Vợ... vung tay quá trán
Nhiều lần chứng kiến vợ “vung tay quá trán”, anh không khỏi không suy nghĩ. Cả năm làm lụng mà vợ chồng anh cũng không để dành được bao nhiêu.
Không nghe hết những lời “trình bày” của vợ, anh Trung bực bội cúp máy. Đây không phải là lần đầu tiên vợ anh về trễ. Mà cứ hễ đi với Thùy, cô bạn cùng công ty là anh biết ngay vợ đi mua sắm.
Quả thật, gần 8 giờ tối vợ anh về tới nhà, tay xách nách mang, lỉnh kỉnh túi nọ túi kia rồi hớn hở: “Cu Tý ơi, mẹ có áo mới cho con này. Quần cho bố nữa này, gớm phải đi cả thành phố mới chọn được cái quần tạm ưng ý đấy...”. Thấy vợ hào hứng anh không nỡ trách nhưng trong lòng rất khó chịu. Không phải sinh ra trong một gia đình “có điều kiện” vậy mà không hiểu sao chị Lan, vợ anh lại có thói quen tiêu tiền rất “phóng khoáng”. Hễ thích cái gì là chị mua cái nấy, không cần biết là vật đó có thật sự cần thiết với gia đình không. Dường như chị chưa bao giờ lập kế hoạch cho việc chi tiêu trong gia đình, nên không ít lần chưa hết tháng mà vợ đã kêu hết tiền, trong khi lương hai vợ chồng gộp lại cũng tới gần 2 chục triệu đồng mỗi tháng.
"Vợ mình được cái rất... “vô tư”. Có khi nhà sắp hết tiền nhưng nếu thích lên là sẵn sàng chi. Mới đây, cô ấy mua cái váy tới 2,5 triệu đồng, trong lúc tài khoản chỉ còn hơn 3 triệu đồng. Mà đó đâu phải là lần đầu tiên. Cứ kêu nhà mình sao mãi chẳng khá lên được, trong khi bạn bè mua sắm được hết thứ này đến thứ khác nhưng ngẫm ra mới biết, tiền chạy đi đâu. Nhà mình có 3 người thôi mà cái tủ giày đến hơn 20 đôi. Tủ quần áo cũng tới 4 buồng mà vẫn không chứa hết, phải cất bớt vào trong các bịch lớn bịch nhỏ... Thức ăn hàng ngày thì “khuân” vô tội vạ, bữa nào cũng thừa mứa, chất vào tủ lạnh rồi lâu lâu lại... vứt đi”, anh Trung ngao ngán.
Không phải kiểu đàn ông “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” nên anh không bao giờ khắt khe với vợ về chuyện tiền nong. Ngay khi mới cưới, tiền nong trong nhà anh để vợ quản, hằng tháng có lương, có thưởng anh đều đưa vợ. Tuy vậy, nhiều lần chứng kiến vợ “vung tay quá trán”, anh không khỏi không suy nghĩ. Cả năm làm lụng mà vợ chồng anh cũng không để dành được bao nhiêu.
Ảnh minh họa.
Nhiều lần anh góp ý với vợ về cách tiêu tiền sao cho hợp lý, chị cũng nín lặng nghe nhưng sau lại đâu vào đó. Vì thế, có tháng thấy vợ tiêu bạt mạng, giận quá anh không đưa tiền lương cho vợ nữa... Tuy nhiên, nếu phải duy trì cách làm này, anh Trung thấy cũng không ổn và nhất là không khí gia đình rất nặng nề.
Thực tế, lâu nay người vợ vẫn thường được coi là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Do đó, khi người vợ tiêu tiền “vung tay quá trán” không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà còn tác động tới cách sống của con cái và mối quan hệ vợ chồng. Đa số đàn ông đều mong vợ biết thu vén gia đình. Vì thế, nếu người vợ không được như vậy, người chồng sẽ cảm thấy bị gánh nặng về kinh tế, dễ xung đột với nhau. Mặt khác, khi gia đình thiếu nền tảng kinh tế vững chắc, không có khoản tích lũy, thậm chí phải vay mượn thì hạnh phúc gia đình rất dễ lung lay.
Để việc chi tiêu trong gia đình hài hòa, ngay từ ban đầu vợ chồng cần đặt ra những quy định cụ thể cho việc chi tiêu tiền bạc trong gia đình, đồng thời, đặt ra những mục tiêu lớn hơn như mua xe hoặc xây nhà... Bằng cách này, cả hai sẽ cùng có trách nhiệm để cân nhắc từng khoản chi tiêu hợp lý, cùng nhau tiết kiệm cho mục tiêu phía trước, tình cảm gia đình qua đó cũng được vun vén và bền chặt hơn.n