Vợ chồng kiểu gì vậy?
Bao nhiêu uất ức dồn nén trong lòng bấy lâu bỗng bùng dậy. Tôi gào lên: “Anh là đồ bất nhân!... Nó không phải con anh đâu!”. Hai cái tát tai như trời giáng khiến tôi té quỵ.
Vợ chồng là duyên nợ. Tôi hoàn toàn tin vào điều đó. Hồi còn đi học, biết bao bạn bè theo đuổi nhưng tôi chẳng để ý ai. Đến khi ra trường, đi làm, cũng không ai khiến tôi vừa lòng. Vậy mà khi gặp Hải trong một lớp Anh văn buổi tối mà tôi là giáo viên, anh là học trò thì mọi thứ đã thay đổi.
Tôi chú ý đến anh ngay từ những buổi lên lớp đầu tiên. Chàng trai có khuôn mặt chữ điền trông nghiêm nghị đến khắc khổ. Anh ít nói, ngại phát biểu và là một trong số ít người lớn tuổi trong lớp học ban đêm. Tôi để ý đến bộ quần áo công nhân anh mặc trên người. Mười lần đủ chục, anh chỉ mặc quần áo công nhân đến lớp.
Sau này yêu nhau, Hải mới nói là lúc ấy anh chỉ có 2 bộ đồng phục và một bộ “đồ vía” dùng cho những dịp lễ lạc quan trọng. Chính vì vậy mà đến lớp thì chỉ “nhất y nhất quỡn” bộ đồ xanh công nhân bạc màu.
Nhà Hải nghèo, cha anh bỏ theo người phụ nữ khác. Anh sống với mẹ và một đàn em 5 đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chính vì vậy, anh phải bỏ học từ năm lớp 8 vào Sài Gòn làm thuê kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Vỉa hè, sân ga, gầm cầu có thời đã là nhà của Hải. Vừa làm, vừa học, đến năm 28 tuổi thì anh tốt nghiệp cấp 3. Được công ty khuyến khích, tạo điều kiện, anh đi học thêm tiếng Anh buổi tối. Nhờ chịu khó, đặc biệt, có cô giáo tận tình chỉ dạy, chẳng bao lâu Hải đã nói tiếng Anh lưu loát và được đề bạt làm trợ lý tổng giám đốc. Tiền lương, thu nhập khá hơn, anh có điều kiện phụ giúp mẹ và các em nhiều hơn.
Hình ảnh người con hiếu thảo, người anh tận tụy đã làm trái tim tôi xao động và quyết định chọn anh dù nhiều người cản ngăn, cho rằng gia đình hai bên không “môn đăng hộ đối”, rằng giữa chúng tôi quá chênh lệch về trình độ học vấn. Bỏ ngoài tai những thị phi, tôi tin Hải sẽ là một người chồng, người cha tốt.
Anh đã không phụ lại niềm tin ấy. Cưới nhau 2 năm, dành dụm được một ít vốn, tôi vay thêm của mẹ 5 cây vàng cho anh mở cơ sở làm ăn. Chẳng biết có phải vì vợ chồng “hạp tuổi” hay không mà anh làm đâu trúng đó. Chỉ 7 năm sau khi “ra thương trường”, anh đã có trong tay bạc tỉ.
Nhưng tiền bạc lại không tỉ lệ thuận với hạnh phúc. Khi tôi sinh đứa con đầu lòng thì tính tình Hải bắt đầu thay đổi. Anh hay quát mắng, thậm chí có lần còn đánh vợ. Nghĩ rằng công việc căng thẳng khiến anh dễ cáu giận, tôi bỏ qua tất cả. Nhưng việc ấy lại cứ lặp đi, lặp lại và ngày càng thường xuyên hơn. Đã mấy lần, trong đầu tôi lởn vởn chuyện chia tay nhưng thương con và lại thấy thẹn với chính mình nên cố chịu đựng.
Tại sao con người có thể thay đổi như vậy? Tại sao trước đây, Hải không thế mà bây giờ lại trái tính trái nết, hung hăng, côn đồ? “Mẹ đã nói rồi mà mày không nghe. Vợ chồng kiểu gì vậy?”- có lần nhìn vết thâm tím trên mặt tôi, mẹ đã nghẹn ngào.
