Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não dưới góc nhìn pháp lý
Liên quan vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não tại Hà Nội, tối 27/3, cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008; trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Các quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát nhân dân quận Long Biên phê chuẩn và tống đạt đến bị can trong tối 27/3/2024.
Qua quan sát vụ việc, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội phân tích, hiện nay, bị can đang bị khởi tố và bắt tạm giam về “Tội cố ý gây thương tích” (Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Còn trong vụ án cụ thể này, theo luật sư Hùng nạn nhân mới có 14 tuổi nên bị can sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mặt khác, nạn nhân đã bị chấn thương sọ não, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 99% và đang có tiên lượng xấu.
“Với các tình tiết nêu trên, dù nạn nhân có bị chết hay không thì bị can vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với tình tiết định khung tại điểm a hoặc điểm d Khoản này, đó là: “a) Làm chết người” hoặc “d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”, và có khung hình phạt quy định là phạt tù từ 07 năm đến 14 năm”- luật sư Hùng phân tích.
Trong vụ việc này, theo luật sư Hùng, bị can mới 16 tuổi (là người chưa thành niên) nên nếu bị kết án về tội danh này thì cũng sẽ được hưởng mức hình phạt thấp hơn so với người đã thành niên phạm tội.
“Tại Khoản 1 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”- luật sư Hùng nói.
Còn về trách nhiệm dân sự, vị luật sư này cho hay, tại Khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”.
Theo quy định này, do bị can đã 16 tuổi nên sẽ phải bồi thường cho nạn nhân bằng tài sản của mình (nếu có). Nếu bị can không đủ tài sản hoặc không có tài sản để bồi thường thì cha, mẹ của bị can phải bồi thường phần còn thiếu hoặc toàn bộ thiệt hại bằng tài sản của mình.
Mặc dù, cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can nhưng luật sư Hùng nói đây mới chỉ là những kết quả điều tra ban đầu. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ còn phải tiếp tục thực hiện các hoạt động điều tra, xác minh để làm rõ các tình tiết khách quan và các vấn đề cần phải chứng minh của vụ án theo đúng quy định của pháp luật như: Nguyên nhân, diễn biến của vụ án, ngoài bị can ra thì còn có đồng phạm khác tham gia xúi dục, giúp sức hoặc trực tiếp đánh, gây thương tích cho nạn nhân hay không?...
Vì vậy, toàn bộ sự thật khách quan của vụ án, cũng như trách nhiệm pháp lý của bị can và những người có liên quan (nếu có) là như thế nào sẽ còn phải đợi vào kết luận cuối cùng của cơ quan cảnh sát điều tra, cũng như kết quả truy tố và xét xử vụ án.
Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan cảnh sát điều tra thì nguyên nhân của vụ án chỉ xuất phát từ những va chạm, mâu thuẫn trong sinh hoạt đời thường của các em học sinh nhưng lại dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng và vô cùng đáng tiếc.
Đặc biệt là trách nhiệm của người bố (ông T.V.T), mặc dù đã biết được sự việc mâu thuẫn giữa các em nhưng đã không có những hành động phù hợp và cần thiết để giải quyết một cách đúng đắn nhất, cũng như kịp thời ngăn chặn việc các em đánh nhau.
Chính cách xử sự không “hợp tình hợp lý” này đã tạo điều kiện, thậm chí là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến xảy ra vụ án này. Đây sẽ là bài học lớn cho tất cả chúng ta trong việc lựa chọn cách ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn, va chạm của con trẻ, để có thể tránh được những hậu quả không đáng có và hết sức đau lòng như trong vụ án này.