên con phố Tây đặc trưng của Hà Nội.
Người nước ngoài ở Việt Nam, họ có cảm nhận gì và cái Tết của họ diễn ra như thế nào khi xa gia đình? Vì thế, chúng tôi đã đến phố Tây để hiểu thêm điều này từ những chia sẻ của các vị khách nước ngoài sinh sống, làm việc, du lịch ở Việt Nam.
Đến phố Tây ở Tạ Hiện (TP Hà Nội) vào thời điểm trước giao thừa, một khung cảnh vui vẻ, nhộn nhịp, đầy màu sắc của cả người Tây và người Việt đang thong dong tận hưởng khoảnh khắc cuối cùng của năm. Cửa hàng, quán cà phê, khách sạn, quán bar và nhà hàng trang trí hoa, đèn nhạc rộn ràng.
Cặp vợ chồng Tây đang ghi lại hình ảnh của mình trước khi bước sang năm mới.
Là người Hà Lan định cư tại Bồ Đào Nha, hiện Gijs Voogt đang là nhà thiết kế của một công ty thời trang tại Việt Nam. Anh đã sống và làm việc ở Việt Nam được 5 năm và vì thế những hồi ức về ngày đầu năm mới ở quê nhà thường gắn liền với tuổi ấu thơ. Tết ở Bồ Đào Nha, anh thường dành thời gian để nghỉ ngơi và quây quần bên gia đình. Anh chia sẻ: "Chúng tôi ăn bữa tối thịnh soạn với rượu vang (Bồ Đào Nha rất sẵn rượu vang), sau đó mọi người đổ ra đường, tiệc tùng chỉ thực sự bắt đầu sau 12h đêm, khi pháo hoa bắn xong, mọi người đều vui hết mình tới gần sáng. Người ta khiêu vũ, biểu diễn, chơi trò chơi ngoài phố suốt đêm, hầu như không mấy ai ngủ. Ngày tiếp theo, chúng tôi đi ăn trưa tại nhà hàng với bạn bè. Trong ngày đặc biệt này ở Việt Nam, tôi thường dành thời gian với người thân (vì công việc bận rộn không mấy lúc thư thái mà sum họp gia đình), chúng tôi uống rượu dân tộc, ăn món Việt Nam, và sau bữa tối tôi nhâm nhi trà mạn với bố vợ".
Anh Gijs Voogt thích ăn món ăn cổ truyền của Việt Nam
Đang ngồi uống bia cùng bạn bè thân thiết và cùng chờ đợi thời khắc kết thúc năm mới và đón một năm mới, Alex, đến từ Anh chia sẻ, anh sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã được ba năm, vợ anh là người Việt Nam. Alex kể, trước kia, Tết ở Anh vào ngày 1/3, từ năm 1752 chuyển sang ngày 1/1 như nhiều nước châu Âu, châu Mỹ. Trong đêm giao thừa, mọi người thức khuya và mỗi người viết 3 điều ước tốt lành trên một mảnh giấy lụa riêng, đốt mảnh giấy ấy lấy tro hòa tan vào cốc rượu và uống cạn. Họ tin rằng, làm như thế thì ít nhất sẽ có một điều ước trở thành hiện thực. Đêm cuối ngày trước Tết Dương lịch, mọi nhà sẽ mua rượu đổ đầy các chai, lọ trong nhà, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt bởi người Anh quan niệm rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp không thuận lợi. Với anh, Tết ở Việt Nam là dịp để anh dành nhiều thời gian tiếp xúc và gần gũi hơn với gia đình vợ, cũng như tận hưởng không khí đầm ấm, sum vầy.
Nhiều đôi tình nhân tìm một góc ngồi chào đón năm mới.
Em bé và bố mẹ chuẩn bị chào năm mới trên phố.
Tachiana – cô gái đến từ Nga hiện đang làm tại một tổ chức phi chính phủ, chị kể rằng những năm trước chị và các bạn của mình thường tìm đến khu vực trung tâm này để vui chơi chờ đợi thời khắc chuyển năm. Tuy vậy, cũng như một số người nước ngoài, chị vẫn cảm thấy khá trống trải vì xa quê hương. Trước đây, Tết ở Nga vào tháng 3, từ năm 1700 mới chuyển sang ngày 1/1. Nhà ai cũng đều bày cây thông năm mới tuyệt đẹp và làm món bánh nướng cổ truyền. Suốt đêm giao thừa, người ta ăn uống, múa hát, chúc sức khỏe và tặng quà cho nhau. Tối nay, chị ngồi cùng bạn bè để nhâm nhi cốc bia chờ đón năm mới
Cặp đôi này ngồi bên nhau cùng chờ đón thời khắc giao thừa.
Không như Alex đã có 3 năm đón Tết ở Việt Nam, anh chàng Henry đến từ Đức thì đây là lần đầu tiên được ăn Tết trên đất nước Việt Nam. Anh bảo mấy hôm nay, ngày nào anh cũng đi chợ Đêm Đồng Xuân, ăn những món ăn vặt đặc trưng của đường phố Hà Nội. Anh chia sẻ về Tết của nước mình: “Trước kia, Tết ở Đức trùng với lễ Phục sinh, từ năm 1310 trùng với Noel và từ năm 1691 mới chuyển sang ngày 1/1. Chiều tối ngày 31/12, mọi người thường tụ tập ở các quán, ăn uống và vui chơi đến tận đêm. Lễ đón năm mới ở Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa mọi người đều ngồi yên trên ghế, thổn thức chờ đợi đến khi chuông đồng hồ điểm 12h đêm. Khi đó, mọi người ở Đức ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành bằng câu nói "Happy New Year". Và ở đây, tôi cùng với một vài người bạn của mình sẽ ngồi đây để cùng nhau chào mừng năm mới".