Những thân phận phụ nữ làng chài mưu sinh trên cát
Mỗi ngày, khi con nước rút, hàng chục phụ nữ, trẻ nhỏ ở vùng ven biển Nghĩa Hưng (Nam Định) đổ xô đi đãi dắt, kiếm miếng cơm, manh áo.
Dân miền biển gọi những con lớn chỉ bằng đầu ngón tay, vỏ cứng, sinh sống ngoài biển là con dắt. Ngoài con vạng bán với giá đắt, thì đãi dắt cũng là một nghề “kiếm cơm” của những người dân ven biển.
Chỉ cần một công cụ khá đơn giản, chiếc cào và một chiếc túi lớn có mắt lưới dày là những người phụ nữ này có thể “tác nghiệp” dễ dàng. Mỗi ngày, mỗi người cũng có thể đào được vài chục kg tùy theo sức lao động. Mỗi kg dắt đem ra chợ bán với giá 800 đồng - 1.000 đồng.
“Con to một chút thì nhặt nấu canh, nấu cháo, ăn cũng ngọt lắm, lại đỡ tốn tiền mua thực phẩm. Con nhỏ thì mang ra chợ bán cho người ta mua về làm mồi cho cua, cá. Khéo làm thì mỗi ngày cũng được vài chục nghìn,” một tay giữ cán cào, một tay ghì chặt vào đầu cào, dồn hết sức của mình ấn mạnh xuống và xúc lên từng mảng cát bùn để đãi, người phụ nữ tên Nga cho biết.
Với những công cụ đơn giản, những người phụ nữ này đang kiếm kế sinh nhai
Bãi biển Nghĩa Hưng một buổi trưa nắng gắt, hàng chục người phụ nữ hì hụi đào, bới để kiếm những con dắt nhỏ xíu vùi mình sâu dưới lớp cát. Luôn tay quệt những giọt mồ hôi đổ ròng ròng xuống gương mặt đen sạm nắng gió miền biển, chị Hải (Nghĩa Phúc, Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết: “mỗi đêm, chị em chúng tôi thường rủ nhau đi đãi vạng, ngày nào không đãi vạng lại tranh thủ đãi con dắt. Đãi dắt dễ hơn, cũng đồng nghĩa với việc nhận được ít tiền hơn. Nhưng cứ ở nhà chơi mãi thì chẳng biết lấy gì mà sống, đành phải mưu sinh thôi.”
Vợ chồng chị sinh được 3 đứa con, chồng chị và con trai lớn theo những tàu đánh cá đi ra ngoài khơi xa, vài ba ngày mới về nhà một lần. Trước, khi xăng dầu chưa đắt đỏ như bây giờ, nguồn cá, mực lại dồi dào nên lúc nào tàu trở về cũng đầy khoang. Nhưng mấy tháng nay, khoang cá cứ vơi dần, rồi ít hẳn, chị đành ra biển đãi dắt kiếm thêm thu nhập. “Hàng ngày, tôi dậy từ đêm, cùng với các chị em trong làng đi đãi vạng, sáng về lại lên bờ này đãi dắt. Trưa đến lại nai lưng trên cánh đồng muối. Đến đêm về thấy mỏi nhừ lưng, nhưng vì kế sinh nhai, chẳng thể nào khác được.”
Hai cô con gái của chị được nghỉ hè, cũng phụ mẹ đãi dắt ngoài biển, chúng bảo cố gắng trong hai tháng hè, sẽ ki cóp một khoản tiền nhỏ để mua sách vở, quần áo vào đầu năm học mới.
Nghe hai đứa trẻ tóc vàng hoe vì cháy nắng, da đen nhẻm cười nói hồn nhiên khóe mắt tôi bỗng cay cay...
Thành quả sau một ngày "bám biển"
Kế bên ba mẹ con chị Hải, chị Hoa (Nam Điền, Nghĩa Hưng) nhanh tay đãi cát, đổ dắt vào bao, nói: “hôm nay được nhiều, hơn chục cân cũng được hơn chục nghìn. Cộng với tiền lãi đãi vạng cũng được hơn năm chục. Không biết cuối tháng có đủ tiền cho thằng cu lên thành phố thi đại học hay không?,” người mẹ thở dài.
Nhìn bóng dáng gầy guộc, nhỏ bé của người mẹ này giữa biển khơi, tôi không khỏi chạnh lòng, không biết một tháng “bám biển” của chị, có đủ tiền cho cậu con trai lên thành phố dự thi đại học? Và cũng không biết sức mạnh ở đâu, đã tiếp cho đôi tay phồng rộp ấy không ngừng xúc, đãi những con dắt bé nhỏ, biến giấc mơ được ngồi trên ghế giảng đường của cậu con trai thành sự thật...