Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường

MT,
Chia sẻ

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến ngày 13/5 đã có trên 1,22 triệu con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi bị tiêu hủy, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn của cả nước.

Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, tính đến nay, bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn TP đã xảy ra tại 5.163 hộ chăn nuôi ở 895 thôn, tổ dân phố của 293 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Dịch tả lợn châu Phi làm mắc bệnh và tiêu hủy 80.557 con lợn. TP và chính quyền các địa phương đã cấp 67.747 lít hóa chất và 1.945.426kg vôi bột để thực hiện phòng, chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thị lợn như xúc xích, giăm bông, salami (cũng là một dạng xúc xích) từ vài chục ngày đến 1.000 ngày ở dạng thịt đông lạnh.

Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường - Ảnh 1.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến ngày 13/5 đã có trên 1,22 triệu con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi bị tiêu hủy, chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn của cả nước.. Ảnh: Vietnambiz

Đáng chú ý, virus có khả năng chịu được nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút, 70 độ C trong 20 phút; thậm chí ở 100 độ C, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn sống được trong 1 phút. Bên cạnh đó, virus gây bệnh cũng có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 - 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày…

Theo Bộ NN&PTNT, dịch bệnh lây lan nhanh ở phạm vi rộng còn do đường lây truyền của vi rút dịch tả lợn châu Phi rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt. Do buôn bán, vận chuyển giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh xảy ra; sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi còn phổ biến. Trong khi, việc tiêu hủy lợn bệnh, chống dịch tại nhiều địa phương nhìn chung còn những tồn tại, bất cập…

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. Ông Trần Đắc Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Chia sẻ