Về miền Tây nghe những câu chuyện nhỏ xíu, nhìn nụ cười hiền khô của dì Bảy, thím Ba, thấy thứ gì cũng ngọt vị tình người

Hoàng Lê - Hải Long,
Chia sẻ

Nghĩ lạ lắm, từ bao giờ trong tôi, cứ nhắc đến miền Tây lại cười tủm tỉm một mình. Cái xứ gì mà dễ thương quá đỗi, sướng khổ gì không biết, cứ cười trước cái đã. Vậy nên, năm nào tôi cũng tranh thủ, gác lại sự bộn bề ở thành phố, cưỡi chiếc xe máy để về miền Tây - cái vùng đất ai đi đâu cũng nhớ, cũng thương này.

Miền Tây có đến 13 tỉnh, thành phố, rộng lớn và trù phú cũng giống như cái tình người ở xứ này, ai cũng dễ mến, đáng yêu. Dù bạn là ai, đến từ bất cứ nơi đâu, khi đặt chân đến vùng đất này đều cảm thấy nhẹ nhàng, bình dị đến vô cùng. 

20

Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ được xem là địa điểm không thể không tới khi đến miền Tây.

Cái giọng hò ngọt lịm, tiếng rao lanh lảnh của chị bán dâu...

Cũng giống mọi lần, chợ nổi Cái Răng là địa điểm tôi ghé đầu tiên mỗi khi đặt chân đến Cần Thơ. Không hẳn có một lý do đặc biệt nào, chỉ đơn giản tôi thích cái cảm giác được đi trên sông, ngắm nhìn cuộc sống bình dị của những người dân nơi đây. À mà đúng hơn là để thấy những nụ cười giòn tan, nghe câu chuyện dí dỏm của những cô chú trên bến dưới thuyền.

Đang miên man trong suy nghĩ, bất chợt tiếng rao lanh lảnh của người phụ nữ bán dâu, miệng cười tươi khiến tôi chú ý:

"Anh chị cô chú ơi, mua dâu đi. Dạ dâu xiêm ngọt lắm, không ngọt không lấy tiền. Dâu cháu bán chỉ 35 ngàn một ký hà. Mà mình mua 3 ký đi, cháu lấy 100 ngàn thôi…".

DSCF6228

Tiếng rao trái cây ngọt lịm của người phụ nữ trên sông.

Rồi dường như để "khuyến mãi" và cũng để quảng cáo cho quê nhà, người phụ nữ sông nước lại cất lên mấy câu hò ngọt như mía lùi:

"Hò ơi,

Cần Thơ có bến Ninh Kiều

Có dòng sông Hậu, có nhiều mỹ nhân...

Hò ơi, 

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời...".

Vậy đó, những người bán trái cây trên chợ nổi Cái Răng và thương hồ của miền Tây sông nước cứ tồn tại năm này qua tháng khác bằng giọng hò và nụ cười rạng rỡ, hồn hậu say mê lòng người.

4

Cảnh miền Tây bình dị, êm ả đến lạ thường.

DSCF5403

Sáng sớm ăn tô bún riêu còn được khuyến mãi nụ cười của dì Bảy.

Vừa dứt tiếng rao của người phụ nữ bán trái cây là một "bản hòa tấu" đủ thể loại ập vào tai tôi. Từ tiếng đám trẻ thương hồ tranh thủ con nước ròng nhảy xuống sông tắm táp đùa giỡn, đến tiếng chú Chín, chú Mười cụng cái cốp rồi ót ngay ly rượu đế vào miệng. 

Rồi tiếng của những người đi chài cá cười ha hả khi trúng được mẻ cá kha khá đủ tiền ăn đến ngày may. Người miền Tây là vậy đó, nghèo hay giàu, sướng hay khổ gì không biết, cứ cười trước cái đã. Thoải mái hết hôm nay, chuyện ngày mai tính sau.

Thuyền vừa cập đến đầu xóm trọ nghèo chợ nổi, chú Chín đã oang oang mời khách:

"Uống một ly đi con ơi. Rượu đế miền Tây nguyên chất gạo, không có cồn. Uống đi rồi chú kiếm nhà nghỉ cho, không tốn tiền đâu. Chú lo hết" - người đàn ông thân hình lòi cả 6 chiếc xương sườn nhưng mặt rất phúc hậu sảng khoái mời rôm rả.

