Vợ rút 20 triệu tiền tiết kiệm gửi bố mẹ đẻ liền bị chồng mắng té tát, câu đáp trả ngay sau đó của chị khiến anh tê tái, quỳ sụp vì ăn năn
Tuấn vội vàng hỏi vợ về số tiền 20 triệu "không cánh mà bay". Vừa nghe Thư nói đã chuyển về cho bố mẹ, anh liền nổi trận lôi đình.
Tuấn và Thư lấy nhau đến nay đã được 6 năm. Vì hai người đều có công việc ổn định với mức thu nhập khá nên chẳng mấy mà họ có "của ăn của để". Tuy nhiên, Tuấn lại là gã đàn ông chi li từng đồng. Mọi chi tiêu trong nhà anh đều bắt vợ phải ghi chép đầy đủ. Có những tháng chị Thư ghi thiếu, thâm hụt khoản tiền nhỏ thôi tầm 200.000 đồng - 300.000 đồng, anh cũng bắt chị phải nhớ lại, nghĩ ra bằng được đã tiêu vào thứ gì thì mới thôi.
Nhưng điều Thư không thích nhất ở chồng đó là sự thiên vị giữa hai bên nội ngoại. Bên nhà chồng anh phóng khoáng bao nhiêu thì đằng nhà vợ anh lại ki kẹt bấy nhiêu. Cả năm may ra vợ chồng anh mới về quê ngoại được 2-3 lần. Nhưng lần nào về anh cũng ngồi tính mua quà gì, bánh kẹo gì để sao cho rẻ nhất.
Có hôm Tuấn buột miệng còn nói: "Bố mẹ thì mình mua bánh kẹo xịn, còn nhà các cô các bác cứ mua loại mấy chục nghìn thôi. Quan trọng là cái tấm lòng thì mình đã nhớ đến họ là được". Thư nhất quyết không đồng ý, bởi họ hàng nhà cô cũng có 1 bác với 2 người dì, chứ nhiều nhặn gì đâu mà anh phải tính toán. Thế là 2 vợ chồng cô cãi nhau 1 trận om sòm. Nhưng vì sợ vợ nói to, hàng xóm nghe thấy, nên cuối cùng Tuấn mới chịu nhường chị 1 nước.
Một ngày nọ, Tuấn đi nhậu với bạn bè. Nhưng vừa ngồi vào bàn, anh đã vội vàng xin phép mọi người và dắt xe máy đi về. Bạn bè hỏi thế nào anh cũng không nói, nhưng hành động của Tuấn gấp gáp vô cùng khiến mọi người lo lắng nhà anh có chuyện gì.
Vừa về đến nhà, nhìn thấy vợ cũng hấp tấp chuẩn bị đi ra ngoài, Tuấn lao đến hỏi Thư: "Em đi đâu đấy, em có rút tiền trong ngân hàng không? Anh thấy báo về bị trừ mất 20 triệu?".
Thư gật đầu, cô nói: "Có, em có rút, em gửi về cho bố mẹ. Mẹ bị đột quỵ, đang cấp cứu ở bệnh viện. Thôi anh quay xe rồi đi cùng với em luôn".
À thì ra Tuấn vội vàng chạy về nhà vì thấy tiền trong ngân hàng bị trừ mất 1 khoản. Nhưng sau khi nghe vợ nói vậy, anh lại nổi giận lôi đình: "Sao lại gửi tiền cho mẹ? Số tiền đó anh đang chuẩn bị mua nhà mới cho vợ chồng mình. Sao em có thể dễ dàng đưa tiền cho người khác như thế. Em mau lấy tiền về cho anh".
Thư ngớ người vì sốc nhưng rồi cô phản kháng: "Mẹ quan trọng hay cái nhà của mình quan trọng hơn? Sao anh nói mà không biết suy nghĩ như vậy?"
"Em mới là không biết suy nghĩ. Mẹ em ốm dặt dẹo cũng mấy năm nay rồi. Sớm muộn gì cũng chết. Sao mình phải tốn tiền chạy chữa. Mà nhà em cũng 4 anh chị em, sao mỗi em phải chi tiền. Em làm gì cũng nên tính toán đi. Tiền mình kiếm bằng mồ hôi nước mắt chứ không phải lá mít hái về đầy rổ. Anh không biết em làm thế nào nhưng từ giờ đến tối em phải lấy tiền về cho anh" - Tuấn mắng vợ xơi xơi.
