Khát vọng làng chài

Đinh Liên - Theo PLXH,
Chia sẻ

Không giống như các làng chài ven sông, ven biển, làng chài Cửa Vạn nằm tách biệt với đất liền. Từ bao đời nay, cư dân nơi đây lấy mặt nước làm mặt đất, lấy thuyền bè làm nhà ở.

Cuộc sống mưu sinh với biết bao nhọc nhằn vì miếng cơm manh áo. Cảm xúc vui buồn cũng tùy thuộc vào những khoang cá đầy vơi sau một ngày chài lưới…

Cách trung tâm thành phố Hạ Long hơn 2 giờ tàu chạy. Làng chài Cửa Vạn (Hạ Long, Quảng Ninh)  nằm êm đềm dưới chân núi Ngọc. Cư dân Cửa Vạn ngày đêm đối mặt với sóng gió và những lo toan thường nhật, từ chuyện ăn ở, học hành, đến ma chay, cưới hỏi.

Sống ở nơi đầu sóng, ngọn gió.

Chúng tôi tìm đến nhà trưởng khu Nguyễn Văn Tro vào một chiều muộn. Dù đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng người đàn ông suốt một đời kình ngư sông nước vẫn hết sức minh mẫn, khỏe mạnh. Nhanh tay bốc mồi cho cá ăn, ông tâm sự: “ở đây mấy thế hệ, biết bao phận người cứ loay hoay không đi đâu xa ngoài cái vùng biển tuy lớn mà nhỏ này, sống ở biển, là con của biển đến chết rồi cũng trở về với biển.”

Căn nhà nổi mái lá xiêu vẹo của ông là nơi sinh sống của 4 thế hệ trong gia đình. Mọi sinh hoạt của hơn 20 con người chỉ bó hẹp trong không gian 20m2, thiếu thốn, chật chội. 

Không có đường điện, gia đình ông phải dùng máy phát, từ khi xăng dầu lên giá, chiếc máy phát điện mua về cũng đành bỏ không. Thứ ánh sáng duy nhất cho sinh hoạt buổi đêm là ánh trăng hoặc leo lét những ngọn đèn dầu.

Giống với gia đình ông Nguyễn Văn Tro, cuộc sống của 120 hộ gia đình với hơn 600 nhân khẩu nơi đây nổi lênh theo con nước. Nhà ở tạm bợ, miếng ăn được bữa nào hay bữa đó. “Ngay đến nước ngọt cũng phải tiết kiệm nói chi đến trạm y tế, mỗi năm cũng có đến vài người chết trên đường trở về đất liền để cấp cứu,” cô Lê Thị Điểm, một ngư dân cho biết.

Ở Cửa Vạn, những thuyền chài chỉ có bóng người phụ nữ một thân một mình nuôi 4, 5 đứa con nhỏ không còn là chuyện lạ. Sau mỗi mùa mưa bão, làng chài lại có thêm những người đàn ông đi biển không trở về. Nén tiếng khóc trong lòng, những người phụ nữ lại ra khơi thay chồng gánh vác việc gia đình, nuôi những đứa con khôn lớn.
 

Những ngôi nhà nổi giữa mênh mông sóng nước

Buông tay chèo lưới, quệt vội dòng mồ hôi lăn trên khuôn mặt sạm đen, hốc hác, chị Đỗ Thị Yến ngậm ngùi kể: “mùa bão năm ngoái, bố thằng Ngọc (con trai chị) bị lật thuyền trôi mất xác, để lại mình tôi nuôi 4 đứa con thơ, cơ cực lắm.”

Thằng bé Ngọc, đứa con lớn của chị năm nay mới 10 tuổi, nhưng cũng phải phụ mẹ ra biển giăng lưới nuôi các em. Đêm đêm, hai mẹ con oằn mình kéo lưới, tảng sáng về nhà chợp mắt được một lúc lại đi bán hàng rong trên biển hay đi đập hà kiếm bữa cơm chiều.