Tự nhiên lúc ấy, cảm giác mệt nhọc của sự bộn bề công việc ở thành phố tan biến, cái không khí ấm áp, chân quê giúp tôi như được trở về nhà, chứ không phải là khách phương xa mới chân ướt chân ráo đến đây.

DSCF5551

Nụ cười hiền khô của những người phụ nữ miền Tây.

1 2

Đi đâu cũng thấy ngọt vị tình người, từ cái cách nói chuyện đến lối sinh hoạt tình cảm của người dân quê.

8

Người miền Tây lạ thiệt, thấy quý là chia sẻ, thấy thương là cưu mang...

Đó cũng là điểm chung của mấy ngày trước, khi chiếc xe cà tàng đưa tôi đi từ Tiền Giang qua Bến Tre rồi vòng xuống miệt vườn Vĩnh Long. Ở đâu, cũng nghe cái giọng mời mọc, cười nói thân thương, làm như đã quen từ rất lâu rồi.

Nhớ giọng giòn tan của một chị chủ quán nhậu lề đường ở TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) khi mang hẳn một nồi nghêu hấp sả ra đặt trước bàn chúng tôi và nói liền: "Món này chị mời, mấy cưng ăn cho vui".

Nhớ cái mùi thơm thơm, hăng hăng mùi khói và béo béo vị dừa của miếng bánh tráng chuối của cô Thúy ở Bến Tre. Bán một cái bánh chỉ 2.000 đồng nhưng cứ thích là cho khách thử thoải mái. Thành ra mấy chục năm trời làm bánh mà mới xây được cái nhà tường ọp ẹp đủ để che nắng che mưa.

Nhưng người miền Tây là vậy đó, thấy quý là chia sẻ, thấy thương là cưu mang. Họ không có nhiều tiền, nhưng phía sau nhà lúc nào cũng sẵn rau mọc dại, trong vườn thì sẵn mấy con gà, vịt thả rông. Để mà kể về miền Tây, hàng ngàn, hàng tỷ câu chuyện cũng không kể hết, mà chuyện nào cũng dễ thương, dễ mến như cái cách mà người miền Tây tiếp đón người khách thập phương.

DSCF5710

"Vô trong cá lóc bay rồi ra uống nước ép ổi nghe mấy đứa ơi, ngon lắm" - dì Ba tươi rói chào mời.

DSCF5339

Có lẽ chính vì thiên nhiên đã ưu ái cho vùng đất miền Tây nhiều sản vật phong phú, cá tôm ê hề nên dù già cả hay trẻ nhỏ đều thừa hưởng sẵn trong người bản tính phóng khoáng. Ở đây, nụ cười chính là thứ dễ kiếm nhất.

Nghĩ cũng ngộ lắm, người miền Tây đã cho là như "trút hết cả ruột gan". Họ san sẻ mọi thức ăn ngon mình kiếm được, chỗ ấm áp nhất mình đang ở. Mà kể cả nếu khách không nhận, còn giữ kẽ thì người miền Tây cũng... giận hờn.

Ở miền Tây, từ tiếng rao, giọng nói đến cả cái khoác tay cũng đều chan chứa yêu thương, dẫu cuộc sống của họ còn biết bao gian truân, khốn khó.

Mỗi lần dừng lại miền Tây sông nước, tôi được chứng kiến hàng chục câu chuyện, hoàn cảnh. Xúc động có, vui buồn có, hạnh phúc có, đau khổ cũng có nhưng mọi thứ đều hoá nhẹ nhàng bởi cái tình người thắm đượm chân quê.

35

Chuyện nhỏ, chuyện to, chuyện về miền Tây không bao giờ kể hết mà cái nào cũng dễ thương đến lạ thường.

Và hình như, thứ gì ở miền Tây cũng ngọt vị tình người!

Mời độc giả đón xem những câu chuyện bình dị của xứ miền Tây sông nước được chúng tôi ghi lại qua góc nhìn chân thật, đậm nét nhất ở các bài viết tiếp theo.

Bài 2: Nụ cười giòn tan của bà ngoại 12, kể chuyện mang bầu 6 tháng vẫn leo trên ngọn dừa, ngót nghét đã được 30 năm.

Chia sẻ