Vụ ly hôn nghìn tỷ: Ông Vũ được 100% cổ phần, bà Thảo vẫn còn cơ hội giành quyền điều hành Trung Nguyên?
Kết thúc phiên tòa phân xử khối tài sản hơn 8.000 tỷ đồng, ông Vũ giành được phần hơn với 60% tài sản và nắm toàn bộ quyền điều hành Trung Nguyên. Tuy nhiên, đây vẫn mới là quyết định sơ thẩm, bà Thảo vẫn còn nguyên cơ hội để giành lại cổ phần từ tay ông Vũ.
Kết thúc phiên xét xử chiều 27/3 tại TAND TP.HCM, vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua đã đến hồi kết.
Vụ kiện bắt đầu từ cách đây 3 năm về trước, với bên nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng phần hơn lại thuộc về ông Vũ khi giành được 60% tài sản và nắm toàn bộ 100% cổ phần tại 7 công ty của Trung Nguyên. Trong khi đó bà Thảo có 40% tài sản, nhưng HĐXX yêu cầu bà Thảo giao toàn bộ cổ phần cho chồng để đổi lấy tiền.
Ông Vũ được nắm giữ toàn bộ cổ phần ở Trung Nguyên sau phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, đó mới là bản án phiên tòa sơ thẩm, đồng nghĩa với việc bà Thảo vẫn còn nguyên cơ hội giành lại cổ phần và quyền điều hành ở Trung Nguyên nếu ra quyết định kháng cáo và thành công ở phiên tòa phúc thẩm.
Theo quy định tại điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của tòa dân sự là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bà Thảo vẫn còn cơ hội kháng cáo trong thời gian 15 ngày sau tuyên án.
Sau khi kháng cáo, nếu được chấp thuận thì sẽ đi tới phiên tòa phúc thẩm và tiếp tục phân xử lại từ đầu.
Như vậy, nếu bà Thảo làm đơn kháng cáo thì sẽ có cơ hội phân xử lại tại phiên tòa phúc thẩm. Đồng nghĩa với việc bà Thảo vẫn còn cơ hội để phân chia lại tài sản và giành lại cổ phần ở tập đoàn Trung Nguyên từ ông Vũ.
Một trường hợp khác, nếu bà Thảo không kháng cáo nhưng phía đại diện VKS cùng cấp có đơn kháng nghị đến TAND về việc phân chia lại tài sản cho ông Vũ, bà Thảo thì cấp phúc thẩm có nghĩa vụ xem xét để đưa vụ án ra xét xử một lần nữa. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra bởi các phiên tòa diễn ra, VKS có ý kiến đồng nhất với HĐXX cấp sơ thẩm.