Nếp sống nghèo, bình lặng và quẩn quanh đã ăn sâu bén rễ vào tâm trí những ngư dân nơi đây. Suốt một đời làm nghề chài lưới, chỉ lo cái ăn thôi chưa đủ, chuyện làm giàu cũng chẳng ai nghĩ tới. Cho nên, từ bao đời nay, vòng xoáy của sự túng thiếu cứ thế đeo đẳng, bám riết lấy những phận người ngày đêm chỉ mong sao cho “trời yên bể lặng.”

Cuộc mưu sinh của những đứa trẻ

Sinh ra trên những con thuyền là nhà giữa bập bềnh sóng nước. Ngay từ khi mới lọt lòng, những đứa trẻ làng chài đã phải theo cha mẹ ngược xuôi kiếm sống. Hầu hết chúng đều biết bơi lội trước khi biết đi. Mới ba, bốn tuổi đã được người lớn cho xuống biển dạy bơi, lặn, lên năm, sáu tuổi đã tự chèo thuyền lao vào cuộc mưu sinh.

Công việc hàng ngày của những đứa trẻ nhỏ thó, đen nhẻm là chèo thuyền đi bán hàng rong, đi vớt rác, ăn xin từ những khách trên tàu du lịch hay đập hà kiếm sống.
Trưởng khu Nguyễn Văn Tro ngậm ngùi nói: “đó là cuộc sống của hầu hết những đứa trẻ sinh ra tại đây, cha mẹ chúng làm còn không đủ ăn, nói gì đến lo cho tương lai của con cái. Mấy tuổi đầu nhưng cũng phải tự lực cánh sinh chứ biết làm sao được.”

Thoạt nhìn, chúng tôi không nghĩ cậu bé Nguyễn Văn Tùng mới 7 tuổi. Gương mặt sạm đen, già trước tuổi và mái tóc hoe hoe nắng. Một tay cầm búa, tay kia đập hà, Tùng bảo tôi: “vết sẹo này là do một lần vô ý em bị hà xẻ, chỉ băng bó qua loa rồi lại làm tiếp. Không ngờ lâu ngày vết thương bị nhiễm trùng nặng, mưng mủ rồi lở loét. Đến nỗi mẹ phải đưa em vào tận đất liền chữa trị, tốn kém lắm.” Tùng là lao động chính trong gia đình, một ngày đập hà em cũng kiếm được 2, 3 chục nghìn đủ cho bữa cơm của mấy mẹ con trong những ngày khốn khó.
 



Từ nhỏ, những đứa trẻ đã biết mưu sinh kiếm sống

Cô bé Lê Thị Thơm năm nay 15 tuổi. Hàng ngày, em chèo thuyền đi bán hàng rong, lúc thì mớ rau, con mực, con cá…cho những hộ gia đình sống quanh đây, hay cho những khách du lịch đi ngang qua làng chài.

Dù đã quên viết chữ tiếng Việt, nhưng Thơm lại giao tiếp tiếng Trung khá tốt. Khi những khách du lịch Trung Quốc sang đây ngày một nhiều, em đã học lỏm được tiếng từ ba năm trước. Thơm tâm sự: “cả làng chài này, con trai lớn lên theo cha đi đánh lưới, con gái thì bán hàng rong, mà đứa nào cũng thạo tiếng Trung hơn viết chữ tiếng Việt. Dù sao bán hàng cho khách nước ngoài cũng được nhiều tiền hơn.”

Ngoài việc bán hàng rong, Thơm còn đi vớt rác trên biển, số rác vớt được, em sẽ mang về phân chia ra các loại để gửi về đất liền bán cho những người thu mua phế liệu. Tất bật với công việc mưu sinh, nhưng đồng tiền lãi một ngày cũng chẳng đáng là bao. Với số tiền ít ỏi đó, Thơm phải lo tiền sinh hoạt cho 2 em nhỏ và thuốc thang cho bệnh thấp khớp của mẹ mỗi khi trái gió, trở trời.

