Vì sao ai cũng hiểu tiết kiệm tiền rất cần thiết, nhưng làm được chẳng có mấy người?
Những khoản chi tiêu tưởng chừng nhỏ bé nếu tích lũy trong thời gian dài cũng trở thành khoản tiền đáng kể.
Từng có một bài báo với tiêu đề rất hấp dẫn: “Không có mẹo tài chính nào cả, người khác chỉ dùng tiền uống cà phê mỗi ngày mà có thể tiết kiệm được 2,4 tỷ đồng”.
Bài báo này đề cập đến một khái niệm: "The Latte Factor", hay còn gọi là Hiệu ứng ly cà phê.
Tác giả tài chính người Mỹ, nhân vật truyền hình, diễn giả truyền động lực, doanh nhân và người sáng lập FinishRich.com, David L. Bach, người đặt ra khái niệm này, kể câu chuyện trong cuốn “The Latte Factor: Why You Don't Have to Be Rich to Live Rich” như sau:
Một cặp vợ chồng uống latte mỗi sáng. Mặc dù một tách cà phê chỉ có giá rất “bèo” nhưng sau khi thói quen này được tiếp diễn suốt 30 năm liên tục, tổng số tiền chi tiêu lên tới hơn 2,4 tỷ đồng (đã quy đổi tiền tệ).
Sau khi đọc câu chuyện này, hẳn rằng nhiều người thấy rất hợp lý, vì có thể nhiều bạn bè, đồng nghiệp của bạn đã quen với việc uống một tách cà phê vào mỗi buổi sáng, nếu tính tổng chi cho khoản cà phê này trong một năm thì có thể đủ cho một chuyến đi du lịch.
“Latte Factor” trong lý thuyết của David L. Bach không chỉ đề cập đến cà phê latte mà còn bao gồm những khoản chi tiêu nhỏ không cần thiết trong cuộc sống khác như thuốc lá, trà sữa, đồ ăn nhẹ… Vì những khoản chi tiêu tưởng chừng nhỏ bé này nếu tích lũy trong thời gian dài cũng trở thành khoản tiền đáng kể. Sự mất cảnh giác trước những khoản chi nhỏ khiến chúng ta rỗng túi lúc nào không hay. Tiết kiệm tiền cũng trở nên xa vời khi vấn đề nhỏ nhất không được giải quyết.
Thật sự không ngoa khi nói: Tiết kiệm tiền là chuyện ai cũng hiểu, nhưng thật sự tiết kiệm được thì chẳng có mấy người.
Do đó, để tiết kiệm một cách hiệu quả, mỗi người cần phải bắt đầu từ những khoản chi tiêu nhỏ nhất. Quan sát, nhìn nhận, ghi chép, lên kế hoạch… làm từng bước một, bạn sẽ thấy túi tiền mình sẽ dư ra sau một thời gian kiên trì.
1. Hãy cố gắng hạn chế thói quen uống cà phê, trà sữa và đồ uống lạnh vì chúng không hề rẻ, cũng không bổ ích gì cho sức khỏe của bạn. Uống quá nhiều sẽ khiến bạn mệt mỏi, tăng cân, từ đó khiến quá trình giảm cân tốn nhiều thời gian và công sức hơn.
Kể từ hôm nay, hãy hà khắc với bản thân hơn, quy định mỗi tuần chỉ được uống một cốc trà sữa. Chỉ nhiêu đây thôi cũng đáng để khen thưởng!
2. Cố gắng chọn mua những bộ quần áo có thể kết hợp với nhau, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa tiết kiệm thời gian chọn lựa và tiền bạc. Những kiểu thời trang mẫu mã mới nhiều khi hết xu hướng sẽ không thể mặc lại. Mua quần áo không phù hợp với thời tiết ở khu vực bạn đang sống cũng là thói quen khiến tủ quần áo bị chiếm diện tích và gây lãng phí tiền bạc.
Có thể một số người nói rằng phải mua những loại quần áo khác nhau để đi du lịch. Thật ra, bạn có thể mua nhưng nên hạn chế số lượng và kiểm soát cơn ham muốn mua sắm. Ở đây là sự lựa chọn của mỗi người. Nếu bạn thoải mái kinh tế thì việc tự do mua sắm không có gì bàn cãi. Nhưng nếu bạn eo hẹp kinh tế và muốn tiết kiệm, thì việc tiết chế và kiểm soát là chuyện nên làm.
3. Kiểm soát số lượng túi xách và giày, chia thành các loại trang trọng và thông thường. Thế là đủ. Đừng mua và sử dụng quá nhiều, vì nếu bạn cứ tiếp tục mua, những cái mới sẽ trở thành cũ. Bạn cũng có thể tuân thủ nguyên tắc “một đổi một”, cái này dùng hư rồi mới đổi mua cái khác để không tích trữ dồn đống.
4. Đặt mục tiêu du lịch: Nếu bạn dự định thưởng cho mình chuyến đi du lịch đường dài trong năm, hãy giảm tần suất “chơi bời” ngắn hạn (như đi quán cà phê, du lịch trong nước, mua sắm…) và tuân thủ nghiêm ngặt ngân sách chi tiêu.
5. Điều cuối cùng và quan trọng nhất là “tự thân vận động”. Những nơi có thể đi bộ được thì cứ đi bộ. Tập nấu ăn và rèn thói quen mang cơm tự nấu đi làm. Quá trình này có thể mang lại cho bạn nhiều cảm giác hạnh phúc mà bản thân không hề ngờ tới.