Vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng, có bị coi là bạo lực gia đình?
"Ở Việt Nam, hai vợ chồng có tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn thẻ ATM của chồng, có bị coi là bạo lực gia đình không?", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường đặt câu hỏi.
Sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Tiếp thu, giải trình về hành vi bạo lực gia đình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (UBXH) Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ khoản 2 về áp dụng đối với người đã ly hôn; thành viên gia đình là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng và con của họ; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi; hoặc bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, do không khả thi và mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, Thường trực UBXH thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không, chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực. Do vậy, Thường trực UBXH đề nghị cho giữ quy định khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật.
Cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn, nếu xét cả đối tượng đã ly hôn thì nhiều trường hợp chưa hợp lý. Ví dụ hành vi bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thành viên gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, nếu xảy ra trong một gia đình hợp pháp thì rất ổn, nhưng trong trường hợp vợ chồng ly hôn, người vợ có thai với người khác mà xử lý người chồng đã ly hôn về hành vi bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc phụ nữ có thai thì không phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, một số hành vi bạo lực gia đình không thể áp dụng đối với người thân của người đã ly hôn. Vì khi nói đến bạo lực gia đình là nói đến hai yếu tố: bạo lực và gia đình. Những thành viên này dự thảo luật không thể hiện rõ họ có chung sống với nhau hay không, nếu họ không cùng chung sống trong một gia đình thì phạm vi này rộng và chưa phù hợp với thực tiễn.
4 nhóm, nhận diện 16 biểu hiện
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường băn khoăn về hành vi ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh.
"Có gia đình con, cháu cuối tuần không chịu đi học mà ra khỏi nhà đi phượt với bạn bè, quan hệ xã hội rất lành mạnh nhưng do nghỉ học nên cha mẹ, gia đình không cho. Như vậy không cho đi thì có bị coi là bạo lực gia đình hay không?", ông nêu.
Về việc cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.
"Về kiểm soát thu nhập, nhiều ý kiến nói ở nước ngoài phong tục khác, dù là vợ chồng nhưng không thể kiểm soát thu nhập lẫn nhau, chồng có tài khoản riêng, vợ có tài khoản riêng. Còn ở Việt Nam, hai vợ chồng có tài khoản chung, thậm chí vợ lấy luôn ATM của chồng, có bị coi là bạo lực gia đình không?", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường đặt câu hỏi.
Giải trình, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc nhận diện hành vi cụ thể về bạo lực gia đình rất khó.
“Ngay các cơ quan truyền thông cũng đặt vấn đề, liệu không nghe điện thoại có phải là bạo lực không”, theo ông Hùng, cứ đi vào từng thực tiễn, từng vụ việc để cố gắng khu trú lại từng hành vi quả thực rất khó.
Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo cố gắng phân ra làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện, cơ bản đã bao quát được tình hình lĩnh vực, đặc biệt nhận diện sâu hơn về bạo lực tinh thần.