[Vietsub] Một công ty Scotland đang "cứu thế giới" bằng cách tái chế rác thải nhựa thành những con đường
"Chúng có khả năng giảm khí thải carbon so với đường thông thường. Vậy nên điều đó là rất tích cực. Nhưng thứ chúng ta chưa biết là những con đường này có thể tạo ra bao nhiêu hạt vi nhựa?".
Bạn có biết: 90% nhựa mà chúng ta sử dụng cuối cùng sẽ kết thúc sứ mệnh có ích của chúng tại các bãi rác hoặc trong lòng đại dương.
Và kể từ giây phút đó, chúng sẽ sống tiếp một cuộc đời vô nghĩa đến vĩnh cửu: Làm ô nhiễm môi trường, giết chết các sinh vật biển, phát tán các hạt vi nhựa lẫn vào hải sản, muối, nước và thậm chí cả không khí chúng ta hít thở.
Tái chế nhựa là một giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, tổng lượng nhựa được tái chế hàng năm trên toàn thế giới vẫn không vượt quá 9%. Các công nghệ tái chế nhựa vẫn chưa tối ưu, tới nỗi thành phẩm sử dụng nhựa tái chế còn đắt hơn cả nhựa nguyên sinh.
Làm thế nào để cải thiện được các con số này? Bây giờ, một công ty tại Scotland đã phát minh ra một cách tái chế nhựa cực kỳ độc đáo và hữu ích: lát đường.
Giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa: Tái chế chúng thành nhựa đường
Trong một phóng sự được thực hiện bởi Cbsnews, Christopher Boyle đang đi bộ trên một con đường dẫn vào một lâu đài. Hai bên bãi cỏ và những tòa nhà đã có niên đại từ thế kỷ 17.
Con đường mà Boyle đi trên đó trông chẳng khác gì một con đường bình thường, có cảm giác nó cũng đã ở đó từ thế kỷ 17. Nhưng không, thực tế thì con đường này vừa được lát, bằng rác thải nhựa của thế kỷ 21.
"Bạn sẽ không thể nhận thấy sự khác biệt nào", Boyle nói. Lợi ích sinh thái, môi trường và cả mặt thẩm mỹ đều có thể đạt được, nhờ công nghệ mà ông lựa chọn từ MacRebur, một công ty Scotland đang tái chế rác thải nhựa thành những con đường.
Con đường dẫn vào lâu đài của Boyle sử dụng một lượng nhựa tương đương 750.000 túi nylon và chai lọ các loại, chúng đều là nhựa khó tái chế. Các mảnh nhựa được trộn theo một công thức độc quyền và bí mật của MacRebur. Sau đó, nguyên liệu được đóng gói và vận chuyển đến các nhà sản xuất nhựa đường.
Nhựa tái chế được trộn theo tỷ lệ đặc biệt sẽ thay thế cho bitum, thành phần màu đen, có nguồn gốc từ dầu mỏ có trong nhựa đường làm nhiệm vụ giữ các viên đá dăm lại với nhau.
"Cứ mỗi tấn bitum được thay thế [bằng nhựa tái chế], chúng tôi sẽ giảm thiểu được được một tấn khí thải carbon [cho môi trường]", Toby McCartney, đồng sáng lập và hiện là CEO của MacRebur nói. "Vì vậy, đối với môi trường mà nói, đó chính là con đường phía trước".
Một công ty Scotland đang tái chế rác thải nhựa thành những con đường
MacRebur hiện đặt trụ sở chính của họ tại Lockerbie, Scotland. Công ty đang thực hiện một loạt các dự án đường nhựa trên khắp thế giới - từ đường cao tốc ở Anh cho đến đường phố ở San Diego, nơi MacRebur cũng đang mở một nhà máy mới.
Phóng viên Roxana Saberi của CBS News hỏi: "Vậy, đây có phải là giải pháp lâu dài cho vấn đề [rác thải] nhựa trên toàn thế giới không?"
"Tôi tin là vậy!", McCartney trả lời. "[Nhựa mà chúng tôi tái chế thành đường] là thứ mà không ai khác có thể sử dụng. Nó chỉ có thể bị chôn lấp hoặc thiêu hủy. Nhưng chúng tôi có thể thu gom tất cả số nhựa đó và chúng tôi có thể tái chế nó thành những con đường".
Nhận định về công nghệ tái chế nhựa mới này, Libby Peake, một nhà hoạt động môi trường tỏ ra lạc quan một cách thận trọng.
"Chúng có khả năng giảm khí thải carbon so với đường thông thường. Vậy nên điều đó là rất tích cực. Nhưng thứ chúng ta chưa biết là những con đường này có thể tạo ra bao nhiêu hạt vi nhựa?".
McCartney trả lời: "Hiện không có một hạt vi nhựa nào trên những con đường này ngay cả khi chúng xuống cấp".
Con đường dẫn vào khu lâu đài của Christopher Boyle
Nhưng Boyle nói rằng kể từ khi con đường được ông lát nhựa tái chế, đã ba năm về trước, cho tới nay nó vẫn ổn. Cả ông và McCartney đều tin rằng giải pháp của MacRebur có thể ngăn chặn "đại dịch" ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra trên toàn thế giới.
Boyle nghĩ rằng nếu nhiều người biết đến những con đường tái chế của MacRebur giống như ông, họ sẽ không ngần ngại sử dụng giải pháp độc đáo này. Trải nhựa những con đường bằng nhựa tái chế, đó là một cách để giúp những đồ nhựa bị vứt bỏ không trở thành vô dụng.
Tham khảo Cbsnews