Vụ hỏa hoạn khiến 56 người tử vong: Trách nhiệm của cơ quan quản lý phòng cháy đến đâu?
Sau khi sự việc xảy ra, dư luận yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm những người liên quan. Đặc biệt, là trong cấp phép xây dựng, công tác quản lý và phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Người liên đới cũng phải chịu trách nhiệm
Vụ cháy căn hộ cao tầng nhiều phòng (thường gọi là chung cư mini) xảy ra khuya ngày 12/9, rạng sáng 13/9 trên địa bàn quận Thanh Xuân đã gây hậu quả nghiêm trọng với 56 người chết, nhiều người bị thương. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ đầu tư để điều tra.
Sau khi sự việc xảy ra, dư luận yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm những người liên quan. Đặc biệt, là trong cấp phép xây dựng, công tác quản lý và phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH thực hành luật Nguyễn Chiến cho rằng, trong vụ cháy vừa qua, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư.
Họ đã vi phạm Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy: "Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC".
Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ
Theo đó, qua thông tin ban đầu, căn nhà được phép xây 6 tầng, nhưng chủ nhà đã xây 9 tầng. Nếu chung cư này muốn đưa vào kinh doanh thì phải có thủ tục bổ sung và phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trường hợp này không có văn bản chấp thuận mà vẫn đưa vào sử dụng nên xảy ra hỏa hoạn thuộc trách nhiệm của chủ nhà. Vì vậy, chủ đầu tư phải trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 313, Bộ Luật Hình sự 2015.
Bên cạnh đó, nếu biết chung cư chưa có văn bản chấp nhận kết quả nghiệm thu về PCCC mà các cơ quan Nhà nước không kiểm tra xử lý thì có trách nhiệm liên đới.
Ngoài xử lý hình sự, chủ đầu tư cùng những người có liên quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những tài sản bị thiệt hại, chi phí chăm sóc sức khỏe người bị nạn của người nhà người bị hại; chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng đối với con nạn nhân đến 18 tuổi, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và các thiệt hại khác liên quan đến hậu quả theo quy định của pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Chiến nói.
Ngoài trách nhiệm chủ chung cư mini phải bồi thường tổn thất theo quy định, nếu chủ thể liên quan tài sản bị thiệt hại có mua bảo hiểm cháy nổ, tai nạn... đối với người và tài sản bị thiệt hại thì cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, đối với trường hợp các nạn nhân tử vong có bảo hiểm xã hội, sẽ được trợ cấp tiền mai táng (nếu đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014); tiền tuất hằng tháng hoặc tiền trợ cấp tuất một lần nếu đáp ứng một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67, khoản 1 Điều 69 Luật BHXH; tiền trợ cấp thôi việc trong trường hợp người lao động đã làm việc từ 12 tháng trở lên…
Tài sản của nạn nhân được xác định và bồi thường như thế nào?
Đối với việc xử lý tài sản của các nạn nhân trong vụ cháy, Luật sư Chiến cho biết, việc đánh giá thiệt hại tài sản sẽ được cơ quan điều tra, xác định giá trị thiệt hại thực tế và Toà án sẽ buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tuy nhiên, bước đầu của quá trình này là thống kê tài sản thiệt hại của các nạn nhân. Theo đó, nạn nhân (còn sống) sẽ thống kê các tài sản bị thiệt hại gồm nhãn hiệu, chủng loại, thời gian sử dụng, hóa đơn chứng từ (nếu còn). Việc định giá sẽ do cơ quan chức năng có chuyên môn tiến hành.
Nhiều tài sản bị thiêu rụi trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ
Đối với tài sản bị thiêu rụi toàn bộ, không còn giấy tờ, Cơ quan tố tụng sẽ trưng cầu cơ quan có thẩm quyền chuyên môn giám định, định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Tuy nhiên, với những trường hợp mất tiền, vàng tức dạng tài sản khó kê khai thì rất khó xác định nên khó có thể bồi thường.
Sau khi thống kê, chủ chung cư sẽ phải bồi thường cho các nạn nhân. Việc bồi thường là trách nhiệm dân sự, nên các bên có thỏa thuận về cách thức, hình thức bồi thường. Ví như, bồi thường bằng tiền, hoặc hiện vật; trả tiền một lần hoặc kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Trường hợp không thỏa thuận được, Tòa án nhân dân sẽ tuyên buộc chủ nhà phải bồi thường ngoài hợp đồng theo Điều 687, Bộ luật Dân sự 2015.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm, đối với trường hợp nạn nhân tử vong thì việc bồi thường sẽ được thực hiện cho người đại diện của hàng thừa kế thứ nhất. Trường hợp cả gia đình tử vong, thì xác định có di chúc không. Nếu không thì xác định diện thừa kế theo pháp luật (thừa kế thế vị nếu có). Nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai (cả vợ chồng, các con, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng đều đã chết) thì sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ hai.
Trường hợp không có người nhận thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật, hoặc có nhưng từ chối nhận di sản thì theo Điều 622, Bộ luật Dân sự 2015, tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.