Nhọc nhằn con chữ

Tính đến nay, Cửa Vạn không có ai học đến lớp 6. Việc về đất liền học tiếp bậc trung học cơ sở vẫn chỉ là ước mơ xa xỉ với các em.

Cậu bé Nguyễn Văn Ngọc năm nay bước vào lớp 1. Em háo hức được đi học lắm, nhưng chỉ học được 2 tuần lại phải bỏ dở. Đến cái tên mình em cũng chưa đánh vần nổi, chưa viết được cho tròn vành rõ chữ. Ngọc buồn rầu kể về hoàn cảnh gia đình: “bố em đi biển bị lật thuyền, em thương mẹ một mình vất vả nuôi 3 anh em nên nghỉ học phụ mẹ kiếm sống. Không có thời gian để đi học được nữa, mà có đi học cũng không theo kịp các bạn.”

Cuộc sống làng chài khổ cực là thế, bão biển liên miên, cá mực cũng ngày một ít. Mỗi năm, sau mùa mưa bão, lại có thêm những đứa trẻ phải nghỉ học vì kế sinh nhai.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng có 4 đứa con, cái ăn còn chưa đủ, nên chuyện học hành của các con anh chị cũng chưa dám nghĩ tới. Đứa con lớn của anh  năm nay đã 14 tuổi, nhưng không biết chữ. Khi được hỏi sao không cho chúng đi học xóa mù, anh chỉ trả lời gọn lỏn: “học để làm gì, cái chữ có làm no bụng, có thay được cơm, cá ở xứ biển này không?

 


Lũ trẻ làng chài không được học hành, chúng phải mưu sinh kiếm miếng cơm, manh áo.

Những đứa trẻ thất học đã vậy, nhưng những đứa học hết lớp 5 rồi nghỉ cũng rơi vào tình trạng tái mù chữ. Cô bé Lê Thị Thơm xin số điện thoại của chúng tôi. Nhưng cầm bút lên em loay hoay mãi không biết viết tên chúng tôi thế nào cho đúng. Cười ngượng nghịu, cô bé giải thích: “lâu không đi học nên em cũng quên mất chữ rồi chị ạ. Nhiều lúc em buồn lắm khi thấy mình thiệt thòi hơn các bạn trên đất liền, dù sao mình cũng là người thất học.”

Có lẽ vì thế mà lớp 1, lớp 2 của trường tiểu học Hùng Thắng không thiếu cảnh những đứa trẻ dù đã 14, 15 tuổi nhưng vẫn xin học lại vì lỡ quên mất  chữ.

Hiện ở xóm chài có khoảng 70 trẻ trong độ tuổi đến trường thì chỉ có hơn 40 trẻ được đi học. Nhưng hầu hết, chúng cũng không đi được hết đoạn đường cấp 1 vì phải nghỉ học giữa chừng phụ cha mẹ tìm kế sinh nhai. 

Gánh chữ ra khơi

Nằm xen lẫn  những khu nhà thuyền ổ chuột giữa mênh mông sóng nước là lớp học di động. Mỗi lần có bão, cả trường lớp, thầy trò cũng phải di chuyển theo con nước. Trường học chỉ có 2 lớp, thêm một chiếc giá nhỏ xếp sách giáo khoa, sách tham khảo, tập truyện cũ mới từ các nguồn được xếp rất ngay ngắn. Đó là thành quả vận động đóng góp trên đất liền hàng tháng trời của 2 cô giáo trẻ.