Ngày xưa, lần đầu dẫn Hải về ra mắt gia đình, mẹ hỏi gia cảnh, nguồn gốc. Khi biết anh bỏ học từ bé, có một thời gian lăn lộn kiếm sống trên vỉa hè, sân ga, gầm cầu; đặc biệt là việc cha anh bỏ theo người phụ nữ khác, mẹ đã ngại ngần. Tuy vậy, sau những dằn vặt, giận hờn của tôi, vì thương con, bà đành phải chấp nhận.
Gần đây nhất, vợ chồng gây gổ, giận hờn và không ngủ chung với nhau đến hơn 3 tháng vì tôi phát hiện anh lăng nhăng với cô nhân viên. Sau đó, Hải năn nỉ, hứa hẹn, lại làm lành. Và hậu quả là cái thai trong bụng tôi đã bước sang tháng thứ năm. Nhưng rồi Hải vẫn chứng nào tật ấy. Đôi lúc tôi chợt nghĩ, có phải do nguồn gốc xuất thân mà anh như vậy? Nhưng rồi tôi cũng vội xua ngay ý tưởng đó để không xúc phạm chồng.
Cho đến một ngày, giọt nước đã tràn ly. Chiều hôm ấy, tôi bỗng thấy trong người mệt mỏi lạ lùng. Đón con về, tôi định tắm cho nó nhưng rồi lại mệt đến nổi không làm được. Ngay lúc đó, Hải vừa về tới, tôi nói luôn: “Anh tắm con dùm em”. Tôi chỉ nói vậy nhưng Hải đã quát lên: “Không tắm được thì vứt nó ra đường đi”.
Bao nhiêu uất ức dồn nén trong lòng bấy lâu bỗng bùng dậy. Tôi gào lên: “Anh là đồ bất nhân! Đúng rồi, nó đâu phải con anh. Tôi nói cho anh biết, nó không phải con anh đâu!”. Hai cái tát tai như trời giáng khiến tôi té quỵ. Hải chửi thề. Hải văng tục và bao nhiêu thứ xấu xa trên đời đổ xuống đầu tôi. Lúc đó, tôi chỉ muốn lăn xả vào chồng mà cắn xé, chửi bới; thậm chí muốn lao ra đường hoặc nhảy xuống con sông trước nhà để kết thúc cuộc đời mình...
“Mẹ ơi, tắm cho con đi, con lạnh quá”. Con bé đã cởi quần áo, đứng chờ cạnh nhà tắm nãy giờ. Khi ba đánh mẹ, nó co rúm người lại như sợ cơn cuồng nộ của ba lây sang mình. Nghe tiếng con gọi, tôi sực tỉnh: “Ừ, chờ mẹ chút. Mẹ tắm cho con liền bây giờ”.
Tôi cố gắng đứng dậy, dắt con vào phòng tắm. Bàn tay mềm mại của nó, ánh mắt tròn xoe của nó, giọng nói ngọt ngào của nó khiến tôi bừng tỉnh. Dù sao thì tôi vẫn còn có con, có mẹ, có anh chị. Do vậy mà tôi phải sống. Bằng mọi giá phải sống. Trước hết là vì các con tôi...
Lần này tôi đã quyết định nói với mẹ tất cả. Mẹ gọi Hải về. Sau khi hỏi rõ sự tình, bà nghẹn ngào: “Tụi bây lớn hết rồi, mẹ không muốn xen vào chuyện của hai đứa nhưng vì con Giang là con của mẹ nên mẹ quá đau lòng. Vợ chồng kiểu gì vậy!”.
Hải quỳ sụp xuống chân mẹ tôi van xin: “Con biết lỗi rồi. Con xin lỗi mẹ, xin lỗi vợ con. Con hứa từ nay về sau không còn như vậy nữa. Mẹ thương vợ chồng con, đừng cho Giang ly dị”. Nhưng mẹ tôi lắc đầu: “Ngày trước chúng mày cưới nhau, mẹ có cản được đâu? Bây giờ có ly dị hay không thì hãy tự mà quyết định”.
Tôi không tin Hải sẽ thay đổi và dường như tình yêu dành cho anh cũng không còn. Nhưng cái thai trong bụng đang nhắc nhở tôi về những khó khăn trước mắt khi phải một mình nuôi con.