ĐBQH: Về nhà vợ hay chồng không nói gì cũng có thể xem là bạo lực gia đình
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) dẫn câu nói “ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”.
Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Góp ý vào dự án luật, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cho biết, dự án Luật liên quan rất nhiều đến quyền con người. Do đó, đề nghị ban soạn thảo rà soát, xem xét để luật tuân thủ Hiến pháp về quyền con người; đảm bảo tính khả thi và đồng bộ với dự án luật khác như Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân sự…
Đại biểu Nam nhấn mạnh hành vi bạo lực tinh thần rất lớn, âm ỉ, nguy hiểm và thậm chí gây tổn thương cả đời. Trong đó có những hành vi chúng ta nghĩ không phải hành vi bạo lực gia đình nhưng thực tế lại là hành vi bạo lực gia đình.
Đại biểu đoàn Hậu Giang lấy ví dụ bố mẹ thương con nhưng đôi khi chỉ cần khen bạn của con, so sánh bạn của con thì cũng khiến các cháu cảm thấy bức xúc, ức chế. Mặc dù những điều này đôi lúc xuất phát từ tình thương, mong muốn con mình tích cực, tiến bộ hơn nhưng lại dẫn đến sự việc không tốt.
Không chỉ với trẻ em, ông Nam cũng nêu rõ với những người lớn thì việc bạo hành tinh thần cũng rất lớn.
“Ví dụ vợ chồng mà suốt ngày bị kiểm tra tin nhắn, hay như ngồi ăn cơm mà khen hàng xóm đẹp trai cũng gây ức chế. Ngoài ra việc về nhà mà vợ hay chồng không nói gì như câu nói “ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”, thì cũng có thể được xem là bạo lực gia đình”, đại biểu Nam nêu ý kiến.
Cũng theo vị đại biểu đoàn Hậu Giang, những hành vi mang tính chất tác động, ảnh hưởng đến tinh thần cũng cần quan tâm. Đề nghị ban soạn thảo quan tâm, nghiên cứu bổ sung thêm quy định về hành vi bạo lực gia đình làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần, từ đó kiểm soát và điều chỉnh hết hành vi nguy hiểm này.
Ép con học cũng là một hành vi bạo lực tinh thần
Góp ý vào dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là cực kỳ quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai cũng như xây dựng những gia đình văn hoá, gia đình không bạo lực trong tương lai.
Theo đại biểu Thoa, trẻ em, trong phạm vi điều chỉnh của dự luật là một trong những đối tượng yếu thế, là người bị bạo lực, có đặc điểm riêng là: Chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế, còn yếu thế hơn những đối tượng yếu thế khác trong gia đình bao gồm phụ nữ, người già, người khuyết tật… Do đó trẻ em cần được xác định là chủ thể đặc thù để có một nguyên tắc riêng; cũng như có một hệ thống các quy định riêng, xuyên suốt trong dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương)
Đại biểu này nêu ví dụ, quy định về 4 loại hình bạo lực: Thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục đối với trẻ em cũng cần được quy định rõ hơn. Đặc biệt là cần cụ thể hóa các hành vi bạo lực về tinh thần: Ví dụ về hành vi chứng kiến bạo lực gia đình; hành vi ép con học cũng là một hành vi bạo lực tinh thần.
“Tôi xin được nói thêm về hành vi ép con học. Cha mẹ ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được liệt kê vào các trường hợp bạo lực về tinh thần. Bởi từ những thúc ép của cha mẹ, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, sẽ dẫn tới sự căng thẳng tâm lý, gây ra những áp lực đối với trẻ em, dần dần tích tụ. Đó có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh về tinh thần, tâm lý như tình trạng trầm cảm hoặc các hành vi quá khích, tự tử”, đại biểu Thoa nêu quan điểm.
Đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, ép con học cũng là một trong những biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. Đây đang là một vấn nạn trong xã hội, làm xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội.
Hiện nay, ngành giáo dục đang nỗ lực từng bước giải quyết vấn nạn này một cách căn cơ, bài bản tại các nhà trường. Nhưng để giải quyết triệt để thì ngoài các nhà trường, còn cần sự chung tay của các gia đình và cả xã hội.
Do đó, quy định hành vi ép con học là một trong những hành vi bạo lực gia đình sẽ góp phần phòng ngừa, xử lý dẫn đến xoá bỏ bệnh thành tích trong môi trường gia đình là rất cần thiết.