Vụ cháy máy bay Nhật Bản: Mỗi hành khách được bồi thường 34 triệu VNĐ tiền "an ủi tinh thần" và hành lý bị mất
Japan Airlines đã thông báo mức tiền bồi thường đến từng hành khách.
Tờ tin tức Japan News ngày 4/1 cho hay, sau vụ va chạm nghiêm trọng giữa một máy bay của hãng hàng không Japan Airlines và một máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản trên đường băng tại sân bay Haneda ở Tokyo hôm 2/1, Japan Airlines cho biết họ đang giải quyết bồi thường cho từng hành khách. Không có "trường hợp ngoại lệ", tức là tất cả các hành khách đều có mức bồi thường giống nhau.
Một hành khách nói với tờ tin tức The Yomiuri Shimbun rằng Japan Airlines đã thông báo với họ rằng họ sẽ trả 100.000 yên (tương đương 17 triệu VNĐ) cho mỗi hành khách như một khoản tiền an ủi tinh thần và 100.000 yên nữa là phí bồi thường cho hành lý đã bị cháy. Tổng số tiền bồi thường cho mỗi người là 200.000 yên (tương đương 34 triệu VNĐ).
Japan Airlines cũng tiết lộ có 2 trường hợp thú cưng của hành khách bị kẹt trong hàng hóa và không thể giải cứu được.
Yếu tố "then chốt" giúp toàn bộ hành khách bảo toàn tính mạng
Các chuyên gia cho biết chính việc để lại hành lý là yếu tố "then chốt" giúp hành khách sơ tán an toàn trên máy bay Japan Airlines bốc cháy.
Theo ABC News, bất kỳ ai từng lên máy bay của Japan Airlines chắc hẳn đã xem hoặc nghe đoạn video chi tiết về an toàn cho hành khách được phát trước khi cất cánh. Mặc dù phần lớn nội dung của video là minh họa về cách giữ an toàn mà hành khách có thể thấy trên hầu hết mọi chuyến bay của các hãng hàng không. Tuy nhiên, video của Japan Airlines đi sâu vào chi tiết về cách sơ tán máy bay trong trường hợp khẩn cấp và giải thích lý do tại sao phải áp dụng một số quy tắc nhất định.
"Trong trường hợp va chạm khó xảy ra, hãy giữ tư thế nẹp bảo vệ", video giải thích. "Hãy để lại hành lý khi sơ tán!".
Đoạn video hoạt hình sau đó cho thấy mọi người chen lấn để giành vị trí trên lối đi khi họ đang cố gắng trốn thoát, nhưng bị một người đàn ông đang cố gắng lấy túi của mình từ ngăn trên cao ngăn cản việc rời đi. Nó gây ra sự chậm trễ không cần thiết.
Đoạn video tiếp tục cho thấy người đàn ông đi xuống cầu trượt bơm hơi khẩn cấp, làm hỏng nó khi anh ta kéo chiếc vali hành lý bên cạnh.
Giáo sư Ronald Bartsch, cựu giám đốc điều hành vận tải hàng không của Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng (CASA), tin rằng yếu tố chính tạo nên kết quả tốt là sự tuân thủ của những hành khách trên máy bay.
"Các hành khách chắc chắn đã làm theo hướng dẫn. Từ đoạn video hiện trường mà tôi đã xem, có vẻ như không có hành khách nào mang hành lý của họ ra khỏi máy bay", ông nói.
Ông Brett Molesworth, giáo sư về Yếu tố con người và An toàn hàng không tại Đại học New South Wales (UNSW), cũng đồng ý rằng sự tuân thủ của hành khách dường như là điều phi thường - đặc biệt là đoạn video cho thấy phần lớn, nếu không phải tất cả, hành khách bỏ lại đồ đạc của mình.
"Trong phần lớn các trường hợp, mọi người sẽ cố lấy túi của mình và bạn có thể hiểu phần nào lý do tại sao họ làm vậy. Điều đó chắc chắn sẽ khiến họ chậm lại và gây ra vấn đề khi trượt xuống cầu trượt khẩn cấp mà có hành lý mang theo".
Giáo sư Bartsch nói thêm rằng vụ việc sẽ như một lời nhắc nhở mọi người chú ý đến các hướng dẫn an toàn của phi hành đoàn trước chuyến bay.
Nguồn: Japan News, ABC News