Vượt gần 700km, đặt ECMO cứu bé trai bị sốc phản vệ, phù phổi cấp, suy tuần hoàn

Thu Hương, Trà My,
Chia sẻ

Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống bé 3 tuổi trong tình trạng rất nguy kịch, nhờ kịp thời ứng dụng phương pháp ECMO lưu động và hội chẩn online hỗ trợ bệnh viện địa phương.

Vượt gần 700km, đặt ECMO cứu bé trai bị sốc phản vệ, phù phổi cấp, suy tuần hoàn - Ảnh 1.

Trong gần 6 tiếng di chuyển từ Sơn La về Hà Nội, các bác sĩ luôn phải đảm bảo hệ thống máy móc đi cùng bệnh nhi hoạt động ổn định liên tục, không để 1 sai sót dù nhỏ nhất có thể xảy ra. Ảnh: BVCC

Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhi T.B.(3 tuổi, trú tại Sơn La) sốt cao kèm ho. Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhi được tiêm kháng sinh chứa thành phần ampicilin và sulbactam.

Sau tiêm mũi thứ 3, bệnh nhi xuất hiện tím tái, co giật toàn thân, trào bọt hồng. Bệnh nhi được chẩn đoán phù phổi cấp, suy tuần hoàn/ sốc phản vệ độ III sau tiêm kháng sinh.

Vượt gần 700km, đặt ECMO cứu bé trai bị sốc phản vệ, phù phổi cấp, suy tuần hoàn - Ảnh 2.

Chuyển bệnh nhi về Hà Nội. Ảnh: BVCC

Ngày 8/6, ngay sau khi bệnh nhi xuất hiện tình trạng sốc phản vệ, các bác sĩ bệnh viện địa phương đã hội chẩn trực tiếp với PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương để đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh nhi.

Sau 1 ngày điều trị bằng các biện pháp hồi sức thông thường, tình trạng của bệnh nhi chưa có sự chuyển biến rõ rệt, SpO2 chỉ duy trì ở khoảng 65% - 70% khi được thở máy cao tần, nếu kéo dài và không áp dụng phương pháp điều trị cao hơn, bệnh nhi chắc chắn sẽ tử vong.

"Trước diễn biến nghiêm trọng của ca bệnh, sáng ngày 9/6, chúng tôi đã xin ý kiến của Ban Lãnh đạo bệnh viện nhanh chóng cử 1 ê-kíp ECMO gồm các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa và Ngoại Tim mạch lên Sơn La hỗ trợ cấp cứu, đặt ECMO, ổn định bệnh nhi và vận chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm để tiếp tục điều trị" - PGS.TS Tạ Anh Tuấn cho hay.

Vượt gần 700km, đặt ECMO cứu bé trai bị sốc phản vệ, phù phổi cấp, suy tuần hoàn - Ảnh 3.

Bệnh nhi được các bác sĩ đặt ECMO và vận chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm. Ảnh: BVCC

ThS.BS Hoàng Thanh Sơn - Khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm Tim mạch cho biết: "Đây là lần thứ 2 chúng tôi di chuyển cả ê-kíp ECMO đến bệnh viện địa phương để cấp cứu bệnh nhân. Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng trước chuyến đi, cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa và 2 bệnh viện, quá trình phẫu thuật đặt ECMO cho bệnh nhi diễn ra tương đối thuận lợi, bệnh nhi đáp ứng tốt sau khi được sử dụng ECMO".

Rất may mắn, với sự chỉ đạo kịp thời của Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; sự sát sao, nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ tại cả 2 bệnh viện, sau 5 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhi đã được rút ECMO và cai oxy. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhi đã cải thiện rõ rệt, tự thở, tỉnh táo và có thể ăn được cháo.

Chia sẻ