Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của mây phóng xạ

Theo Dân Trí,
Chia sẻ

Mây phóng xạ đã lan rộng đến nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đến chiều 27/3, ba trạm quan trắc của Việt Nam vẫn chưa phát hiện bất thường nào về phóng xạ trong khu vực nội địa.

Báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, hầu hết các trạm quan trắc thuộc tổ chức giám sát phóng xạ quốc tế (CTBTO- Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện) ở bắc bán cầu đã phát hiện thấy phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện hạt nhân Nhật Fukushima I.

Trạm quan trắc JPP38 đặt tại Nhật Bản nằm gần nhà máy Fukushima I phát hiện được ít nhất 3 hạt nhân phóng xạ từ phản ứng kích hoạt và khoảng 13 hạt nhân phóng xạ từ phản ứng phân hạch.

Các ô hình tròn màu vàng và màu tím là vị trí các trạm quan trắc phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ. (Ảnh: VAEI)

 
Hướng gió đang đẩy đám mây phóng xạ di chuyển về phía Thái Bình Dương và tiến vào Hoa Kỳ và Canada, hiện đã qua Đại Tây Dương và chạm đến Châu Âu, nên các trạm quan trắc đặt tại Hoa Kỳ và Canada đều phát hiện được các hạt nhân phóng xạ từ phản ứng kích hoạt neutron và nhiều hạt nhân phóng xạ từ phản ứng phân hạch. Còn các trạm đặt tại Châu Âu như Nga, Thụy Điển, Na Uy, Iceland chỉ phát hiện được chất phóng xạ I-131.

Tại Đông Nam Á, trạm tại Phillipines đã phát hiện thấy các hạt nhân phóng xạ còn trạm đặt tại Malaysia vẫn chưa phát hiện được gì, vì đám mây phóng xạ vẫn chưa tới khu vực này. Theo hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ cho vùng Đông Nam Á, hiện có một hướng di chuyển xuống phía Tây Nam đối với vị trí của nhà máy điện Fukushima I. Đến ngày 27/3 mây phóng xạ  vẫn có xu hướng tiến đến Indonesia và Malaysia và chưa vào lãnh thổ Việt Nam.

Các trạm thuộc CTBTO có độ nhạy cực cao có thể phát hiện được các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển. 
 
 

Chia sẻ