Vợ chồng trẻ chi 6 triệu đồng ăn Tết chẳng thiếu thứ gì
Trong khi một số bà mẹ trẻ kêu "méo mặt" vì mấy chục triệu đồng mới lo đủ cái Tết thì cô nàng 25 tuổi mới lập gia đình này lại chỉ cần 6 triệu mà Tết vẫn đủ đầy.
“Không phải cứ ăn Tết to, mấy chục triệu hay mấy trăm triệu
mới vui, nhà mình ăn Tết 6 triệu đồng mà cũng chẳng thiếu thứ gì”, đó là tâm sự
của Dương Phương Yến (25 tuổi) hiện đang sinh sống tại Hà Nội.
Yến cho hay mới lập gia đình vào cuối năm 2015 và đây
là cái Tết đầu tiên cô ăn Tết ở gia đình nhà chồng.
Về quê chồng ăn Tết, lại xa bố mẹ đẻ nên cô cũng có chút
hồi hộp, lo lắng: “Chồng mình ở tỉnh khác nên về nhà chồng sẽ có những trải
nghiệm mới vì từ bé đến giờ mình sống ở Hà Nội, chưa biết không khí và cách đón
Tết ở quê như thế nào”.
Tuy nhiên, vì có bố mẹ chồng thân thiện, luôn chỉ bảo con trai
phải biết yêu thương vợ, bảo ban nhau cho cuộc sống vợ chồng hạnh phúc nên Yến cũng bớt đi phần nào nỗi lo lắng thấp thỏm. “Ở nhà chồng mình rất thoải
mái, cũng chẳng khác nào khi mình ở nhà mẹ đẻ”, cô chia sẻ.
Là cô gái gốc Hà Nội, Phương Yến được thừa hưởng sự đảm đang, tháo vát nên đã tính toán đâu ra đó cho cái Tết sắp tới.
Ngày còn độc thân, Tết nhất cô nàng chẳng phải suy nghĩ tính
toán gì, mọi việc trong nhà đều bố mẹ lo cho hết. Nhưng năm nay, khi đã kết
hôn, cô nàng ra dáng, trở nên biết lo toan và tính toán đâu ra đó mọi thứ.
Phương Yến và chồng đã lên sẵn danh sách các thứ cần chuẩn
bị cho Tết, ước lượng chi phí khoảng bao nhiêu, có phù hợp với tổng thu nhập 8
– 10 triệu đồng của 2 vợ chồng hay không và có thể cân đối các khoản trước khi
mua sắm.
Sống cùng nhà với bố mẹ đẻ ở Hà Nội nên gia đình chị bớt
được một khoản chi rất lớn vì không phải thuê nhà. Số tiền thu nhập của 2 vợ
chồng chủ yếu chỉ để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Với thu nhập 10 triệu đồng, Yến dự tính, Tết năm nay sẽ
chi khoảng 6 triệu đồng. Số tiền còn lại để dành chi tiêu sau tết và tiết kiệm.
"Mình chi tiền mừng tuổi 1,5 triệu đồng; chia lì xì 100.000 đồng mừng tuổi ông bà; lì xì 20 và 50.000 đồng mừng tuổi các cháu.
Tiền mua thực phẩm, đồ ăn khoảng 2 triệu; tiền mua hoa quả,
bánh kẹo 1 triệu; tiền biếu bố mẹ 2 bên 1 triệu và tiền chi phí đi lại của 2 vợ
chồng khoảng 500.000 đồng nữa.
Quất, đào chơi Tết thì mọi năm do bố mẹ mình mua, ở nhà
chồng thì có anh trai chồng mua. Do không cầu kỳ trong việc chơi cây cảnh nên
nhà mình thường mua cây quất nhỏ xinh để ở phòng khách và cắm một lọ hoa giơn
hoặc hoa ly để bàn nước cho đẹp”.
Mứt tết và bánh kẹo... mà cô nàng Phương Yến tự tay làm chuẩn bị cho Tết.
Vì thu nhập của cả 2 vợ chồng không được cao nên để tiết kiệm, Yến cho biết sẽ mua nguyên liệu về làm bánh kẹo và đồ ăn handmade: “Chuẩn bị Tết, mình có bỏ thêm chút thời gian để làm các món handmade như kim chi, bắp giò ngâm mắm, bánh cookies, mứt dừa và kẹo dẻo… biếu hai bên bố mẹ, vừa đảm bảo vệ sinh lại vừa giảm chi phí so với mua ngoài”.
Các khoản chi tiêu tết: - Lì xì Tết: 1,5 triệu đồng + Mừng tuổi ông bà: Mỗi người
100.000 đồng + Mừng tuổi các cháu: 20 - 50.000
đồng - Thực phẩm Tết: 2 triệu đồng - Bánh kẹo: 1 triệu đồng - Tiền biếu bố mẹ 2 bên: 1 triệu
đồng - Tiền tàu xe đi Tết: 500.000 đồng |
Chồng của Phương Yến phụ vợ làm đồ cho Tết.
Nghe mọi người xôn xao ăn Tết mấy chục triệu đồng, trong khi
nhà mình chỉ ăn Tết với 6 triệu đồng, Phương Yến vẫn vui vẻ và cảm thấy hài
lòng. Vì theo cô “có nhiều tiêu nhiều, có ít thì tiêu ít. “Khéo ăn thì no,
khéo co thì ấm”, mình thu nhập thấp thì mình tiêu sao cho cân đối với quỹ lương
của hai vợ chồng.
Cả Yến và anh chồng mới cưới đã thống nhất với nhau rằng không cần quá bày vẽ, cầu kỳ vì theo họ: “Ngày tết vui vẻ, hạnh phúc là khi có đầy đủ gia đình, anh em sum họp. Mọi người trong gia đình cùng chung tay dọn dẹp nhà cửa, bày biện mâm ngũ quả và nấu những món ăn ngày Tết. Không phải cứ ăn Tết to, mấy chục triệu hay mấy trăm triệu mới vui.
Với vợ chồng Phương Yến, điều làm nên không khí Tết là tình yêu thương và sự tươi vui chứ không phải những thứ xa hoa, đắt tiền.
Yến chia sẻ: “Trong dịp Tết gia đình mình thường tổ chức tất niên vào ngày 30 Tết. Mọi người trong nhà phân công nhau lau dọn nhà cửa, bày mâm ngũ quả, cắm hoa. Ngày 27, 28 Tết chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh chưng, gói nem và gói giò. Thực phẩm được mua và chế biến đủ dùng trong mấy ngày Tết tránh dư thừa lãng phí. Những ngày trước Tết tương đối bận rộn nhưng ai nấy cũng đều phấn khởi và vui vẻ”.
Hơn nữa, quan điểm chi tiêu của Yến cũng được bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đôi bên đồng tình nên mọi việc đều êm xuôi, tốt đẹp: “Bố mẹ chồng mình là người khá thoải mái. Chi tiêu Tết sao cho hợp lý, gia đình vui vẻ là được. Ông bà chỉ cần ngày Tết gia đình sum họp đầy đủ, dặn các con không phải mua gì, về quê nhiều đồ ăn sạch”.