Với đôi chân "chấm phẩy", tôi có nên thổ lộ tình cảm?
Sắc mặt anh bỗng biến đổi khi bị hỏi bất ngờ. Nhưng vẫn giống bao lần trước, anh liếc nhanh xuống đôi chân của tôi rồi khẽ cúi đầu không nói.
Đó là một ngày mùa đông cách đây 5 năm. Buổi sáng hôm ấy, cô em họ hào hứng rủ tôi đi mua sắm đồ vì nó mới nhận được một suất học bổng. Nếu là những lần trước, tôi sẽ nhiệt tình ủng hộ, sẵn sàng làm xe ôm đưa em họ đi mọi ngóc ngách, ghé thăn những shop thời trang “ruột” của hai đứa. Thế nhưng hôm ấy, tôi chẳng thấy thích thú gì với kế hoạch của cô em họ. Tôi đã biện minh đủ mọi lý do, tìm đủ mọi cách để lần khất nhưng cô em họ giỏi chèo kéo, thuyết phục nên tôi không sao từ chối được. Không hiểu sao hôm đó, lòng tôi nóng như lửa đốt, đinh ninh có chuyện gì không hay sẽ xảy đến. Và rồi những lo lắng của tôi cũng đã biến thành sự thật.
Khi hai chị em tôi băng qua đường từ siêu thị ra bãi gửi xe thì bất ngờ từ phía bên kia đường, một chiếc xe ô tô mất tay lái lao thẳng vào chúng tôi. Cô em họ tôi tránh được nên chỉ bị xây xước nhẹ, còn tôi thì bị gẫy xương đùi. Hai tháng nằm viện, cuối cùng tôi đã được trở về nhà. Nhưng đôi chân dài, thẳng của tôi trước đây đã được thay thế bằng đôi chân bước đi những bước đi chấm phẩy. Rồi những lúc thay đổi thời tiết, những cơn đau hành hạ tôi khiến thân thể đau nhức.
Có nhiều lúc, tôi định kết liễu cuộc sống đau đớn này để tìm cho mình sự giải thoát. Thế nhưng mỗi lần định đưa vốc thuốc ngủ vào miệng là tôi lại rùng mình run sợ, nước mắt giàn dụa khi nghĩ đến cảnh đau thương, vật vã của cha mẹ khi phải “tiễn kẻ đầu xanh”. Tôi cán răng chịu đựng những lời cười nhạo của mọi người xung quanh mà gắng gượng sống.
Học xong, tôi xin vào dạy tại một trường tiểu học trong thành phố. Dù đồng lương giáo viên ít ỏi nhưng hàng ngày được tiếp xúc với các em học sinh, được thấy dáng vẻ ngây thơ của chúng là tôi thấy như mình được trẻ lại. Cũng chính nhờ các em mà tôi đã lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống, bớt đi cái nhìn khắt khe và khắc nghiệt.
Và cũng chính tại đây, tôi đã gặp anh – người đàn ông thượng đế giành cho tôi. Anh điền đạm, lịch thiệp, không ồn ào, sa hoa như những người đàn ông khác tôi đã từng biết. Những lúc tôi không vui và thấy mặc cảm với số phận của mình thì anh luôn bên cạnh động viên, an ủi. Ngoài cha mẹ, tôi chỉ có anh là chỗ dựa tinh thần, là chỗ bấu víu trong cuộc sống trớ trêu này.
Không ít lần, tôi cố tình tỏ ra buồn chán, hận đời bất công để được anh vỗ về, an ủi. Chúng tôi nói hết chuyện này đến chuyện khác nhưng cuối cùng tôi chỉ đưa ra một tiếng thở dài và than phiền: “một đứa tàn tật như em sẽ chẳng có được hạnh phúc đâu anh ạ. Anh thấy đấy, có ai muốn lấy một đứa không lành lặn như em làm vợ đâu”. Đáp lại thái độ đó của tôi vẫn chỉ là những lời nói ôn tồn khuyên bảo: “em đừng có tự làm khổ mình như vậy chứ. Ở hiền gặp lành, người tốt như em rồi sẽ có hạnh phúc thôi”. “Thế anh có yêu em không” – tôi liến thoắng đáp lại câu nói của anh. Sắc mặt anh bỗng biến đổi khi bị hỏi bất ngờ. Nhưng vẫn giống bao lần trước, anh liếc nhanh xuống đôi chân của tôi rồi khẽ cúi đầu không nói. Tôi phá lên cười thích thú và trêu anh ngốc nghếch.
Thế nhưng tôi rất muốn được một lần nói chuyện thẳng thắn, muốn nghe anh nói dẫu câu trả lời tôi đã biết trước. Nhưng tôi sợ rằng, nếu tôi nói ra tình cảm thực của mình giành cho anh thì chẳng những tôi tự làm mình đau khổ mà tình cảm an hem thân thiết bấy lâu nay cũng tan biến theo mây khói. Tôi phải làm gì đây?