Để xóa mù cho Cửa Vạn, có những người trẻ đã tình nguyện rời đất liền đến xóm chài dạy học không lương. Cô giáo Lê Thị Phương và Nguyễn Thị Nga là hai cô giáo trẻ đầu tiên đến làng chài Cửa Vạn. Việc đi lại vất vả, khó khăn, sợ ảnh hưởng đến  học tập của các em nhỏ nên hai cô giáo ở lại luôn với làng chài. Thường thì một tuần, nhưng cũng có khi cả tháng hai cô giáo mới trở về đất liền thăm nhà một lần.

Sáng sáng, cư dân làng chài đã quá quen với hình ảnh cô giáo Phương chèo thuyền gọi trẻ đi học. Trên thuyền là những tập bút, sách được đựng trong những túi ni lông nhỏ. Cô Phương tâm sự: “sách, bút, vở các em để lại lớp, để các em cầm về thuyền là hôm sau sách đi đằng sách, bút đi đằng bút.

Phải mất đến 30 phút chèo thuyền quanh Cửa Vạn, học sinh của cô mới lục tục chèo thuyền đến lớp học, có em vừa đi đánh cá ngoài khơi với cha mẹ về, quần áo còn ướt sũng cũng vội vào lớp cho kịp giờ học.

Những ngày đầu tới Cửa Vạn,  buổi học đầu tiên các em không chịu học bài mà chỉ xúm xít vây quanh cô giáo hỏi: “trông đất liền nó thế nào ấy cô nhỉ?”. Thương các em, hai cô giáo trẻ cứ ôm học sinh khóc mãi.


Chị Đỗ Thị Yến đang chuẩn bị lưới cho một đêm đi đánh bắt: "đàn bà đi biển mồ côi một mình, cực lắm em ạ!"

Ngoài những giờ dạy trên lớp, học sinh nào yếu kém, không kịp tiếp thu bài học hay lỡ bỏ buổi ra khơi giăng lưới cũng được các cô kèm cặp thêm cho tiến bộ. Nhiều khi, đến 10 giờ đêm lớp học vẫn còn sáng đèn.

Anh Trần Văn Hạnh, người lái đò của làng chài cho biết: “làng chài này thương hai cô giáo lắm, không ai thu tiền đi đò của cô giáo cả. các cô còn dạy đến 10 giờ đêm cho trẻ làng này không tiếc công, tiếc sức, nói chi đến mấy đồng bạc.”

Mỗi tháng, khoản trợ cấp cho các cô chỉ vẻn vẹn có 250.000 đồng/tháng. Chi tiêu cho cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng các cô vẫn thường xuyên  trích số tiền ít ỏi đó để mua bút, sách tặng cho những trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Năm 2005, cô Phương và cô Nga có quyết định chuyển công tác về đất liền dạy học. Hôm chia tay, cả cô và trò đều khóc. Ngư dân làng chài cùng các em nhỏ đã viết một lá đơn. Ai biết chữ thì kí, không biết chữ thì điểm chỉ xin cô hiệu trưởng cho hai cô giáo được dạy thêm 1 năm nữa. Vậy mà đã 9 năm nay, cô Phương và cô Nga đã gắn bó với làng chài như nơi chôn rau cắt rốn.

Cô giáo  Nguyễn Thị Nga tâm sự: “chỉ lo mai này khi học hết lớp 5, không có điều kiện đi học tiếp, các em lại quên mất chữ thì sẽ tái mù mất thôi.”

Chúng tôi chia tay làng chài vào một buổi sớm. Khi bình minh đang bắt đầu ló rạng trên những căn nhà nổi xiêu vẹo trên sóng nước. Những ngư dân đang trở về sau một đêm mòn mỏi mưu sinh. Tiếng trẻ thơ đọc bài ê a phá tan bầu không khí bình lặng ẩn đằng sau những gương mặt lam lũ, sạm đen vì nắng gió. Chúng tôi vẫn cảm nhận được sâu thẳm trong lòng họ đang ấp ủ những khát khao vượt ra khỏi làng chài nhỏ bé. Nơi đó, có những ước mơ giản dị chỉ cách bờ không xa…

Chia sẻ