Vì sao cái làng nhỏ bên sông Hồng này lại có những chiếc chậu nhựa màu đỏ treo cao?
Tìm đến làng chài Bến Gốm ven sông Hồng, đập vào mắt không phải là những chiếc thuyền phong sương được buộc sát nhau, mà là những... chiếc chậu đỏ được sáng tạo thành máy điện gió.
Có một làng chài nghèo ven bờ sông Hồng tên là Bến Gốm, dù tại đó chẳng có ai làm gốm. Dân cư sống ở đây toàn người lao động nghèo, bám trụ lấy những chiếc ghe thuyền cũ kỹ, dầm mưa dãi nắng tả tơi để sinh hoạt và có chỗ để chui ra chui vào. Nó sẽ là một làng chài bình thường như bao làng chài khác, nếu như không có… những chiếc chậu nhựa màu đỏ nổi bần bật trên các nóc thuyền, quay tít, và rất quan trọng với đời sống nghèo nàn nơi đây.
Những con thuyền gỗ cũ kỹ nằm san sát nhau, được neo cố định làm chỗ ở cho hàng chục con người, thuộc địa bàn phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Những chiếc cột kim loại gắn 4 cái chậu đỏ chót như thế này trông có vẻ không ăn nhập với khung cảnh, nhưng nó là điểm nổi bật khiến làng chài trở nên khác biệt. Nó chính là cối xay gió tự chế giúp người dân ở đây có điện sinh hoạt.
Trước đây cư dân Bến Gốm thường phải mua điện câu từ khu phố gần đó, với giá 4.000 – 5.000 đồng/ kW, nay nhờ mấy chiếc chậu mà tiết kiệm được chi phí rất nhiều.
Kiến trúc sư Cường là người đã giúp đỡ các hộ gia đình ở làng chài nghèo xin tài trợ máy điện gió tự chế, với chi phí 1 triệu đồng/ bộ. Anh đang bảo trì thiết bị cho một hộ trong làng.
Cơ chế hoạt động của máy điện gió rất đơn giản, tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên dồi dào trên sông Hồng để tạo ra nguồn điện miễn phí cho người dân sử dụng. 1 chiếc “cối xay gió” với 4 chậu nhựa có thể tích được lượng điện đủ thắp sáng 1 bóng đèn 9W trong 3h đồng hồ.
Nhà chị Thảo có khá nhiều đồ dùng điện: "2 tháng nay từ lúc lắp chiếc cối xay “nhỏ mà có võ”, gia đình tôi tiết kiệm được một khoản lớn, đủ để trang trải chi phí khác trong cuộc sống hàng ngày". Chị vui vẻ tâm sự.
Mấy nhóc tì nhà chị Thảo khá nghịch ngợm, không gian nhỏ bé ảm đạm quanh chúng trở nên tươi vui và nhiều thứ thú vị hơn khi có thêm điện để dùng mỗi ngày. Trong lúc mẹ cặm cụi nấu cơm, thì chúng vui vẻ khám phá chiếc điện thoại “kỳ diệu”.
Anh Nguyễn Tuân sống cạnh nhà chị Thảo, anh cho biết gánh nặng cơm áo gạo tiền đã bớt đi nhiều từ ngày có mấy chiếc “chậu xay gió”.
Anh cũng giống như nhiều người khác ở làng chài, làm nghề tự do, mưu sinh kiếm sống bằng đủ việc chân tay lao động vất vả.
Chẳng biết tương lai có tốt đẹp hơn không, nhưng với những con người quanh năm thiếu thốn nơi đây, có điện dùng miễn phí là điều còn quý hơn vàng bạc.
Các hộ gia đình ở làng chài nhỏ quen sống gần gũi với thiên nhiên, nên mọi thứ sẵn có vùng ven sông đều được tận dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Cái gì cũng có thể tái chế làm đồ dùng, trồng rau, đựng nước… và quan trọng nhất bây giờ là cối xay mini chạy bằng gió.
Những chiếc chậu đỏ rẻ tiền với người khác là bình thường, nhưng tại làng chài Bến Gốm, nó trở thành nguồn năng lượng sống, mang theo khát vọng đổi đời, thoát nghèo của bao con người lầm lũi, chở theo ước mơ của các em bé gắn bó với sông nước từ lúc lọt lòng...