Cơn giận và uất nghẹn của Thư lên đến đỉnh điểm, cô ném phăng cái mũ bảo hiểm vào tường vỡ tan tành. Thư nói to: "Thế tôi không mang về được thì sao?". "Thì chúng ta ly hôn" - Tuấn đáp.
Không thể chịu đựng được thêm nữa, Thư gật đầu: "Ly hôn thì ly hôn. Cái loại người không biết hiếu thảo là gì, ki kẹt tính toán từng đồng như anh tôi đây cũng không cần. Anh ôm số tiền đó mà sống đến già".
Tuấn vẫn cố cãi cùn: "Ừ cô cứ mang tiền về đây cho tôi. Nhà cô có bao nhiêu người còn không lo nổi, lại trách thằng con rể này không có hiếu". Thư quát lại: "Nhưng bà ấy là người sinh ra anh đó".
Đến lúc này Tuấn mới sững sờ khi nghe tin dữ. Thì ra chiếc điện thoại anh vẫn hay dùng để liên lạc với gia đình bị hết pin nên người nhà anh không thông báo được. Thư ngay sau khi nhận được tin liền vội vàng ra ngân hàng chuyển tiền cho bố mẹ.
Tuấn lắp bắp: "Cái gì, em nói cái gì, mẹ anh bị làm sao? Sao đang khỏe thế lại bị đột quỵ được?". Thư chán nản đáp lại: "Trời mưa mẹ bị trượt chân té ngã, đập đầu xuống đất nên bị máu tụ ở đầu cần phẫu thuật gấp. Mọi người điện cho anh thế nào cũng không được nên gọi cho tôi". Tuấn vội vàng quay xe: "Thế đi thôi, đi thôi".
May mắn ca phẫu thuật diễn ra thành công nên mẹ Tuấn sẽ sớm bình phục và trở về nhà.
Khi mọi thứ đã ổn định, Tuấn mon men tiến lại gần Thư lí nhí: "Anh xin lỗi là do anh sai". Thư thẳng thắn: "Nếu hôm nay người nằm viện là mẹ em thì không biết thái độ của anh có thay đổi 180 độ thế này không nữa? Tuấn ạ, anh nên thay đổi đi. Đừng sống kiểu chi li, cân đo đong đếm từng đồng nữa. Tiền quý giá thật nhưng nó không mua nổi người thân của anh, không mua nổi hạnh phúc của anh đâu.
Anh nghĩ rằng anh ôm số tiền lớn, mua nhà đẹp, đi xe sang thì mọi người kính trọng anh ư, khen anh tài giỏi ư? Anh sai quá sai rồi. Một con người được kính trọng là từ nhân cách của họ, chứ không phải bộ đồ họ mặc, tiền họ tiêu.
Hôm nay em quá thất vọng vì anh rồi. Thì ra từ trước đến nay anh vẫn đặt đồng tiền nặng cân hơn người nhà em. Trong khi anh thấy đấy, em thực sự coi bố mẹ anh như bố mẹ ruột của mình. Tuấn ạ, anh không thay đổi đi thì hôn nhân của chúng ta nên chấm dứt. Em đã quá mệt mỏi sống với người chồng cân đo đong đếm từng đồng. Trước giờ em vẫn nín nhịn anh để nhà cửa êm ấm. Nhưng chịu đựng của con người nó có giới hạn".
Thư nói xong thì xách túi ra về, bỏ mặc Tuấn ngẩn ngơ nhìn theo bóng cô khuất dần. Thực sự anh vẫn chưa hoàn hồn khi nghe tin mẹ mình bị đột quỵ. Nhưng càng lo lắng cho người nhà bao nhiêu, anh càng cảm thấy xấu hổ với Thư bấy nhiêu. Bởi cô đã cho Tuấn thấy, anh sống quá lỗi. Tuấn ngồi bệt xuống hàng ghế ngoài hành lang, vò đầu bứt tóc vì ăn năn.